MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gật và lắc

Việt Văn LDO | 19/02/2024 06:56

Mới đầu năm đã thấy bạn than nhiều việc quá, cũng bởi nhiều thứ đình trệ, tạm bỏ bê vì dịp Tết vừa qua, giờ xem deadline mới giật mình vì nước đến cổ rồi, không còn đường lùi nữa. Bạn bảo nghịch lý ở chỗ càng làm việc hiệu quả hơn thì càng được tin tưởng giao nhiều việc hơn, không còn thời gian cho gia đình, vợ con nữa. Thú chạy bộ sáng sớm từng gắn bó với bạn nhiều năm qua, cũng bỏ sáu tháng nay rồi.

Anh bảo bạn bỏ bớt đi, đừng tham việc nữa, tóm lại là phải biết chối từ. Càng có tuổi càng thấy trên đời khó nhất không phải là nhận lời mà là từ chối. Như cô em của anh, bao năm từ chối vị trí trưởng phòng kinh doanh của một công ty lớn để rồi năm qua cũng phải tặc lưỡi nhận lời vì ông sếp chỉ nói ngắn gọn: Cơ hội không đến nhiều đâu. Đừng quá cứng nhắc kẻo ân hận.

Cậu em của anh trước khi nhận lời làm quản lý cũng từng tâm sự: Hồi trước em có mấy ông anh làm sếp hoành tráng lắm nên chỉ yên tâm làm chuyên môn, một ngày đẹp trời mấy ông anh về hưu cả. Cờ đến tay mà không phất thì thằng khác kém hơn em, nó lên làm thì em khổ. Chưa kể, lên vị trí mới, tầm nhìn sẽ khác, và giúp được anh em bạn bè nhiều hơn.

Nhận lời hay từ chối một công việc, một vị trí chưa bao giờ là bài toán dễ dàng.

Ông vốn mê bóng đá nên không chuyện gì nóng trong làng túc cầu mà không biết. Mới rồi, giới thể thao loan tin siêu sao Messi (Argentina) đang được chèo kéo để tham dự hai giải bóng đá lớn Olympic và Copa America. Và Messi đã thuộc hàng “lão tướng” nên không thể căng sức cho cả hai mặt trận, đó là chưa kể còn làm nghĩa vụ với câu lạc bộ chủ quản Inter Miami nữa.

Dĩ nhiên quyền quyết định chủ yếu thuộc về Messi với danh tiếng của anh. Messi đã từng tuyên bố giải nghệ nếu giành được World Cup nhưng rồi khi đã đạt được mục tiêu, khi đã no nê danh hiệu, anh lại tiếp tục thi đấu.

Sự lựa chọn của gật đầu hay lắc đầu đều dẫn tới những hệ lụy khác nhau. Vấn đề nằm ở hệ giá trị của mỗi cá nhân theo đuổi. Hệ giá trị vì tiền, vì danh vọng của bản thân, vì muốn đóng góp nhiều cho lợi ích cộng đồng hay vì giá trị abc nào khác.

Nhà thơ Xuân Diệu từng viết: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”.

Nhưng thế nào là huy hoàng, và có thể nào tồn tại một nỗi buồn “huy hoàng” không?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn