MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội An là đô thị thường xuyên bị ngập lũ mỗi mùa mưa, nhưng nhờ bảo tồn tốt nên giữ gìn và phát huy được các Di sản văn hóa vật thể. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH

Giá trị kép của di sản

Thanh Hải LDO | 13/02/2024 15:11

Tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa truyền thống thực sự sống lại một cách sinh động trong sinh hoạt của cộng đồng, đó chính cách làm góp phần chấn hưng văn hóa. Tuy vậy, để các hoạt động văn hóa có đất sống, phát huy được di sản văn hóa phi vật thể, thì phải có không gian. Trong đó, di sản vật thể đóng vai trò rất quan trọng...

Các ngành nghề thủ công truyền thống ở Hội An đã thành sản phẩm du lịch độc đáo, mang lại nhiều giá trị kinh tế lẫn văn hóa. Ảnh: RE’HAHN

Luôn làm mới những giá trị cũ

Cuối tháng 10.2023, Ban thư ký Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đã xác nhận Hội An và Đà Lạt là đại diện tiếp theo của Việt Nam chính thức là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO. Trong đó, Hội An trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian.

Điểm lại thực tế, ngành nghề Thủ công và Nghệ thuật dân gian quả thật là thế mạnh nổi trội, được Hội An bảo tồn và phát huy hiệu quả trong thời gian dài. Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, ông Nguyễn Văn Lanh, Hội An hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi, như nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da... Trong đó có 3 làng nghề và 1 nghề truyền thống được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia và 2 làng nghề khác đang làm hồ sơ đề nghị công nhận.

Hệ sinh thái các làng nghề, cộng đồng làng nghề cùng các tập quán, sinh hoạt, tín ngưỡng lâu đời của cư dân địa phương đã góp phần truyền cảm hứng, hình thành và nuôi dưỡng sự phong phú và đa dạng của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo như hát bả trạo, hò khoan, hô hát bài chòi, thơ ca, hò vè, nghệ thuật hát Bội, múa nghi lễ, tạo hình dân gian… phản ánh chân thực, sinh động những đặc điểm văn hóa - xã hội của vùng đất và trở thành một phần thiết yếu trong đời sống tinh thần của người dân Hội An. Trong đó, nổi bậc nhất là Nghệ thuật Bài Chòi - đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.

Tuy vậy, các làng nghề thủ công mỹ nghệ, truyền thống của Hội An không phải là sản phẩm riêng có, khác biệt. Thậm chí các nghề như may mặc, gốm, gỗ, mây tre... gần như đều có mặt ở khắp các làng quê, xã phường của Việt Nam. Chỉ có điều, các nghề thủ công mỹ nghệ ở nhiều nơi đã không thể tự thân sống được. Hoặc bị mai một, bị xé lẻ, manh mún, hoặc duy trì chỉ vì truyền thống, sự yêu quý của gia đình, một xóm làng nhỏ mà không hề có lợi nhuận...

Ngược lại, người dân ở các làng nghề thủ công mỹ nghệ của Hội An lại sống tốt, làm giàu từ sản phẩm truyền thống này. Đông đảo cư dân Hội An tham gia vào các hoạt động thủ công và nghệ thuật dân gian một cách chính thức hoặc không chính thức gồm các nhóm lao động tự do và sản xuất, kinh doanh thủ công; nhóm các nghệ sĩ, nghệ nhân, cá nhân thuộc các hiệp hội nghề nghiệp, điều hành các xưởng thủ công sáng tạo. Nhóm còn lại gồm các doanh nghiệp và nhà kinh doanh trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.

Thống kê của UBND Thành phố Hội An, hiện địa phương có 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước tính có khoảng 4.000 lao động trực tiếp có thu nhập trung bình 3.500-4.000 USD mỗi năm từ thủ công và nghệ thuật dân gian. Đây thực sự là những con số ấn tượng, đặc biệt là giá trị làm ra từ những ngành nghề truyền thống của cha ông từ ngàn năm nay.

Hội An hiện có 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ảnh: NGUYỄN LONG

Văn hóa phi vật thể luôn mang lại giá trị kép

Khi nhận tin Hội An được xác nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - ông Nguyễn Sự, nguyên lãnh đạo Hội An không mấy bất ngờ. Ông nói, “vì sao UNESCO không công nhận ở các lĩnh vực khác mà lại là Thủ công và Nghệ thuật dân gian của Hội An? Những ngành nghề mà chúng ta đã có từ nhiều thế kỷ trước. Nếu xét về sự phát triển qua các thời kỳ khoa học công nghệ, hiện đại các phương tiện sản xuất thì nghề thủ công mỹ nghệ đã quá lạc hậu... Nhưng họ công nhận lĩnh vực này là vì cách Hội An luôn biết làm mới những giá trị cũ. Không chỉ bảo tồn di sản, mà còn phát huy giá trị, đặc biệt là giá trị của văn hóa phi vật thể để làm kinh tế. Và quan trọng nhất, là mọi giá trị đấy đều quay lại phục vụ chính người dân, cộng đồng”.

Những năm đầu thập niên 90, Hội An là một phố cũ, với những ngôi nhà gỗ xuống cấp, xập xệ và bị quên lãng. Thanh niên, trai tráng tứ tán đi tìm kế sinh nhai. Phố cũ chỉ còn người già buồn tẻ. Nhưng giờ đây, Hội An đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, một địa chỉ du lịch không thể thiếu trên bản đồ thế giới. Người có công lớn là ông Nguyễn Sự. Nhà nước đã ghi nhận bằng cách phong tặng danh hiệu Anh hùng cho ông. Nhưng ông Sự lại cho rằng, Hội An đã “sống lại” được, thành di sản thế giới là nhờ vào văn hóa phi vật thể… trên cái nền của di sản.

Người Hội An giữ được nhà cổ, các công trình đền đài miếu mạo, chùa chiền... là một thành tựu lớn. Nhưng không làm sống dậy các di sản vật thể đó thì chẳng bao lâu các công trình vật thể sẽ bị xuống cấp, hư hại. Nhất là vùng đất hạ lưu sông Thu Bồn, năm nào cũng ngập trong lũ như Hội An. Chính đời sống và các sinh hoạt văn hóa truyền thống của cư dân Hội An trong các di sản vật thể đó đã làm nên hồn cốt Hội An, rồi được giới thiệu ra du khách, quốc tế...

Ông Nguyễn Sự cũng “tiết lộ”, thành công của Hội An như ngày hôm nay là phần lớn nhờ vào truyền thông. Chính báo chí đã góp phần quan trọng trong việc phát hiện, giới thiệu ra bên ngoài những giá trị văn hóa phi vật thể của Hội An. Chính người dân, khi đọc báo, họ nhận ra giá trị ngay trong chính ngôi nhà cổ mình ở. Sự chân thành, đôn hậu, thân thiện trong tính cách người Hội An, trong các ngôi nhà cổ là vàng, là kim cương mà lâu nay họ không thấy. Truyền thông cũng mang đến bạn bè bốn phương, trong và ngoài nước biết về đến vùng đất, người dân của Hội An. Qua truyền thông, họ sẽ đến Hội An hiểu thêm biết thêm về Hội An.

Bây giờ, Hội An đã trở thành mảnh đất có sức hút mạnh mẽ và mang lại nguồn cảm hứng cho các chuyên gia, nhà sáng tạo, nghệ sĩ trong và ngoài nước đến sinh sống và sáng tác với đa dạng các loại hình, lĩnh vực sáng tạo. Vì vậy, sự sáng tạo của Hội An bây giờ cũng như chiều sâu và hàm lượng cao. Tất cả những giá trị đó đã làm cho thành phố này thành một trong những không gian sáng tạo hấp dẫn của cả nước.

Gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là điều kiện thuận lợi cho Hội An trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên tất cả các lĩnh vực văn hóa sáng tạo, góp phần thu hút đầu tư, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa, sáng tạo, nhằm phát triển bền vững. Đồng thời, mở ra các cơ hội học tập, giáo dục và nhân rộng các mô hình sáng tạo, tạo tiền đề cho hoạt động khởi nghiệp.

Trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn cho Hội An. Đồng thời, còn là bài học lớn cho các địa phương khác trong cả nước về câu chuyện bảo tồn di sản, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể để góp phần trong công cuộc chấn hưng văn hóa mà Đảng và Nhà nước đang đặt ra cấp thiết hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn