MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam. Ảnh: Việt Văn

Giải cánh diều và phim chất lượng cao

Việt Văn LDO | 14/02/2023 06:00

Trò chuyện với PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam vào một ngày trung tuần tháng 2.2023 khi công việc chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam (15.3.1953-15.3.2023), trọng tâm là giải thưởng Cánh diều, đang được Hội khẩn trương chuẩn bị.

Giải Cánh diều lần thứ 20 tiếp tục được tổ chức tại Nha Trang

Kể từ khi nhận chức Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam vào tháng 12.2021, đến nay chỉ 1 năm 2 tháng nhưng Hội Điện ảnh Việt Nam đã làm được khá nhiều việc, tạo được dấu ấn tích cực cho hội viên. 

Tháng 12.2021, chỉ chưa đầy 20 ngày sau khi kiện toàn bộ máy, tổ chức, lễ trao giải Cánh diều lần thứ 18 đã được tổ chức tại Khách sạn Hà Nội Vàng. Và 9 tháng sau, lễ trao giải Cánh diều lần thứ 19 được thực hiện tại thành phố biển Nha Trang,  tạo một điểm sáng khi hơn hẳn về quy mô và cách thức tổ chức các giải Cánh diều trước đó.

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nhớ lại: Giải Cánh diều lần thứ 19 đã vượt qua rất nhiều khó khăn về dịch bệnh COVID-19 mới qua thời cao điểm rồi kinh phí cho Hội khá khiêm tốn, không đẩy mạnh xã hội hóa thì không thể làm tại Nha Trang, từ chi phí máy bay, vận chuyển, rồi ẩm thực cho hàng trăm đại biểu. Rồi chuỗi hoạt động Cánh diều như Gala dinner, hội thảo… mở ra nhiều hy vọng hợp tác điện ảnh và du lịch, lễ trao giải kết hợp phần lễ và hội được làm tươi mới, công phu, chương trình thảm đỏ trang trọng.

Và chính từ kết quả đó, giải Cánh diều lần thứ 20 nhân dịp 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam, 370 năm hình thành lịch sử Khánh Hòa, sẽ tiếp tục được tổ chức tại Nha Trang, dự kiến khoảng tháng 8.2023 và trong tương lai có thể sẽ là hoạt động thường niên tại đây. Năm nay, hình thức tổ chức sẽ được cải tiến, mới mẻ hơn. Sẽ mời các đại biểu nước ngoài tham dự để nâng tầm sự kiện.

Về công tác kết nạp hội viên, sau 3 năm dịch bệnh tạm dừng lại, mới đây Hội đã xét kết nạp 143 hội viên mới được tổ chức trang trọng cho các liên chi hội tại Hà Nội, Thanh Hóa (vừa thành lập chi hội Hội Điện ảnh Việt Nam và tổ chức Đại hội lần thứ nhất bầu ra Ban chấp hành chi hội tại đây), TPHCM, Đồng bằng sông Cửu Long… Các lớp tập huấn làm phim tài liệu sẽ tiếp tục được triển khai, năm ngoái làm tại Quảng Nam, năm nay tập huấn tại An Giang, Đắk Lắk, Phú Thọ.  Các trại sáng tác tiếp tục được tổ chức...

Vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ phối hợp với Cục Điện ảnh Việt Nam tổ chức về nguồn lên Điểm Mặc, Cây đa Tân Trào nơi Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam… Hội sẽ phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin và Báo Tổ quốc tổ chức hội thảo chủ đề kết nối điện ảnh và du lịch. Lễ kỷ niệm chính thức sẽ diễn ra tại Hà Nội vào đúng ngày 15.3.2023.

Phải có những phim giá trị nghệ thuật cao

Trước băn khoăn của phóng viên Lao Động về việc thiếu vắng những phim nghệ thuật đủ sức làm sang cho điện ảnh Việt trên trường quốc tế, trong khi lại quá nhiều phim thương mại, PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú chia sẻ: Năm 2025 có một loạt những ngày kỷ niệm lớn, lễ lớn của đất nước, nếu không chuẩn bị ngay từ bây giờ thì sẽ không thể có những tác phẩm có giá trị, tác phẩm đỉnh cao. Hội Điện ảnh rất cần nguồn kinh phí để sản xuất ra tác phẩm có giá trị xứng tầm. Hiện Hội đang khởi thảo ý tưởng làm 1 phim truyền hình nhiều tập, về chủ đề đại đoàn kết của dân tộc.

Đó là câu chuyện không hề đơn giản. Kinh phí Nhà nước đặt hàng cho những phim có giá trị tuyên truyền, khó thu hồi vốn, và việc đầu tư cũng nhỏ giọt, khó khăn. Trong khi, các phim tư nhân duy trì dòng phim giải trí, thương mại để thu hồi vốn, còn mong họ sản xuất ra những tác phẩm thuần túy nghệ thuật là điều không tưởng.

Dĩ nhiên, Luật Điện ảnh Việt Nam mới có hiệu lực từ tháng 1.2023 đã tạo cho phim Việt có những ưu đãi, là cú hích đáng kể cho những nhà làm phim Việt, cũng như nó tạo điều kiện cho nhiều tổ chức xã hội hóa tổ chức các Liên hoan phim, sản xuất, phổ biến và quảng bá phim nhiều hơn.

Luôn đắm đuối với nghề

Vốn là một họa sĩ, nhà phê bình nghệ thuật, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú dù bận làm công tác quản lý vẫn luôn dành thời gian để viết. Ông vừa cho ra mắt cuốn sách nghiên cứu dày dặn (hơn 600 trang, khổ in 16x24, NXB Hội Nhà văn - 2022, với tiêu đề “Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình”). 

Với vốn kiến văn sâu và rộng, với những trải nghiệm thực tế, quý giá trong nghề, cuốn sách - kết quả của công phu hơn 6 năm ấp ủ viết của tác giả - thực sự là một công trình hữu ích, là công cụ chuyên khảo, tham khảo bổ ích cho những nhà làm phim và những người làm công tác đào tạo điện ảnh. Đây là cuốn sách sách viết về điện ảnh thứ ba của ông sau các cuốn “Tạo hình thiết kế mỹ thuật phim truyện”, “Nghệ thuật tạo hình trong sáng tác điện ảnh”…

Câu hỏi cuối cùng về mong muốn lớn nhất của ông với tư cách Chủ tịch Hội, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú bộc bạch: Hội luôn đoàn kết mở rộng xã hội hóa nhiều nguồn lực. Hoạt động Hội phải luôn đổi mới và phát triển. Trong đó, với mảng lý luận phê bình, Hội cần  hỗ trợ các dự án chưa có kinh phí để xuất bản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn