MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Poster phim “Đất rừng Phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Giải mã sức hút của miền Tây trong phim ảnh chuyển thể văn học

Việt Hà LDO | 27/09/2023 08:25

“Đất rừng Phương Nam” - phim điện ảnh của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng - dự kiến phát hành cuối tháng 10 hiện gây nhiều tranh cãi về tạo hình các nhân vật. Theo đó, Trấn Thành bị cho là chưa đủ già dặn, chiều sâu để vào vai bác Ba Phi, Mai Tài Phến đóng vai Võ Tòng bị cho là giống phim kiếm hiệp. Sức nóng tranh cãi cho thấy mức độ quan tâm của khán giả dành cho tác phẩm này.

Năm 1997, bộ phim truyền hình 11 tập “Đất Phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chuyển thể từ tiểu thuyết “Đất rừng Phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi khi lên sóng đã rất được khán giả yêu thích. Bên cạnh đó, nhiều trang viết về đất và người vùng Nam Bộ, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đã được chuyển thể điện ảnh thành công, cho thấy sức hút của văn chương phương Nam.

Sự kiên cường của con người phương Nam

Ngay từ những năm 1960, giai đoạn đầu của điện ảnh cách mạng Việt Nam, đã có nhiều bộ phim, tác phẩm chuyển thể văn học, sân khấu với bối cảnh miền Nam thành công.

“Chị Tư Hậu” (ra mắt năm 1963) của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, chuyển thể từ truyện ngắn “Một chuyện chép ở bệnh viện” của nhà văn Bùi Đức Ái được đánh giá là phim đặc sắc, có sức sống lâu bền. Phim kể về chị Tư Hậu, một người phụ nữ làm nghề đỡ đẻ ở vùng ven biển miền Nam, đã vượt lên bi kịch cá nhân, giác ngộ và vận động mọi người đi theo cách mạng.

“Nổi gió” (ra mắt năm 1966) của đạo diễn Huy Thành, chuyển thể từ vở kịch của Đào Hồng Cẩm là tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng. Hình ảnh chị Vân (Thụy Vân đóng) vươn tay gạt hàng lưỡi lê của những người lính bên kia chiến tuyến đã trở thành biểu tượng cho khí phách hiên ngang của người phụ nữ miền Nam.

Thể hiện hình ảnh người nông dân vùng sông nước miền Tây trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là bộ ba phim “Mùa gió chướng” (1980), “Cánh đồng hoang” (1980), “Mùa nước nổi” (1986).

Trên bối cảnh bao la bát ngát của sông nước, cánh đồng hoang vắng tưởng không nơi ẩn nấp ấy, những người nông dân theo mặt trận, những chiến sĩ cách mạng, người du kích ẩn mình trong nước để tránh những cuộc truy lùng, rồi chiến đấu không khoan nhượng.

Sự kết hợp giữa đạo diễn Nguyễn Hồng Sến và nhà văn Nguyễn Quang Sáng (biên kịch) đã tạo nên bộ ba phim đặc sắc. Khắc họa hai đặc tính dung dị và bất khuất của người miền Tây, bộ phim “Cánh đồng hoang” trở thành tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt, đoạt nhiều giải thưởng như: Bông sen vàng - Liên hoan phim Việt Nam 1980, Huy chương Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Moscow năm 1981.

Cũng là tác phẩm đề tài chiến tranh, song “Mẹ vắng nhà” (1979) không thể hiện sự kiên cường qua chiến đấu mà truyền tải thông điệp về người vùng sông nước qua đời sống. “Mẹ vắng nhà” của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư dựa trên truyện ngắn “Người mẹ cầm súng” và “Mẹ vắng nhà” của nhà văn Nguyễn Thi.

Chị Út Tịch lên đường làm nhiệm vụ của một du kích, để lại năm đứa con, mà đứa lớn chưa đến mười tuổi, ở nhà. Năm đứa trẻ chăm lo cho nhau, chúng nấu cơm, leo cầu khỉ, mò ốc đi bán và kể chuyện mẹ đi đánh giặc cho nhau nghe. Bộ phim thành công trong khắc họa tinh thần chịu khó, lòng dũng cảm và sự trong trẻo của trẻ em miền Tây thời chiến.

Cảnh sắc và văn hóa miền Tây

Ở tiểu thuyết “Đất rừng Phương Nam” của Đoàn Giỏi, sau này được hình ảnh hóa trên phim truyền hình “Đất Phương Nam”, một miền Tây được tái hiện sinh động. Theo chân cậu bé An lưu lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, công chúng khám phá vùng sông Tiền, sông Hậu, những Rạch Giá, rừng U Minh, Cà Mau. Sinh hoạt của người miền Tây như câu rắn, đi lấy mật...

Chính địa thế vùng sông nước miền Tây ảnh hưởng lớn tới đời sống con người, tạo nên lối sống, văn hóa đặc trưng nơi đây. Phim “Mùa len trâu” (2004) của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, chuyển thể từ truyện ngắn “Mùa len trâu” và “Một cuộc bể dâu” của “ông già Nam Bộ” Sơn Nam, khắc họa một cuộc đời nương nhờ vào thiên nhiên miền Tây. Mùa nước lũ tràn về nhấn chìm tất cả trong trắng xóa, người dân phải đưa trâu len trong dòng lũ đến vùng đất cao kiếm ăn. Qua những mùa len trâu, Kìm, một chàng trai ngây thơ dần trưởng thành. Tái hiện mùa len trâu, bộ phim gây ấn tượng mạnh về thị giác và đoạt một số giải thưởng quốc tế.

Đến “Cánh đồng bất tận” (2010), phim của Nguyễn Phan Quang Bình chuyển thể truyện của Nguyễn Ngọc Tư, đời sống người miền Tây đương thời được khắc họa. Gia đình Điền mưu sinh bằng nghề nuôi vịt chạy đồng, lênh đênh trên con thuyền đi nhiều nơi, họ va phải những cảnh đời bi kịch. Vẫn là sự bao la của cánh đồng, sông nước, “Cánh đồng bất tận” mênh mang nỗi buồn, đôi khi khiến người ta nhói tim trước những khốc liệt của đời sống nhiều thay đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn