MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Hoàng Thạch trình bày 3 hình thức vi phạm bản quyền sách nói phổ biến. Ảnh: Thoại Kha.

Giải pháp ngăn việc xâm phạm bản quyền sách nói tại Việt Nam

Nhóm PV LDO | 26/10/2023 16:53

Sáng 26.10, tại hội thảo “Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng" do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Cục bản quyền tác giả tổ chức tại TPHCM, doanh nghiệp đại diện quyền tác giả đã nêu thực trạng vi phạm bản quyền sách nói nghiêm trọng trên không gian mạng và đưa ra các giải pháp để quá trình chuyển đổi số đối với sách nói diễn ra hiệu quả.

Xâm phạm bản quyền sách nói tăng "chóng mặt"

Hiện nay, việc vi phạm bản quyền xuất bản phẩm, đặc biệt là sách nói, ngày càng tăng. Chỉ cần vài thao tác scan hoặc tải các file ebook và sách nói, đã có thể chia sẻ tràn lan các tác phẩm.

Điều này không chỉ gây thiệt hại trực tiếp đến các đơn vị xuất bản điện tử, mà còn tác động gián tiếp đến động lực mua sách giấy của khách hàng.

Theo Google Trend, Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet tìm kiếm sách nói cao hơn sách điện tử (ebook) nên hành vi vi phạm bản quyền sách nói cũng tràn lan hơn.

Theo ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc công ty TNHH Công nghệ WEWE, từ tháng 7.2020 đến nay, Voiz FM cho tháo gỡ hơn 30.000 nội dung vi phạm. Có thể thấy tình trạng xâm phạm bản quyền sách nói đang tăng chóng mặt và khó kiểm soát, trong đó có 3 hình thức vi phạm bản quyền phổ biến nhất ở sách nói.

Quang cảnh Hội thảo “Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng“. Ảnh: Thoại Kha

Đầu tiên là hình thức "USB sách nói/Link chia sẻ", đây là hành vi sao chép các file sách nói vào USB hoặc đăng tải lên các công cụ lưu trữ như Google Drive, sau đó bày bán trên mạng hoặc chia sẻ miễn phí với mục đích vì cộng đồng.

Hành vi phạm bản quyền phổ biến nhất hiện nay là "kênh YouTube sách nói". Nó hoạt động công khai, chuyên nghiệp và có tổ chức. Với sự giúp sức của công nghệ, không khó để một cá nhân, tập thể thu âm các sách nói trái phép, sau đó đăng tải lên YouTube. Với tính chất miễn phí, những kênh này dễ dàng thu hút hàng trăm nghìn lượt xem mỗi video, thu về nguồn lợi bất chính từ tiền quảng cáo của YouTube.

Cuối cùng là hình thức vi phạm "Website" - những kẻ vi phạm sẽ tạo các website để đăng tải các file sách nói trái phép. Tuy hình thức này không phổ biến như YouTube, nhưng sẽ rất khó xử lý, do các công ty xuất bản chưa có biện pháp gỡ bỏ những trường hợp này.

Cần ngăn chặn vi phạm từ gốc rễ

Những vi phạm đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của sách giấy, sách điện tử lẫn sách nói, gây khó khăn về tài chính cho các công ty xuất bản, từ đó thiếu hụt nguồn vốn cũng như động lực để đầu tư cho các dự án tương lai.

Bên cạnh đó, việc vi phạm bản quyền cũng gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước khi mà những người thu nguồn lợi bất chính từ sản phẩm sách nói trái phép không phải chịu bất kì nghĩa vụ đóng thuế, phí cho nhà nước.

Đồng thời, hành vi vi phạm bản quyền còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng văn hóa đọc. Bởi vì khi người đọc vô tư sử dụng các sản phẩm miễn phí, trái phép thì hành vi này vô hình trung đã tiếp tay cho việc xâm phạm bản quyền sách nói. Ngoài ra, điều này cũng sẽ khiến các nhà xuất bản quốc tế e ngại khi bán bản quyền cho Việt Nam, khiến độc giả khó tiếp cận với các đầu sách hay.

Ông Lê Hoàng Thạch cho biết: "Để giảm thiểu và ngăn ngừa tình trạng xâm phạm bản quyền sách nói cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với các nền tảng lớn để ngăn chặn quảng cáo trên những nền tảng trực tuyến như YouTube, Facebook... đối với những nội dung vi phạm, tác động trực tiếp tới gốc rễ vấn đề thay vì chỉ báo cáo gỡ bỏ nhỏ lẻ".

Bên cạnh sự can thiệp của cơ quan chức năng cần phải nâng cao ý thức và trách nhiệm của người đọc về quyền tác giả. Cần có những chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như những hậu quả tiêu cực của việc sử dụng sách nói lậu. Đồng thời khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các nguồn sách nói chính thống và chất lượng.

Ngoài ra, Cục Xuất bản, In và Phát hành cần khuyến khích các đơn vị xuất bản tích cực tham gia vào Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, đẩy mạnh hơn việc chuyển thể các tác phẩm sang định dạng sách nói chính thống và chất lượng để phục vụ nhu cầu của bạn đọc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn