MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cụ Hoàng Ngọc luôn coi những tấm hình được chụp chung với Bác Hồ như báu vật. Ảnh: Văn Tùng

Gặp thành viên được Bác Hồ chọn vào Đội Nhi đồng cứu quốc

Văn Tùng LDO | 19/08/2023 07:08

Dù đã bước sang tuổi 87 nhưng cụ ông Hoàng Ngọc - thành viên đầu tiên được Bác Hồ chọn vào Đội Nhi đồng cứu quốc vẫn nhớ từng câu nói, từng cử chỉ của Bác trong ngày Bác về tới mảnh đất Tân Trào 78 năm về trước.

Thành viên đầu tiên của đội Nhi đồng cứu quốc

Những ngày tháng 8 lịch sử, căn nhà sàn truyền thống của cụ ông Hoàng Ngọc ở Tân Lập (xã Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang) trở nên nhộn nhịp. Nhiều du khách sau khi thăm di tích lịch sử Quốc gia Tân Trào đã ghé thăm cụ Hoàng Ngọc để gặp lại nhân chứng sống một thời và được nghe những câu chuyện về Bác Hồ.

Ở tuổi 87, hàng ngày cụ Hoàng Ngọc vẫn cần mẫn với công việc đan lát. Còn sức khoẻ và minh mẫn như cụ Ngọc ở cái làng Tân Trào này là hiếm.

Nói về chuyện Đội Nhi đồng cứu quốc năm xưa, cụ Hoàng Ngọc khi đó mới là một cậu bé 8 tuổi, nhưng gặp Bác Hồ, được Bác giao nhiệm vụ là một vinh dự mà suốt đời cụ không bao giờ quên. Đôi tay thoăn thoắt luồn từng chiếc lạt tre, cụ Ngọc kể: “Những năm 1945 làng Cả, xã Kim Long ngày ấy (nay là thôn Tân Lập, xã Tân Trào) là một vùng hẻo lánh, chỉ có 22 nóc nhà. Tôi nhớ ngày 21.5.1945 cả làng nhộn nhịp vì có đoàn bộ đội về, lúc ấy chỉ biết là bộ đội thôi chứ có biết là Bác Hồ về đâu, bí mật mà”.

Những ngày đầu về Tân Trào, đoàn cán bộ cách mạng chia thành từng tốp ở nhà dân. Ngôi nhà sàn của ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh xã Kim Long được đón Bác về ở, còn ngôi nhà của ông Hoàng Trung Nguyên (bố cụ Hoàng Ngọc) là nơi Bác Hồ làm việc.

Nhìn về khoảng sân trước nhà, ánh mắt cụ Ngọc như bừng sáng: “Cũng chỗ này, Bác Hồ giao cho tôi nhiệm vụ tham gia Đội Nhi đồng cứu quốc, chỉ biết nghe lời Bác tập hợp thêm 3 bạn nữa có nhiệm vụ đi chăn trâu, chăn bò, đi nương, đi rẫy nếu thấy người lạ mặt vào làng là phải thông báo ngay cho các chú bộ đội”.

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, đội Nhi đồng cứu quốc ra đời từ đó với 4 người gồm Nguyễn Văn Khoái, Nông Văn Giai, Ma Văn Hiền và cậu bé Hoàng Ngọc. Tất cả khi đó mới chỉ 7, 8 tuổi nhưng ai cũng vinh dự tự hào.

Vẹn nguyên những câu chuyện về Bác

Trong câu chuyện kể lại, cụ Hoàng Ngọc nhớ, Bác Hồ lúc đó còn được gọi là “Ông Ké”. Cái tên làng Tân Trào cũng do Bác đặt thay cho tên làng Kim Long với mong muốn người dân có cuộc sống mới, ấm no hơn.

Những ngày diễn ra Quốc dân Đại hội Tân Trào tại đình làng Kim Long (ngày 16, 17, 18.8.1945) để quyết định Tổng khởi nghĩa là sự kiện ông Ngọc nhớ nhất: Chưa khi nào dân làng thấy nhiều người như vậy, đại biểu cả nước mà. Đội Nhi đồng cứu quốc của chúng tôi lúc đó cũng được dặn phải tuyệt đối cảnh giới với người lạ mặt.

Rồi lúc đại hội thành công, dân làng cử đoàn đi chúc mừng có phụ lão, thanh niên, phụ nữ, thiếu niên mang theo gạo, gà và 1 con bò để chúc mừng. “Ông Ké” ân cần xuống chào hỏi, nói chuyện và cảm ơn dân làng đã ủng hộ cách mạng, ủng hộ Đại hội.

Khi ấy, “ông Ké” nhìn xuống những cháu thiếu nhi gầy gò, áo quần rách rưới và nói: “Đây này, chúng ta phải làm thế nào để các cháu có cơm no, áo mặc, phải được học hành, nhân dân phải được tự do, ấm no hạnh phúc”. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 22.8.1945, Bác Hồ và đoàn cán bộ rời Tân Trào về Hà Nội để đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1946, trong 1 dịp rước ảnh Bác Hồ về làng, ông Ngọc và người dân Tân Trào mới biết “ông Ké” hay “đồng chí Già” từng ở làng mình hóa ra lại chính là Bác Hồ, vị Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn