MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Phan Thị Phúc và chồng - nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giai nhân kể chuyện hát “Tiến quân ca” trong ngày 2.9 năm 1945 lịch sử

Lê Thị Tuyến LDO | 15/11/2023 08:58

Nhắc nhớ về thời khắc lịch sử của mùa thu năm ấy trên quảng trường Ba Đình, đôi mắt bà Phan Thị Phúc rưng rưng lệ, cảm xúc trào dâng niềm tự hào như mới ngày hôm qua, bà và đồng bào được tự do hát lên khúc ca khải hoàn của dân tộc.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (15.11.1923 -15.11.2023), phóng viên Lao Động tìm gặp một nhân chứng lịch sử của ngày 2.9.1945 - ngày đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử huy hoàng của dân tộc, cũng là ngày “Tiến quân ca” vang lên hào hùng trên quảng trường Ba Đình với tư cách quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong căn nhà cổ yên tĩnh ở phố Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), bà Phan Thị Phúc (94 tuổi) chậm rãi kể cho chúng tôi nghe ký ức về giây phút bà và đồng bào đứng dưới quốc kỳ hát vang bài “Tiến quân ca” trong ngày lễ Độc lập từ 78 năm về trước.

Ở tuổi 94, bà Phan Thị Phúc vẫn toát lên khí chất của giai nhân một thời. Giọng kể mạch lạc, chậm rãi.

Bà Phúc theo cách mạng từ khi vừa tròn 15 tuổi. Bà kể, năm 15 tuổi, bà nhận được sự tin tưởng của chú ruột là nhân sĩ trí thức yêu nước Phan Tư Nghĩa, bà Phúc được giao nhiệm vụ liên lạc với các cơ sở cách mạng trong nội thành Hà Nội.

“Cuộc đời cách mạng của tôi bắt đầu từ ấy”, bà Phúc nói trong xúc động. Đặc biệt, vào ngày 19.8.1945, sau khi cùng các đội viên của Đội phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu đi khắp ngả đường biểu tình giành chính quyền, bà Phan Thị Phúc cùng các nữ sinh khác còn được giao nhiệm vụ vận động hàng binh tại Bảo an binh trên phố Hàng Bài.

Bà Phan Thị Phúc ở tuổi 94. Bà vẫn nhớ ngày 2.9.1945 như chỉ mới xảy ra ngày hôm qua. Ảnh: Lê Thị Tuyến

"Trước ngày 2.9.1945, tôi thao thức không ngủ. Nghĩ về ngày trọng đại, tôi được cùng các chị em đi mít tinh tại Quảng trường Ba Đình, được tham gia bảo vệ lễ đài và được hát Tiến quân ca là cảm giác vui sướng cứ trào dâng” - bà Phúc kể.

Theo bà chia sẻ lại, ngay từ sáng sớm ngày Quốc khánh, cả quảng trường Ba Đình và phố phường Hà Nội tràn ngập sắc đỏ thắm của cờ, hoa, biểu ngữ.

Hàng chục vạn người đổ về quảng trường Ba Đình, hàng ngũ chỉnh tề phấn khởi chờ đón thời khắc độc lập, tự do của dân tộc sau bao năm chịu xiềng xích nô lệ. Ngày hôm đó, không chỉ Hà Nội mà tại Huế, Sài Gòn và nhiều thành phố khác, các cuộc mít tinh lớn cũng được tổ chức. Hàng triệu trái tim người dân ở khắp dọc dài Tổ quốc cũng đang hồi hộp chờ đón thời khắc thiêng liêng.

Bà Phan Thị Phúc vẫn nhớ rõ như in bản thân được đứng ở ngay dưới chân đài.

Ngay phía trên chính là lễ đài bằng gỗ đơn sơ và Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đang đứng phát biểu.

“Lần đầu tiên trông thấy Bác Hồ, tôi chảy nước mắt vì quá xúc động”, bà Phúc bồi hồi nhớ lại.

Giây phút “Tiến quân ca” do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vang lên, bà Phúc và tất thảy đồng bào ở quảng trường lòng trào dâng niềm xúc động, tự hào hát theo lời ca âm vang hùng tráng.

“Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…”. Bà Phúc kể, vào khoảnh khắc ấy, ai cũng thấy tự hào, cũng muốn rơi nước mắt khi hát.

Ngày 2.9 lịch sử năm 1945. Ảnh: Tư liệu

“Trước đó, tôi đã được hát bài “Tiến quân ca” do các chiến sĩ vệ quốc đoàn dạy. Nhưng phải đến ngày 2.9 năm 1945, khi được hát cùng đồng bào, tôi mới cảm nhận được hết được giá trị thiêng liêng của bài ca này. Chưa khi nào, tôi thấy mình lại vui, tự hào, và có cảm giác linh thiêng khi được hát thời khắc đó”.

Khoảnh khắc hát “Tiến quân ca” dưới lá quốc kỳ trong ngày 2.9.1945 đã trở thành giây phút vĩnh cửu trong ký ức bà Phan Thị Phúc.

Bài ca chứa đựng hạnh phúc của cả dân tộc, và hạnh phúc của cá nhân bà. Đó là bài ca chiến thắng, bài ca của những hy sinh mất mát không ngừng nghỉ trong suốt cuộc trường chinh kháng chiến.

Sau ngày Tết Độc lập một thời gian, đến khi Toàn quốc kháng chiến, bà Phúc được lệnh rút về Sơn Tây.

Bà Phúc chia sẻ: “Sau hạnh phúc được hát Tiến quân ca không bao lâu, tôi có thêm hạnh phúc mới khi được nên duyên vợ chồng với ông Thạch nhà tôi”.

Bà Phan Thị Phúc chính là vợ của chính trị gia, nhà ngoại giao lỗi lạc của Việt Nam - nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn