MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh cắt từ video học sinh ném dép vào cô giáo ở Tuyên Quang. Ảnh: Chụp màn hình

Giá trị truyền thống bị bẻ gãy nhìn từ vụ "học sinh ném dép vào cô giáo”

Mi Lan LDO | 09/12/2023 13:52

Người Việt vốn nổi tiếng với truyền thống hiếu học, coi trọng vị trí người thầy trong đời sống, văn hóa và giáo dục. Những giá trị truyền thống ấy đang đứng trước nguy cơ mai một, thậm chí bị bẻ gãy nếu nhìn từ vụ việc ở Tuyên Quang.

Văn hóa nhìn từ nghìn năm

“Tôn sư trọng đạo” vốn được xem là một nét văn hóa trong đời sống của người Việt hàng nghìn năm. Nhìn vào lịch sử, nhìn vào đời sống xã hội từ nhiều thế kỷ trước, sẽ dễ dàng nhận thấy vị trí, vai trò quan trọng của người thầy trong nếp nghĩ, trong quan niệm của người Việt.

Trong ba vị trí quan trọng của xã hội xưa, “Quân – Sư – Phụ”, vị trí của người thầy giáo chỉ đứng sau vua. Người Việt đặc biệt coi trọng và tôn vinh thầy cô giáo – những người vẫn được xem giữ vị trí cao quý bậc nhất trong xã hội, đảm nhận công việc “trồng Người”, đào tạo ra những chủ nhân tương lai của cả quốc gia.

Có nhiều thành ngữ, tục ngữ thể hiện rõ nét nếp nghĩ của người Việt từ xa xưa và sự tôn vinh dành cho nghề “trồng Người”: “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”...

Việc giữ lễ nghĩa với thầy cô giáo cũng ăn sâu vào truyền thống văn hóa của người Việt, “Mùng Một tết Cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết Thầy”, “Tiên học lễ, hậu học văn”... Người thầy giữ vai trò đặc biệt khi luôn được nhắc đến với sự biết ơn, trân trọng như cha mẹ sinh thành.

“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền” – vốn đã là những câu hát được truyền dạy từ khi trẻ bắt đầu đến trường.

Mối quan hệ giữa thầy cô – học trò, thầy cô – phụ huynh vốn được xây dựng bền chặt dựa trên những quy tắc đạo đức tưởng như không thể phá bỏ. Bởi vậy, video ghi lại hình ảnh học sinh khóa cửa, quây lại hành hung, ném dép vào cô giáo trở thành cú sốc với dư luận.

Người Việt có truyền thống văn hóa “Tôn sư trọng đạo“. Ảnh: Tranh tư liệu

Muôn chiều tranh cãi, muôn chiều ý kiến đang đặt câu hỏi về trách nhiệm, trách nhiệm của ai, do đâu, vì sao, nét văn hóa truyền thống đang bị bẻ gãy đến mức này?

Chấn hưng văn hóa nhìn từ nghìn tỉ

Trao đổi với phóng viên Lao Động về vụ việc, Tiến sĩ Tâm lý Trần Thành Nam (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, biến động thời đại dẫn đến những thay đổi về suy nghĩ, lối sống của thế hệ trẻ và tác động mạnh mẽ, làm mai một những giá trị văn hóa truyền thống và giá trị đạo đức căn cốt.

Theo đó, khoảng cách thế hệ, những xung đột giữa các thế hệ đang ngày càng lớn. Những giá trị văn hóa, đạo đức được thế hệ trước đây tôn vinh, trân trọng lại đang có sự biến đổi lớn trong suy nghĩ, tư duy, quan điểm của gen Z, gen Alpha (những người sinh từ 1997 đến 2024).

Những thay đổi, biến động này là hệ lụy của nhiều yếu tố, đến từ nhiều phía: sự thay đổi của xã hội, sự thay đổi của vị thế người thầy trong môi trường giáo dục, sự thay đổi trong mối quan hệ gia đình – nhà trường, sự thay đổi đến từ giáo dục trong gia đình về hình ảnh người thầy...

Tiến sĩ Tâm lý Trần Thành Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

PGS.TS Vũ Xuân Đoàn - Nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Quốc Tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (nay là Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích với phóng viên Lao Động: “Đã có rất nhiều thay đổi, phụ huynh bênh con quá đà, can thiệp vào cả kỹ năng sư phạm, công tác giảng dạy của thầy cô ở nhà trường. Khi con đi học có chuyện gì là đổ lỗi cho nhà trường. Có những vụ phụ huynh xông vào trường đánh thầy cô, hoặc bắt thầy cô phải quỳ xuống xin lỗi, như ở Long An (2018) ảnh hưởng đến hình ảnh của giáo viên rất nhiều”.

Việc những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống đang bị mai một, thậm chí bị phá vỡ, bị bẻ gãy lại chưa được bàn đến trong công cuộc chấn hưng văn hóa.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương nhấn mạnh vai trò, sự đầu tư cho con người trong công cuộc chấn hưng văn hóa, bởi theo ông, con người – là giá trị cốt lõi nhất, mang đầy đủ “đạo đức, tài năng, tầm nhìn” khi trở thành chủ thể của văn hóa mới đủ sức chấn hưng văn hóa.

Chấn hưng văn hóa sẽ không chỉ dừng lại ở việc đầu tư hàng trăm nghìn tỉ cho xây dựng thiết chế, công trình nguy nga, tốn kém. Chấn hưng văn hóa còn cần được bắt rễ, khơi nguồn, chấn chỉnh lại việc giữ gìn những vẻ đẹp truyền thống, vẻ đẹp mang tính bản sắc của một dân tộc, một quốc gia.

Hàng nghìn tỉ có thể xây dựng được những công trình văn hóa, nhưng hàng nghìn tỉ và nhiều nghìn tỉ cũng là không đủ để vực dậy văn hóa con người nếu mục ruỗng từ bên trong.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn