9 năm “ươm mầm”
Chào chị Thanh Thanh, được biết chị đã có 9 năm gắn bó với xưởng phim hoạt hình tại Việt Nam. Vậy cơ duyên nào đã đưa chị đến với lĩnh vực làm phim hoạt hình?
- Mình là cử nhân ngành Báo chí - Truyền thông (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) nhưng lại có đam mê với phim ảnh, đặc biệt làm phim hoạt hình.
Hồi nhỏ mình rất thích xem phim hoạt hình. Cũng giống như rất nhiều bạn nhỏ khác, mình rất thích xem phim của Walt Disney như: Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Công chúa ngủ trong rừng, Nàng tiên cá... Những bộ phim này mang lại cho mình sự thoải mái, tiếng cười và đặc biệt là sự hồi hộp ở những cái kết bất ngờ.
Lên năm 2 Đại học, mình tìm được một người bạn có cùng đam mê về phim hoạt hình và cả 2 đã cùng nhau làm ra thước phim đầu tay. Khi ấy vẫn là sinh viên, không có điều kiện về tài chính và thời gian nên chúng mình quyết định sử dụng phương thức Claymation (Claymation được hiểu là hoạt hình làm bằng đất sét, một thể loại của Stopmotion) để có bộ phim đầu tay.
Ngày đó mình chỉ nghĩ làm ra phim ngắn để gửi đi dự thi cho thoả đam mê, chứ không nghĩ sẽ gắn bó lâu dài. Nhưng may mắn sau khi gửi bộ phim “Say hi to Pencil” đi dự thi, bọn mình có giải thưởng UNTV Unicef Award. Bộ phim nhanh chóng nổi tiếng tại Việt Nam và được phát sóng trên truyền hình (từ năm 2012 đến giữa 2015) và nhận được rất nhiều sự yêu mến của các bạn nhỏ.
Bộ phim kể về một “Gia đình Bút” gồm bốn nhân vật: Bút Chì, Bút Đỏ, Bút Xanh và Bút Vàng. Đây là một series hoạt hình Stopmotion đầu tiên của người Việt.
Khoảng thời gian series phim hoạt hình này phát sóng, chúng mình gặp rất nhiều khó khăn vì chỉ có 5 thành viên. Chúng mình làm tất cả các công đoạn: Đạo diễn, biên kịch, chụp, dựng, chỉnh sửa hình ảnh...
Vì nhân sự ít nên những ngày đầu xưởng phim mới thành lập, chúng mình phải làm từ 12-15 tiếng/ ngày để guồng sản xuất đi vào ổn định. Giai đoạn này là giai đoạn rất khó khăn, vừa gây dựng quy trình, vừa sáng tạo nội dung, tổ chức, cải tiến tối ưu hệ thống làm việc...
Làm phim hoạt hình đã khó, làm phim hoạt hình theo thể loại Stopmotion còn khó hơn gấp 100 lần, vì tất cả chúng mình đều phải làm bằng tay. Chúng mình chụp những tấm hình tĩnh để ghép lại thành những thước phim động dựa trên nguyên tắc 24 hình/ giây. Cũng có nhiều người đùa vui rằng, làm thể loại phim hoạt hình này như là làm phim handmade vậy, phải tự nặn nhân vật, rồi diễn hoạt nó, rồi chụp những hành động lại, rồi ghép các ảnh với nhau,... Tất cả đều phải tỉ mỉ, chăm chút và chỉn chu.
“Linh hồn” mà chị gửi gắm trong "Xin chào Bút chì" là gì?
- Mình muốn làm một phim hoạt hình thuần Việt, với những nhân vật được sáng tạo bởi người Việt, và phong cách, tính cách của các nhân vật này phù hợp với phong tục tập quán, văn hoá của người Việt. Thông qua đó, có thể truyền tải thông điệp, giáo dục cho thiếu nhi Việt Nam.
Khi tạo ra và gắn bó với bộ nhân vật đó, nó như là có linh hồn, có cuộc sống thật vậy. Nhiều khi, trong studio mọi người cũng đùa với nhau: Hôm nay con Xanh nó đi học này, hôm nay con Đỏ nó mới phát minh ra cái này này... Chúng mình chia sẻ với nhau như đó là những đứa con của chúng mình.
Mình cảm thấy bản thân có sự gắn kết với nhân vật của mình. Và tất cả những gì mình muốn truyền tải, mình đã gửi gắm vào những nhân vật để uốn nắn cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Thời điểm đó, serie phim hoạt hình của chị có được khán giả đón nhận?
- Ở thời điểm đó, sự đón nhận của khác giả chưa được rõ nét vì mình chưa có thang đo để biết được. Cho đến khi mình tổ chức một buổi sự kiện thì mình mới nhận ra là các em nhỏ rất là yêu thích bộ phim hoạt hình của mình. Các em nhớ hết tên từng nhân vật, từng tính cách ra sao...
Và sau đó, khi công nghệ bắt đầu phát triển hơn, Youtube, Facebook “nở rộ” thì mình mới bắt đầu có nhiều sự tương tác với khác giả. Chúng mình nhận được rất nhiều sự yêu mến.
Được khán giả yêu mến, lý do gì mà team chị lại quyết định dừng lại?
- Sau 2 năm, nhóm mình quyết định dừng lại vì kinh phí sản xuất quá lớn và tương lai cho dạng phim hoạt hình này chưa được rõ ràng.
Thời gian đầu, bọn mình khá buồn và sốc vì đang quen với guồng công việc. Nhưng khi ngồi suy nghĩ lại, bọn mình hiểu là bọn mình vẫn đang tiếp tục nuôi dưỡng ý tưởng và tiếp tục xây dựng những điều khả thi hơn. Mình tạm dừng để khi quay lại, mình sẽ có bước tiến xa hơn.
Tại thời điểm đó, tuy dừng lại series hoạt hình nhưng kênh Youtube của chúng mình vẫn liên tục phát triển và được nhiều người đón nhận. Khi đó chúng mình vẫn duy trì nội dung bằng những phiên bản dễ sản xuất hơn: Live action (người đóng); puppet (rối tay, những con rối được điều khiển hoạt động bằng tay của con người); mascot (phim mà diễn viên phải mặc những bộ đồ hình nộm linh vật để đóng)... Thêm vào đó, chúng mình cũng tham gia thêm một số TV show. Đó là cơ hội giúp chúng mình tiếp xúc với nhiều trẻ em hơn và thấu hiểu tâm tư tình cảm của thế hệ trẻ bây giờ hơn.
Đến hiện tại, mình nghĩ mọi thứ đã đủ "chín" để có thể trở lại với "đường đua" làm phim hoạt hình.
Sản xuất loạt phim hoạt hình đáp ứng đủ tiêu chí: Sạch + thu hút
Làm lại bộ phim đã từng lên sóng cách đây 9 năm, chị có lo lắng nó sẽ bị lỗi thời?
- Thật ra bọn mình chưa bao giờ dừng lại niềm đam mê làm phim hoạt hình, vậy nên khi mình đã biết mình đã tích góp đủ kinh nghiệm và sự tư duy thì mình quyết định quay trở lại.
Hoạt hình có một đặc điểm khác so với các phim khác là nó không bị lỗi thời. Tuy nhiên, với những bộ nhân vật đó, với tính cách đó thì mình cũng có thể làm ra những tình huống mới mẻ hơn, thức thời hơn và phản ánh đúng với hiện tại hơn.
So với làm phim hoạt hình truyền thống thì làm phim hoạt hình thời 4.0 có thuận lợi, khó khăn gì?
- Về nội dung, thì dù là phim hoạt hình truyền thống hay phim hoạt hình thời 4.0 cũng đều phải có nội dung hay, có thông điệp rõ ràng và có bộ nhân vật lấy được cảm tình của khán giả.
Còn về kỹ thuật, mình thấy phim hoạt hình thời nay tiết kiệm được về sức người và kinh phí hơn so với thời điểm trước. Như hiện tại, mình không còn sử dụng thể loại Stopmotion mà mình biến đổi thành 2D animation (vẽ 2D nhân vật và diễn hoạt bằng máy). Việc đưa công nghệ vào sản xuất phim hoạt hình giúp mình tối ưu được quy trình sản xuất.
Nhưng cũng chính về sự thay đổi và phát triển này nên hiện tại ở Việt Nam, rất khó để có thể tìm được một người sản xuất phim hoạt hình chuyên nghiệp. Vì vậy nên khó khăn nhất ở thời điểm hiện tại là vấn đề nhân sự.
Làm phim hoạt hình trong thời điểm này, chị có gặp nhiều áp lực?
- Khi đầu tư và sản xuất bất kì chương trình nào thì mình cũng cần thật sự tỉnh táo trong khâu chọn lọc và kĩ lưỡng trong phần sản xuất. Đặc biệt hơn nữa, khi mình làm cho thiếu nhi thì mình phải sáng suốt và nghiêm khắc trong quá trình kiểm duyệt, vì các bé rất dễ học theo.
Trong thời đại này, có rất nhiều nội dung trên internet và khó mà kiểm soát được, nên những người làm nội dung tốt, nội dung sạch càng phải cố gắng hơn nữa để làm sao nội dung hay nhưng phải thu hút các bé, để các bé hứng thú và muốn xem.
Chị có kế hoạch gì cho "Xin chào Bút chì" trong tương lai?
- Mình cũng mong muốn bộ phim mình làm ra được phát hành rộng rãi, không chỉ tại Việt Nam. Hoạt hình cũng giống như âm nhạc vậy, nó phi biên giới, nên có thể dễ dàng tiếp cận được rất nhiều khán giả nước ngoài. Và để hoạt hình có thể “xuất xưởng”, tiến ra ngoài phạm vi Việt Nam thì điều kiện tiên quyết là phim của mình phải thật sự chất lượng.
Thêm vào đó, "Xin chào Bút chì" trong tương lai sẽ được tiếp tục phát triển với phiên bản mới. Tiếp đó, chúng mình sẽ mở rộng, phát triển bộ nhân vật này để đem đến cho trẻ em nhiều hình thức giải trí hơn: Đồ chơi, dụng cụ học tập... Mình mong muốn loạt nhân vật trong "Xin chào Bút chì" sẽ gắn bó với tuổi thơ của trẻ em Việt Nam.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!