MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn hoá hát Then của người Tày ở xã ATK Tân Trào (Tuyên Quang) đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Ảnh: Nguyễn Tùng

Gìn giữ bản sắc vùng An toàn khu

Văn Tùng LDO | 02/09/2023 09:08

Vùng An toàn khu hay còn gọi là ATK tại các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên nơi đồng bào một lòng theo cách mạng. Ngày nay, những mảnh đất này không chỉ là địa chỉ đỏ trên hành trình về nguồn tìm hiểu lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn để biết được những nét văn hoá của đồng bào góp phần tạo nên bản sắc ATK.

Những làn điệu Then mượt mà của các cô gái Tày ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) ngày nay đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng được rất nhiều người tìm đến khi về với mảnh đất lịch sử này.

Làng Tân Lập ngày xưa từng che chở, đùm bọc cán bộ cách mạng nay đã trở thành làng văn hoá du lịch cộng đồng.

Chị Triệu Thị Lam Hạnh - Đội trưởng Đội Văn nghệ hát then, đàn tính thôn Tân Lập cho biết, hát Then vốn là một nét đẹp văn hoá của người Tày, trước kia vì cuộc sống còn khó khăn nên hát Then có lúc tưởng mai một khi ít người còn hát được. Nhiều năm nay, khi làng văn hoá du lịch cộng đồng được công nhận, hát Then cũng được khôi phục.

“Chúng tôi có một đội văn nghệ hát then, đàn tính của thôn thường xuyên luyện tập tại nhà văn hoá. Những điệu hát then của những chàng trai, cô gái Tày với làn điệu mượt mà, lời then mộc mạc giàu hình ảnh, gắn với cuộc sống sinh hoạt đời thường chứa đựng trong đó cả những bản sắc văn hoá đẹp của người Tày trên vùng ATK này được du khách rất quan tâm tìm hiểu” - chị Hạnh cho hay.

Ở Tuyên Quang các xã vùng ATK như Tân Trào, Minh Thanh (huyện Sơn Dương) hay xã Trung Minh, Hùng Lợi, Kim Quan...(huyện Yên Sơn) đồng bào đều đang tự bảo tồn những nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình như gìn giữ tiếng nói, trang phục, tập quán sinh hoạt, ở nhà sàn hay nhưng làn điệu ca cổ. Mỗi dân tộc đều có những nét riêng biệt đã cho thấy sự độc đáo, riêng có của vùng ATK.

Từ mảnh đất Tân Trào, vượt qua đỉnh đèo De để đến với ATK Định Hoá Thái Nguyên với quẩn thể hơn 20 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia là những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng như Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khau Tý; Di tích Địa điểm diễn ra Lễ phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của quân đội ta ở Nà Lọm; Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đồi Nà Đình, xóm Khuôn Tát…

Theo ông Triệu Đình Thịnh - Bí thư chi bộ xóm Khuôn Tát (xã Phú Đình, Định Hoá), trên mảnh đất này trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã ở.

Người dân tự hào là chiến khu cách mạng, ngày nay bằng chính những lợi thế đó cùng với nét văn hoá của đồng bào người Tày, người Dao, người Nùng đã góp phần phát triển du lịch, đồng bào có cuộc sống ấm no hơn.

“Ngày nay khi cuộc sống đã ổn định hơn, không còn quá lo lắng cái ăn cái mặc nữa thì đồng bào Tày, Nùng ở vùng ATK này đã nghĩ đến chuyện gìn giữ cho được bản sắc văn hoá. Bởi cái giàu của mình chỉ là văn hoá thôi, không giữ được thì coi như không phát triển được nữa” - ông Thịnh chia sẻ.

Ông Lê Ngọc Linh - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên - cho biết, phát triển du lịch sinh thái gắn với phát huy giá trị của các di tích lịch sử thì các xã ATK là địa bàn luôn được hướng đến. Trong đó người dân và các giá trị bản sắc văn hoá riêng biệt của vùng là một thế mạnh cần phát huy.

“Bên cạnh việc tập trung phát huy các di tích lịch sử, gắn với việc tuyên truyền, quảng bá trong các nhà trường, các cơ sở giáo dục thì tỉnh đang tiếp tục xây dựng tập trung điểm du lịch cộng đồng tại xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình, du lịch cộng đồng ở bản Quyên với bản sắc văn hoá độc đáo của đồng bào như một nét đặc trưng” - ông Linh cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn