MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Triển lãm ảnh về chủ đề gia đình tại Ngày hội gia đình Việt Nam 2022 tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hoài - Hải Yến

Giá trị của hạnh phúc trong gia đình Việt Nam

Lý Viết Trường LDO | 14/12/2022 06:00

Hạnh phúc là một trong vô số những trạng thái cảm xúc của con người, hạnh phúc gia đình là những thỏa mãn trong cuộc sống hằng ngày với tất cả các vấn đề liên quan như đời sống tình cảm, kinh tế, xã hội…

Trong một nghiên cứu về Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại, nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành vào năm 2021, PGS-TS Trần Thị Minh Thi và cộng sự đã đưa ra rất nhiều giá trị của gia đình như: Hôn nhân và gia đình; đạo đức, tâm lý và tình cảm của gia đình; con cái trong gia đình; các mối quan hệ trong và ngoài gia đình; kinh tế gia đình.

Trong những giá trị đó các yếu tố hạnh phúc và sự sẻ chia được các tác giả xếp vào mục giá trị đạo đức, tâm lý và tình cảm của gia đình. Ngoài hai yếu tố đó mục này còn có những khía cạnh khác như sự chung thủy, tình yêu, bình đẳng, đời sống tình dục, không gian riêng và sự tôn trọng…

Quan điểm về hạnh phúc xưa và nay

Theo kết quả nghiên cứu của PGS-TS Trần Thị Minh Thi và cộng sự với 1.759 đại diện hộ gia đình từ 16-70 tuổi thuộc 6 vùng kinh tế - xã hội khác nhau (Đồng bằng sông Hồng, miền núi và trung du phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long), thì giữa các thời kỳ quan điểm về những yếu tố tác động đến hạnh phúc gia đình có sự khác nhau. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng những người sinh từ năm 1986 trở về sau có sự khác biệt trong suy nghĩ với những người sinh trước năm 1985.

Có đến hơn 20% số người sinh trước năm 1985 cho rằng, gia đình thường không hạnh phúc nếu vợ có trình độ học vấn cao hơn chồng, chồng có nghề nghiệp kém hơn vợ và vợ kiếm được nhiều tiền hơn chồng, trong khi chỉ có hơn 10% số người sinh sau năm 1986 đồng ý quan điểm này. Với quan điểm gia đình không hạnh phúc nếu không có con trai thì chỉ có gần 7% số người sinh sau năm 1986 đồng ý, bằng một nửa so với những người sinh trước năm 1985.

Hai thế hệ mặc dù có sự chênh lệch về tuổi tác nhưng về cơ bản đều có sự tương đồng với một số quan điểm sau: Gia đình sẽ hạnh phúc hơn nếu con cái thành đạt, ngoan ngoãn và mạnh khỏe; gia đình hạnh phúc nếu cả hai vợ chồng cùng chia sẻ công việc gia đình; gia đình thường không hạnh phúc nếu vợ chồng có sự khác biệt về lối sống và thiếu sự hòa hợp trong đời sống tình dục.

Từ kết quả khảo sát trên các nhà nghiên cứu cho rằng, sự khác biệt trong quan điểm về hạnh phúc giữa các thế hệ phần nào phản ánh tư tưởng bình đẳng, lối sống cởi mở của lớp người trẻ tuổi. Mặc dù vậy với rất nhiều quan điểm thì giữa hai thế hệ vẫn có sự tương đồng trong cách đánh giá, điều này thể hiện rằng mặc dù kinh tế - xã hội biến đổi mạnh mẽ nhưng nhiều giá trị gia đình vẫn được duy trì, đó chính là cái gốc rễ của hạnh phúc gia đình.

Hạnh phúc là sự sẻ chia

Hạnh phúc gia đình dựa trên nền tảng lớn nhất là tình cảm vợ chồng, một gia đình hạnh phúc là ở đó cả người chồng và người vợ đều phải trân trọng và có trách nhiệm vun đắp nếp nhà. Các khía cạnh của sự sẻ chia bao gồm vợ chồng lắng nghe và chia sẻ tâm tư của nhau, cùng nhau giải quyết những khó khăn trong cuộc sống…

Trong xã hội hiện đại khi áp lực cuộc sống ngày càng đè nặng lên gia đình, mỗi người hằng ngày phải chạy đua với cuộc sống mưu sinh, với những nỗi lo cơm áo gạo tiền. Vượt qua những vất vả đó, những gia đình hạnh phúc là người vợ và người chồng biết dành thời gian cho nhau, tạo ra những phút giây lãng mạn, làm cho cuộc sống thăng hoa hơn...

Thấu hiểu và cảm thông, cùng có trách nhiệm với hoàn cảnh của hai bên gia đình cũng là cơ sở của hạnh phúc gia đình. Đối xử bình đẳng giữa hai bên nội ngoại cũng là yếu tố quan trọng quyết định đến hạnh phúc gia đình, nhất là trong xã hội văn minh ngày nay. Xã hội truyền thống ăn tết Nguyên đán bên nội là lệ tục bắt buộc, nhưng hiện nay việc đón Tết ở đâu là mối quan tâm lớn khi xã hội ngày càng biến đổi. Nhiều gia đình lựa chọn việc đón Tết luân phiên, năm trước đến Tết bên nội thì năm sau ăn Tết bên ngoại, đó cũng là giá trị văn hóa mới đáng được trân trọng.

Khi người ta cảm thấy được sẻ chia và gắn bó thì những áp lực cuộc sống, niềm vui và nỗi buồn sẽ dễ dàng vượt qua. Còn ngược lại nếu không được chia sẻ hoặc phản bác về mặt suy nghĩ, tâm tư thì đối phương sẽ âm thầm chịu đựng, không khí gia đình từ đó mà ngột ngạt.

Nếu như trong xã hội gia trưởng truyền thống các công việc nội trợ đều do người phụ nữ đảm nhiệm, nam giới chỉ lo việc kiếm sống và đối ngoại; thì trong xã hội đương đại, cả vợ và chồng đều có trách nhiệm kinh tế, tạo thu nhập vì vậy việc nhà cũng phải là trách nhiệm của cả hai.

Nghiên cứu của PGS-TS Trần Thị Minh Thi chỉ ra rằng, xã hội càng phát triển, nhận thức về sự chia sẻ công việc gia đình càng tiến bộ. Theo đó, cả nam giới và nữ giới đều cho rằng, chia sẻ việc nhà là quan trọng đối với một cuộc hôn nhân bền vững.

Như vậy hạnh phúc gia đình là một giá trị tưởng chừng khó hiểu, khó thực hiện, nhưng nếu nhìn nhận từ những khía cạnh thân thuộc thì nó cũng thật gần gũi và đơn sơ. Hạnh phúc là sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ; nền tảng của hạnh phúc gia đình là sự tôn trọng và lắng nghe.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn