MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NSND Mỹ Uyên. Ảnh: Facebook nhân vật

Giám đốc bán nhà, bán xe, nợ ngân hàng và muôn cách bi hài cứu sân khấu

Bình An LDO | 13/03/2024 06:30

Đời sống biến động của sân khấu từng chứng kiến “sự vật vã” của dàn lãnh đạo các nhà hát trong cơn lốc thị trường, quay cuồng tìm cách bán vé.

Cầm nhà, nợ ngân hàng để có tiền lo cho sân khấu

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Lao Động, NSND Mỹ Uyên - Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B (TPHCM) - chia sẻ, cô từng bán nhà, bán xe để đổ tiền vực dậy sân khấu sau đại dịch COVID-19. Hiện tại, Mỹ Uyên vẫn đang cầm nhà, nợ ngân hàng để có tiền lo cho sân khấu 5B.

Mỹ Uyên chia sẻ, sau những năm 2000, khi đi qua thời hoàng kim rực rỡ, sân khấu phía Nam điêu đứng khi phải cạnh tranh với quá nhiều loại hình giải trí.

NSND Hồng Vân từng ví, “phải có thần kinh thép mới chịu được áp lực của việc làm "bầu" sân khấu”.

Hồng Vân từng quản lý 2 địa điểm, sân khấu Phú Nhuận và kịch Superbowl, ở thời hưng thịnh. Tuy nhiên, khi phim ảnh, mạng xã hội cùng hàng loạt loại hình giải trí bùng nổ, Hồng Vân phải bật khóc vì sân khấu gần như đóng cửa. NSND Hồng Vân chia sẻ, trong thời gian dài, nữ nghệ sĩ liên tục phải bù lỗ để cầm cự.

“Khán giả ngày càng ít đi xem kịch hơn, một phần cũng vì sức tấn công của các chương trình truyền hình, gameshow, phim ảnh, các nền tảng chiếu phim trực tuyến và rất nhiều loại hình giải trí khác. Tiền thuê rạp tăng lên, sân khấu lại thiếu hụt nghệ sĩ "đinh" vì cứ ai có danh tiếng đều bận rộn chạy show, từ đóng phim, diễn hài, tham gia truyền hình thực tế... “ - Hồng Vân phân tích.

Ở giai đoạn khó khăn nhất, những nghệ sĩ diễn sân khấu phía Nam từng tự động xin giảm cát-sê để chia sẻ khó khăn với “bầu sân khấu”.

NSND Mỹ Uyên khẳng định, dù sân khấu gặp khó, nhưng chị và nhiều nghệ sĩ vẫn mê đắm, chưa bao giờ có ý định rời bỏ “thánh đường nghệ thuật”. Làm mọi cách xoay xở để có tiền, Mỹ Uyên hiện vẫn cầm nhà để có tiền dựng vở.

Sân khấu phía Nam, phía Bắc đều đang phải vật lộn với nhiều phương cách để đa dạng kịch mục, lôi kéo khán giả đến rạp. Ảnh: Sân khấu Hồng Vân

“Sân khấu đang tốt dần lên. Nhà hát chúng tôi đang nỗ lực sáng đèn hàng đêm. Chúng tôi đang diễn “Ái tình ngoài hôn nhân”. Giữa sự cạnh tranh rất lớn của các loại hình giải trí và cả sự cạnh tranh giữa các nhà hát với nhau, sân khấu 5B luôn phải tìm kịch bản, dựng vở mới, tạo được ấn tượng với khán giả, để khán giả lựa chọn đến với 5B” - NSND Mỹ Uyên chia sẻ.

Muôn chuyện bi hài

Xoay xung quanh những khó khăn của sân khấu, NSƯT Chí Trung thời điểm đương nhiệm vị trí Giám đốc nhà hát Tuổi trẻ cũng có muôn chuyện bi hài.

Sân khấu phía Bắc rơi vào khó khăn kể từ thập niên 1990 thế kỷ trước và kéo dài đến bây giờ. Thời điểm giữ vị trí quản lý, khi còn là trưởng đoàn đến khi là giám đốc, Chí Trung cùng với Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ hiện tại - đi khắp 63 tỉnh thành để bán vé cho các doanh nghiệp tỉnh.

“Thời ấy, tôi gần như quen biết hết lãnh đạo tỉnh đến doanh nghiệp tỉnh. Các đoàn kịch Nhà hát Tuổi trẻ xin đi lưu diễn khắp nơi, đến từng doanh nghiệp “nài nỉ” người ta mua vé. Chúng tôi còn huy động lực lượng nghệ sĩ xuống đường, ra tận chợ bán vé, phát tờ rơi cho người dân, lôi kéo khán giả đi xem kịch” - NSƯT Chí Trung kể lại.

Nhắc lại thời điểm đó, NSƯT Sĩ Tiến vẫn nhớ: “Tôi và anh Chí Trung kéo đến một công ty, tôi còn phải tìm cách đánh lạc hướng bảo vệ để anh Trung tìm cách tiếp cận giám đốc, vào tận phòng họ mời mua vé”.

NSƯT Chí Trung từng kể nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt” khi sân khấu rơi vào khó khăn, ế ẩm. Ảnh: Facebook nhân vật

Đến nay, các nhà hát vẫn tìm đủ mọi cách, nỗ lực bán vé, tìm hướng đưa khán giả đến với sân khấu, giữa thời điểm bùng nổ các hình thức giải trí online.

Giờ đây, chỉ cần nằm nhà với điện thoại thông minh, khán giả đã có cả thế giới. Để kéo được khán giả rời nhà, mua vé vào xem kịch, các nhà hát đã và đang phải “vật lộn” với muôn vàn cách.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn