MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Nhà sản xuất

"Gia tài của ngoại": Phim trăm tỉ chân thực hơn, đời hơn "Lật mặt 7"

Chí Long LDO | 07/06/2024 08:23

"Bom tấn" điện ảnh ăn khách nhất Thái Lan đầu năm 2024 đã chính thức "đổ bộ" Việt Nam, đem đến cho khán giả cảm xúc nghẹn ngào khi ra rạp.

Chính thức ra rạp tại Thái Lan vào 4.4, bộ phim "Gia tài của ngoại" do GDH sản xuất nhanh chóng tạo nên cơn sốt phòng vé với doanh thu mở màn 94,7 triệu baht (khoảng 65 tỉ đồng). Tác phẩm trở thành phim điện ảnh có doanh thu mở màn cao nhất năm 2024 và cao thứ 2 trong lịch sử điện ảnh xứ Chùa Vàng.

Sau khi "càn quét" phòng vé trong nước với doanh thu hơn 300 triệu baht (208 tỉ đồng) tính đến cuối tháng 4.2024, phim bắt đầu "xuất ngoại" sang các nước châu Á và thu về thành công nhất định. Trên IMDb, phim được đánh giá cao với điểm số 8,5/10.

“Gia tài của ngoại” gây sốt tại phòng vé Thái Lan trước khi ra mắt ở Việt Nam. Ảnh: Nhà sản xuất

Ra mắt tại Việt Nam với những suất chiếu sớm đầu tiên ngày 5.6, bộ phim đề tài gia đình của đạo diễn Pat Boonnitipat cũng mang đến nhiều cảm xúc và cả những giọt nước mắt nghẹn ngào của khán giả Việt.

Lấy bối cảnh tại một khu phố lao động bình dị tại Thái Lan, "Gia tài của ngoại" kể về M (Billkin Putthipong Assaratanakul), chàng trai trẻ làm nghề streamer với thu nhập không ổn định. Một ngày, M được mẹ thông báo bà ngoại đang mắc bệnh ung thư ở giai đoạn cuối, không còn sống được bao lâu.

Nghĩ đến cô bạn Mui được thừa kế cả căn nhà lớn sau khi ông mất, M quyết định chuyển đến chăm sóc bà, với mục đích ban đầu là lấy lòng, để bà chuyển nhượng gia tài cho mình trước lúc qua đời.

Từ đây, cuộc sống thường ngày của người bà bệnh tật và đứa cháu trai vô tâm được khắc họa, đem đến nhiều cảm xúc cho khán giả.

Thoạt xem, tác phẩm đề tài gia đình khiến khán giả liên tưởng đến "Lật mặt 7: Một điều ước" đã công chiếu thành công tại Việt Nam cách đây không lâu. Tuy nhiên, "Gia tài của ngoại" mang đến cảm giác bình dị hơn, "đời" hơn, cũng mang lại nhiều khoảng lặng và suy ngẫm.

Kịch bản "Gia tài của ngoại" không đậm chất "drama" mà khắc họa những chi tiết chân thật nhất của đời sống thường ngày, tựa như những thước phim tài liệu. Người bà trong phim cũng không hiền lành, dịu dàng như bà tiên mà khá khó tính, không dung túng, sẵn sàng phê bình lỗi sai của cháu dù là nhỏ nhất.

Trong khi đó, đứa cháu trai vốn muốn lấy lòng bà vì khoản tiền thừa kế, cuối cùng bị những tháng ngày sống bên ngoại cảm hóa, tìm thấy ý nghĩa thực sự của tình thân.

Cảnh phim đời thường lấy đi nước mắt của khán giả. Ảnh: Nhà sản xuất

"Gia tài của ngoại" không có bước ngoặt, tình tiết cao trào khiến người xem bùng nổ cảm xúc. Thay vào đó, mỗi chi tiết nhỏ trong phim đều khiến người xem âm ỉ, nghẹn ngào rơi nước mắt lúc nào không hay.

Bộ phim được "cầm trịch" bởi Pat Boonnitipat, vị đạo diễn nổi tiếng với loạt tác phẩm "Nhật ký yểu điệu thục nam", "Thiên tài bất hảo", "Project S the Series"... Vì là đồng biên kịch của tác phẩm, Pat Boonnitipat có độ am hiểu sâu sắc về tác phẩm, truyền tải cảm xúc qua từng góc quay, khung hình, cách chuyển cảnh mượt mà.

Mỗi chi tiết nhỏ như đôi dép của bà, chiếc áo mới, bức ảnh treo tường hay một đoạn hồi ức vụn vặt trong quá khứ... đều được sắp xếp chỉn chu, đầy dụng ý, như những mũi kim từng chút khắc sâu vào lòng khán giả, mang đến cảm giác vừa quen thuộc, vừa đau nhói, xúc động vô cùng.

Biên kịch chính của phim là Ped Thodsapon Thiptinnakorn, người dày dặn kinh nghiệm với loạt dự án từng "làm mưa làm gió" trên thị trường phòng vé như "Yêu nhầm bạn thân", "Lừa đểu gặp lừa đảo", "Ngược dòng thời gian để yêu anh"...

Diễn xuất của cặp diễn viên chính là điểm nhấn. Ảnh: Nhà sản xuất

Bên cạnh đó, "Gia tài của ngoại" còn gây ấn tượng bởi diễn xuất ăn ý của nữ nghệ sĩ kỳ cựu Usha Seamkhum và "cháu trai" Billkin Putthipong.

"Gia tài của ngoại" có tình tiết chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng không rời rạc. Phim không trực tiếp phô bày những mất mát, nỗi đau của bậc làm cha, làm mẹ trước sự vô tâm, phụ bạc của con cái lúc về già mà để lại những khoảng lặng để khán giả tự mình cảm nhận, thấu hiểu.

"Gia tài của ngoại" có thể không dễ lấy đi nước mắt của khán giả ra rạp như "Lật mặt 7", nhưng là một phiên bản "đời" hơn, chân thật hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn