MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Vũ Văn Luân (tác giả cuốn sách “Ba Giai, Tú Xuất: Con người và giai thoại”. Ảnh Trần Vương

Giai thoại Ba Giai – Tú Xuất: Hai người gặp gỡ từ đâu?

Vương Trần LDO | 21/06/2019 08:42
Ba Giai và Tú Xuất được nhiều người biết đến về những chuyện nghịch ngợm, quậy phá, nhưng hai người gặp nhau từ đâu, thế nào và họ đã trở thành “cặp siêu quậy” ra sao thì vẫn là dấu hỏi với nhiều người.

Từ quan tổng đốc, tri phủ, tri huyện, chánh tổng lý hương, hào lý ở địa phương đến những người buôn bán ở chợ tỉnh chợ quê, hễ cứ thấy họ nghênh ngang cậy tiền, cậy quyền thế để ức hiếp kẻ khác yếu hơn mình, ngứa mắt là Ba Giai - Tú Xuất lại chọc ghẹo, gây cười để làm nhục họ cho bõ ghét.

Tuy vậy, Tú Xuất gặp gỡ Ba Giai lúc nào, hai người kết thân với nhau từ đâu thì không nhiều người tường tận.

Trao đổi với PV Lao Động, tác giả Vũ Văn Luân (tác giả cuốn sách “Ba Giai, Tú Xuất: Con người và giai thoại”, nhà xuất bản Thanh Niên, 2007) cho biết: Qua tìm hiểu, nghiên cứu và sưu tầm, một số tài liệu cho rằng 2 nhân vật này gặp nhau ở đất Chương Mỹ, Hà Tây.

Ông Vũ Văn Luân trao đổi cùng hậu duệ của ông Ba Giai. Ảnh Trần Vương

Ông Vũ Văn Luân cho hay, theo tài liệu của ông Lữ Huy Nguyên kể lại trong bản truyện Ba Giai - Tú Xuất qua lời giáo sư Nguyễn Tường Phượng thì 2 nhân vật này thường gặp gỡ, rủ nhau chơi bời vào thời gian giữa hai lần quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội (1872 và 1882). Có lẽ cùng từ quan hệ học hành thi cử mà hai ông kết thân với nhau.

Qua lời kể của GS Nguyễn Tường Phượng, hàng ngày, thân mẫu của giáo sư thường thấy có một thư sinh mặt mũi trắng trẻo, cặp mắt sắc và miệng cười hóm hỉnh đến học, nghe giảng sách ở trường Đại tập, phường Kim Cổ. Điều đặc biệt là chàng thư sinh này ít khi nghe giảng hết một thiên sách, thường đến nghe dở dang rồi biến đi lúc nào không ai biết.

Đến buổi chiều, người ta lại thấy chàng thư sinh đó xuất hiện ở phố Hàng Đào hay phố Hàng Bè bây giờ cùng với một chàng thư sinh khác, mặt mũi khôi ngô, hình dung mảnh khảnh, ăn mặc bảnh bao nhưng không ai biết đó là học trò trường nào.

Hai chàng thư sinh ấy, một chàng đến học không nghe giảng hết bài là Nguyễn Văn Giai, người làng Hồ Khẩu; còn chàng thư sinh kia chính là con của cụ Đốc học Hà Nội (người làng Phương Trung, huyện Thanh Oai). Chàng đỗ Tú tài thì bỏ học ở nhà, dân làng thường gọi là Tú Xuất. Hai người này thường cặp kè đi với nhau khắp nơi, nhất là ở phố xá đông đúc như Hàng Đào, Hàng Bè, Hàng Thiếc…

Đặc biệt là 2 người này thường đến nhà trọ số 7 Nam Phố, tức phố Hàng Bè hiện nay. Đó là nơi có nhiều học trò trường Đại Tập, phường Kim Cổ là người ở các tỉnh: Sơn Tây, Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Nam đến trọ học ăn cơm ở đó.

"Hai chàng thường tá túc túc bàn luận văn chương và tán gẫu nhảm nhí đủ mọi chuyện trên trời, dưới biển" - ông Luân nói.

Theo tác giả Vũ Văn Luân, cùng là những nhà nho bất đắc chí, thông minh, mưu mẹo nhưng tài năng bất sở dụng, cặp bài trùng Ba Giai - Tú Xuất dần được nhiều người biết đến qua những đồn đại về những trò trêu ghẹo, những bài thơ châm biếm, chế giễu những nhân vật có tai tiếng tại Hà Nội.

Đến nỗi đương thời có câu:

"Hễ ai mà nói dối ai,

Thì mồng một Tết, Ba Giai đến nhà".

Tuy nhiên, những nhân vật này cũng gắn với nhiều bài thơ, ca yêu nước. Tương truyền Ba Giai là tác giả các bài "Hà thành chính khí ca" - gồm 140 câu thơ lục bát, được sáng tác ngay sau khi Hà Nội bị quân Pháp xâm chiếm ngày 25.4.1882, "Hà thành hiểu vọng" và "Vịnh đề đốc Lê Văn Trinh". Qua đó, tác giả ca ngợi bậc trung dũng và phê phán những viên quan sợ chết, đã chạy trốn hay đầu hàng quân xâm lược.

Những giai thoại của hai ông một thời được lưu truyền sâu rộng ở miền Bắc, được dân gian hưởng ứng, xem là những câu chuyện để giải trí, mua vui. Tuy nhiên, kết cục của hai ông đều không rõ ràng, việc họ "biến mất" là một trong những bí mật của lịch sử.

(Còn tiếp)

Bài 3: “Có lúc họ hàng không dám nhận là người thân của Ba Giai

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn