MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gần 600 người chinh phục Fansipan và những câu chuyện truyền cảm hứng

ÁI VÂN LDO | 28/04/2023 11:01

Trong đoàn leo núi, không ít người có vấn đề về sức khỏe và thể lực. Thế nhưng, với quyết tâm cao độ, tất cả đã vượt qua 22 km đường rừng để chinh phục Fansipan – ngọn núi cao nhất Việt Nam.

Vừa qua, một đoàn leo núi gần 600 người đã chinh phục thành công “Nóc nhà Đông Dương” Fansipan.

Điều thú vị của đoàn leo núi này không chỉ ở số lượng thành viên đông đảo, mà còn là những câu chuyện ấn tượng về hành trình chiến thắng nỗi sợ và niềm tin giới hạn để khám phá con người tài giỏi, mạnh mẽ bên trong mình.

Trong đoàn leo núi, chị Lê Thị Tâm (SN 1985, Khánh Hòa) là một trường hợp đặc biệt.

17 năm trời chị sống chung với căn bệnh thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm. Xương khớp rệu rã, đau nhức khiến chị không thể đi bộ nổi 1 - 2 km. Vì vậy, khi nghe tin chị đăng ký đi leo Fansipan, không ít người thân đã bất ngờ.

Gần 600 người của đoàn leo núi đã vượt qua 22 km đường rừng để chinh phục thành công “Nóc nhà Đông Dương”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nói về quyết định táo bạo này, chị bảo: “Đỉnh Fansipan cao tới 3.143 m, để leo bộ cần phải vượt qua 22 km đường rừng.

Đây là hành trình chẳng dễ dàng với những người có sức khỏe bình thường, huống hồ là một người đầy bệnh tật như tôi. Thế nhưng, tôi muốn thử một lần bứt phá bản thân, làm những thứ mà mọi người nghĩ rằng tôi không thể”.

Trước chuyến đi nhiều tháng, chị đã kiên trì rèn luyện thể lực, tập đi bộ, leo cầu thang. Cứ vậy từng chút một, đến ngày đoàn leo núi xuất phát, chị tự tin khoác balo lên đường.

Vượt qua những suy nghĩ tiêu cực rằng “mình không làm được đâu”, chị Tâm đã xuất sắc chinh phục đỉnh Fansipan. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Con đường leo núi chật vật, khó khăn hơn rất nhiều những gì chị từng mường tượng. Nó gồ ghề, chông chênh, nhiều đoạn dốc cao dựng đứng. Xương khớp đau nhức, cơ thể rã rời, đã có lúc chị Tâm bị tụt lại phía sau nhưng chị chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc.

Cuối cùng, bằng tất cả nỗ lực của bản thân và sự động viên, giúp đỡ từ đồng đội, chị đã thành công chinh phục “Nóc nhà Đông Dương” trong niềm vui vỡ òa.

“Hành trình lần này giúp tôi phá bỏ đi những suy nghĩ tiêu cực rằng “mình không làm được đâu”, “điều này quá sức với mình”… Từ đó, tôi trở nên tự tin, mạnh mẽ hơn để đặt ra những mục tiêu mới trong cuộc sống và can đảm chinh phục nó”, chị nói.

Ấn tượng không kém là câu chuyện của chị Trần Thị Thu Huyền (Hà Tĩnh). Do sức khỏe yếu hơn mọi người, trong hành trình 2 ngày 1 đêm băng rừng lội suối chinh phục Fansipan, đã có những lúc chị mệt tới mức không nhấc nổi bước chân.

Chị kể: “Dọc đường đi, có những đoạn đá lởm chởm rất trơn, có đoạn vách núi dựng đứng, tôi phải bò, bám vào từng mỏm đá. Khắc nghiệt nhất là lúc xuất phát ở độ cao 2.800 m vào khoảng 2h sáng, đêm tối và cái lạnh 4-5 độ C khiến tôi gần như kiệt sức”.

Cơ thể mỏi mệt nhưng chị vẫn quyết tâm leo từ từ từng chút một. Thành quả cho sự cố gắng ấy là chị đã thành công chinh phục đỉnh Fansipan.

“Xuất phát lúc 6h sáng 6.4 và lên đến đỉnh lúc 6h sáng ngày 7.4, ngắm mặt trời đỏ rực như ánh hào quang cùng tiếng chuông chùa văng vẳng, tôi chìm đắm trong niềm vui chiến thắng. Đó chính là chiến thắng nỗi sợ hãi, chiến thắng chính bản thân mình”, chị chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Lanh đồng hành cùng các học viên trong hành trình chinh phục “Nóc nhà Đông Dương“. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (đại diện Học viện Minh Trí Thành) - cho biết, leo Fansipan là hoạt động huấn luyện được Minh Trí Thành tổ chức 3 lần/năm, nhằm giúp các học viên vượt qua nỗi sợ và niềm tin giới hạn, bứt phá bản thân để trở thành phiên bản tài giỏi, mạnh mẽ hơn của chính mình.

Để đảm bảo yếu tố an toàn, trước đó Minh Trí Thành đã kết hợp với Ban quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên lên kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng, từ khảo sát cơ sở vật chất đáp ứng chỗ ăn chỗ ngủ cho đoàn leo núi đến xây dựng phương án an toàn cho những khu vực nguy hiểm.

Đặc biệt, các học viên được bộ phận leo núi chuyên nghiệp của Ban quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên hỗ trợ, giám sát trên suốt chuyến hành trình, đảm bảo cứ 3 – 4 học viên thì có một người hỗ trợ.

Ông Phạm Minh Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) - cho biết, các chương trình leo núi do Minh Trí Thành tổ chức thường có số lượng người tham gia đông đảo.

Do công tác tổ chức tốt, thành viên trong đoàn có ý thức tự giác và tính kỷ luật cao nên đoàn đông nhưng không có tình trạng xả rác bừa bãi, yếu tố an toàn được đảm bảo, không xảy ra sự cố đáng tiếc nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn