MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phong trào văn nghệ, văn hóa dân gian lan tỏa rộng khắp Lạng Sơn. Ảnh: Bộ VHTTDL

Giải thưởng văn nghệ dân gian 6 năm liền không có giải Nhất

Huyền Chi LDO | 16/12/2023 16:04

Năm 2023, Giải thưởng văn nghệ dân gian nhận được 81 công trình đăng ký tham dự giải thưởng thuộc tất cả chuyên ngành văn hóa, văn nghệ dân gian.

Sáng 16.12, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Lễ mừng thọ hội viên cao tuổi; phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian; trao tặng khen thưởng năm 2023; trao Giải thưởng Văn nghệ dân gian năm 2023.

Tại buổi lễ, GS.TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - mừng thọ 39 hội viên cao tuổi; phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cho 2 nghệ nhân là bà Nguyễn Thị Nhỡ và ông Phùng Hữu Sửu (Câu lạc bộ chèo cổ Thất Gian, xã Phong Châu, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng trao Bằng khen tặng các cá nhân, tập thể câu lạc bộ chèo cổ Thất Gian vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hành và truyền dạy chèo cổ.

Năm nay, số công trình đưa vào xét giải tăng đều ở cả 5 chuyên ngành, trên 2 lĩnh vực điều tra sưu tầm và nghiên cứu, giới thiệu. Đặc biệt, các công trình sưu tầm văn học dân gian các dân tộc thiểu số năm nay đều được thể hiện song ngữ.

Hội đồng chuyên ngành thống nhất trao 1 giải nhì A (không có giải nhất), 2 giải nhì B, 9 giải ba A, 15 giải ba B, 14 giải khuyến khích, 9 tặng phẩm. Kể từ năm 2017 đến nay, giải thưởng văn nghệ dân gian không có giải nhất.

Tác phẩm đoạt giải nhì A năm nay là công trình “Giông thử tài”, song ngữ Việt - Bahnar do hội viên Nguyễn Tiến Dũng sưu tầm, biên soạn, nghệ nhân A Lưu diễn xướng, A Jar phiên âm và dịch nghĩa. Công trình dày 576 trang, khổ A4, với độ dài 601 phút 31 giây diễn xướng.

Ngoài ra, giải nhì B với công trình sử thi Bahnar “Chàng Hơ Dang làm vòng” cũng do Nguyễn Tiến Dũng sưu tầm và biên soạn, A Lưu diễn xướng, A Jar phiên âm và dịch.

2 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2023. Ảnh: Thùy Trang

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Lê Hồng Lý cho biết: "Năm nay, số lượng công trình dự giải tăng hơn những năm trước, số công trình đạt giải cao cũng tăng lên khá nhiều. Đặc biệt, các công trình sưu tầm văn học dân gian các dân tộc thiểu số năm nay đều được thể hiện song ngữ. Tuy nhiên, không ít công trình vẫn còn những lỗi đáng tiếc, như: vi phạm quy chế; nội dung liên quan đến văn hóa dân gian rất ít và mờ nhạt trong tác phẩm; không ghi chú danh tính, tuổi tác, địa chỉ người cung cấp hoặc nguồn gốc tài liệu".

Số lượng công trình dự giải tăng chứng tỏ tinh thần làm việc hết mình của các hội viên. Để có thể khai thác được nhiều di sản văn hóa dân gian, các hội viên phải đến tận nơi cư trú của các tộc người trên cả nước, cùng tham gia vào các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của họ - kể cả những sinh hoạt văn hóa tâm linh - để điều tra, sưu tầm, khảo cứu mới có được công trình gửi về.

Việc các công trình về các dân tộc thiểu số được dịch song ngữ đóng vai trò quan trọng với công tác nghiên cứu, phát huy những di sản văn hóa của các tộc người trong nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam, đồng thời khẳng định năng lực tiếp cận ngôn ngữ các dân tộc ít người.

Về dung lượng, phần lớn các công trình đều trên 100 trang, có nhiều công trình 500 trang, thậm chí hơn 1.000 trang.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn