MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Chất lượng nhân lực Việt Nam thấp và chưa có giải pháp ưu tiên trong quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp”. ĐBQH TRẦN THỊ HẰNG

Quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề, đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp

LÂM ANH LDO | 06/06/2018 06:55
Ngày 5.6, nhiều ĐBQH “ra đề” với Bộ trưởng Bộ LĐTBXH về những giải pháp thực chất để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, cũng như giải quyết bài toán việc làm cho người lao động, đặc biệt là thanh niên, cử nhân đại học.

2018 mở đầu đột phá trong giáo dục nghề bằng cách nào?

Nhiều đại biểu như ĐBQH Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), Trần Văn Mão (Nghệ An) bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng nhân lực Việt Nam và đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho giải pháp cần ưu tiên trong quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Còn ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu câu hỏi về giải pháp sắp xếp lại các trung tâm dạy nghề, tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu xã hội và giải quyết việc làm, khắc phục tình trạng lãng phí đào tạo và thất nghiệp.

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, chất lượng nguồn nhân lực thấp khi chưa theo kịp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu đào tạo của chúng ta bất hợp lý, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng với kỹ năng... Ông Dung khẳng định, thời gian tới việc ưu tiên giáo dục nghề nghiệp là việc tất nhiên và đặc biệt quan trọng với 3 việc phải quan tâm gồm quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới đào tạo nghề, chuyển mạnh sang tự chủ và chuyển hẳn sang một hướng mới là kết nối doanh nghiệp.

“Năm 2018 chúng tôi chọn đây là một khâu đột phá và bắt đầu làm thí điểm 10 trường liên kết, ký kết với 15 tập đoàn và khởi đầu bằng đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ là 150.000. Đây cũng là một hướng chuyển sang đào tạo gắn với thị trường, gắn với cung cầu, vấn đề yếu của chúng ta thời gian vừa qua. Chúng tôi tin rằng đây mới chỉ là sự mở đầu, nhưng sự mở đầu này rất quan trọng để tạo cho chúng ta một hướng đi mới” - ông Dung khẳng định.

Về vấn đề giải quyết bài toán thất nghiệp, ông Dung cho biết, sẽ tập trung xử lý và tìm cách để giải quyết được 215.000 sinh viên và người lao động có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp, giải quyết chăm lo cho số đầu vào và tập trung đào tạo và đào tạo lại số đang làm việc nhưng có nguy cơ mất việc, nguy cơ sa thải và đặc biệt ở ba lĩnh vực: Giày da, dệt may, công nghệ.

Bộ đang cùng với các địa phương rà soát lại các trường đào tạo nghề theo hướng tổ chức lại, sắp xếp lại, cần thiết nếu trong trường hợp không đáp ứng được nữa thì có thể giải thể cũng như tinh giản bộ máy nâng cao chất lượng.

“Cơ cấu đào tạo còn bất hợp lý, chưa theo kịp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế”.  BỘ TRƯỞNG BỘ LĐTBXH ĐÀO NGỌC DUNG

Xử lý bất cập trên thị trường xuất khẩu lao động: Vấn đề khó cần quyết tâm cao hơn

Bên cạnh câu chuyện nâng cao chất lượng lao động, một vấn đề khác cũng được các ĐBQH quan tâm chất vấn là thực trạng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm với người lao động, cung cấp thông tin sai, đem con bỏ chợ rồi cò mồi, lừa đảo loạn phí. Bên cạnh đó, cũng có không ít lao động xuất khẩu trốn việc ở Cty đã ký hợp đồng ra làm cho Cty khác, hoặc ở lại nước bạn không hợp pháp.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận một số thị trường của chúng ta tiềm năng, có thu nhập cao, tỉ lệ bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước thì cao, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc, năm cao nhất là 55%, trong khi đó bình quân các nước là 15%. Để giải quyết, Chính phủ đã tập trung các giải pháp như ký quỹ cho tổ chức ký quỹ, vận động, yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp phải có trách nhiệm vận động, thuyết phục, chúng ta tổ chức các ngày hội việc làm bên phía bạn, tổ chức văn phòng đến trực tiếp các ốp để vận động thuyết phục, đặc biệt chúng ta kiên quyết làm việc với phía bạn.

Hiện tỉ lệ bỏ trốn đã rút xuống còn 33%, ông Dung nhận định, đây cũng là vấn đề khó cần quyết tâm cao hơn.

Học sinh Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Liên quan tới các vi phạm của DN XK lao động, ông Dung cho rằng, thực trạng các đại biểu nêu có thật. “Tình trạng cò mồi, môi giới, lạm thu phí, trốn tránh trách nhiệm khi xảy ra là có. Vì vậy, bộ chấn chỉnh một bước những việc này” trong đó có 2 việc gồm chấn chỉnh những việc sai phạm trong nước và giải quyết những bất cập hiện nay đang tồn tại của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp khi tổ chức, tìm nguồn hàng ở các địa phương thì phải thông báo công khai với các địa phương về nhu cầu, mức thu, lệ phí thu và địa bàn cũng như công việc mà người lao động khi tiếp cận thị trường. Bộ công khai mức phí của từng địa bàn, môi giới bao nhiêu, lệ phí phía nước ngoài thu bao nhiêu, người lao động phải đóng góp bao nhiêu, công khai như vậy và đã xử phạt cũng nhiều, riêng về thanh tra, thời gian vừa qua đã thanh tra 51 doanh nghiệp, phát hiện 338 sai phạm và ban hành 24 quyết định xử phạt hành chính trong năm 2017 là 3,227 tỉ đồng và thu hồi giấy phép hoạt động của 5 doanh nghiệp, đình chỉ tạm thời 25 doanh nghiệp. Một số sai phạm khác tiếp tục được xử lý.

Trước ý kiến nói thời gian vừa qua, tỉ lệ ở các doanh nghiệp FDI sa thải số người tuổi 30-35 là tỉ lệ lớn. Thậm chí có ý kiến của một viện nghiên cứu đưa ra, đó là sa thải 80% số người lao động ở độ tuổi 30-35. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, không có chuyện này và cho biết, đã phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đi khảo sát và kiểm tra thực tiễn ở các doanh nghiệp và một số doanh nghiệp của ba tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh và TP.Hồ Chí Minh và chỉ có 11% trong số những người nghỉ việc, xin nghỉ việc, hoặc nghỉ một lần vì nhiều lý do khác nhau, nằm trong số này, số ở độ tuổi 30-35. Tất cả số nghỉ này có thể là vì nguyện vọng cá nhân hoặc nghỉ một lần chứ không phải bị sa thải. Nếu tính như vậy chỉ vào khoảng 1,9% so với tổng số người lao động của doanh nghiệp đó. Còn riêng TP.Hồ Chí Minh và Bắc Ninh rất hạn chế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn