MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cụ bà người Thổ ở thị xã Thái Hòa (Nghệ An) đánh cồng chiêng cổ cũ các bạn trẻ tham gia văn nghệ. Ảnh: Bùi Hào

Gìn giữ di sản nghệ thuật biểu diễn các dân tộc ít người ở miền Tây Nghệ An

BÙI HÀO LDO | 17/09/2023 13:30

Về các bản làng của những người dân tộc thiểu số, được nghe những bài hát, những điệu múa truyền thống của họ là một niềm vui, niềm hạnh phúc không chỉ cho người được vinh dự đó mà còn cho chính những người biểu diễn. Nhưng sẽ ra sao khi mà nghệ thuật biểu diễn của các cộng đồng nơi đây đang ngày một mất mát dần theo thời gian?

Nghệ nhân trẻ thiếu vắng

Trong một cuộc khảo sát về nghệ thuật biểu diễn của người Thổ ở bản Mó, xã Nghĩa Xuân (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) gần đây, chúng tôi thấy rằng hầu như chỉ có người già tham gia. Tính tuổi trung bình của những người trình diễn nghệ thuật truyền thống của người Thổ ở bản Mó khoảng 60, nghĩa là tập trung vào nhóm người già. Điều đó đặt ra một câu hỏi: Chẳng lẽ nghệ thuật trình diễn của người dân tộc Thổ hiện nay chỉ còn là của người già, do người già biểu diễn và cũng chủ yếu cho người già thưởng thức? Bởi những người trẻ tuổi rất ít quan tâm, hầu như không thấy đến tham gia, chứ chưa nói đến việc học tập, thực hành.

Trao đổi với người phụ nữ được cho là trẻ nhất trong nhóm này, chúng tôi được nghe chia sẻ: “Những người trẻ giờ chủ yếu ra ngoài đi làm ăn xa, đi làm công ty ở các đô thị trong Nam, ngoài Bắc hay xuống Vinh. Số ở lại trong thôn bản là rất ít. Mà có ở nhà thì những người trẻ cũng ít khi quan tâm đến nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Khi có lễ Tết, nhiều người già ra tham gia biểu diễn văn nghệ, còn người trẻ hoặc đến xem, hoặc họ đi chơi cái khác. Chẳng mấy khi kiếm được một vài người trẻ để truyền dạy lại các bài hát, bài múa truyền thống của mình”.

Chuyến khác, khảo sát du lịch cộng đồng ở bản Nưa (xã Yên Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An), chúng tôi cũng ghi nhận được những câu chuyện tương tự. Khi xây dựng du lịch cộng đồng tại đây, người ta đã tìm kiếm những người già biết nhiều điệu múa, điệu hát để truyền dạy và xây dựng các câu lạc bộ dân ca Thái nhằm phục vụ du khách, vừa là cơ hội để khôi phục, truyền dạy lại cho lớp trẻ các nghệ thuật biểu diễn truyền thống của dân tộc mình.

Tuy nhiên, khi xây dựng câu lạc bộ dân ca Thái, chủ yếu chỉ những người ngoài 40 tuổi tham gia. Lý do cũng là lớp trẻ chủ yếu đi xa làm ăn. Và những người ở lại quê nhà cũng chẳng mấy khi quan tâm đến việc học lại các bài hát, bài múa của dân tộc mình. Mỗi lần tổ chức các lớp tập huấn cũng chỉ có vài người khoảng 30 tuổi, được coi là trẻ.

Bà Vi Thị Mơ, một người tiên phong trong việc phát triển du lịch cộng đồng ở bản Nưa cho biết: “Chúng tôi cố gắng tìm những người già có nhiều hiểu biết để dạy lại cho lớp trẻ các bài hát, bài múa của mình, và hy vọng qua du lịch có thể tạo ra nguồn thu nhập từ đó thu hút đội trẻ hơn. Nhưng mọi việc khó khăn hơn khi những người già mong muốn truyền dạy nhưng những người trẻ lại không quan tâm lắm! Họ bận bịu với nhiều công việc để kiếm tiền sinh sống, chẳng mấy khi có thời gian. Quanh đi quẩn lại rồi cũng chủ yếu là những người già cùng nhau múa hát mà thôi”.

Không chỉ người Thổ ở bản Mó, người Thái ở bản Nưa, mà hầu hết các dân tộc khác ở các địa phương khác cũng trong tình trạng tương tự. Hàng loạt các bản Khơ Mú, bản Ơ Đu, bản Mông, bản Tày Poọng mà chúng tôi đã khảo sát đều phải chứng kiến những câu chuyện về nguy cơ thất truyền của nghệ thuật biểu diễn.

Ở một số bản làng khá cách xa trung tâm, nơi kinh tế thị trường còn kém phát triển, giao lưu tiếp xúc văn hóa còn hạn chế, số người trẻ biết và tham gia văn nghệ cộng đồng còn nhiều hơn. Như ở bản Na Sai (xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong), số người dưới 30 tuổi tham gia biểu diễn văn nghệ ở bản còn khá nhiều, chiếm khoảng 30% số người tham gia văn nghệ ở các lễ Tết.

Nhưng số người trẻ tham gia biểu diễn văn nghệ đang giảm dần. Ở nhiều cộng đồng, giờ gần như không có. Ví dụ như người Tày Poọng ở bản Phồng (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương), người Mông ở bản Hợp Thành (xã Xá Lượng, huyện Tương Dương), người Ơ Đu ở bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương) có rất ít người trẻ tham gia vào biểu diễn văn nghệ. Nhìn rộng ra, nghệ thuật biểu diễn truyền thống của các dân tộc thiểu số đang trở thành sinh hoạt của riêng người già. Sự trao truyền cho thế hệ trẻ đang gặp khó khăn. Và nguy cơ thất truyền của nghệ thuật biểu diễn truyền thống các dân tộc thiểu số đang trở nên gay gắt.
Một tiết mục múa của các cô gái Thái ở Hạnh Dịch, Quế Phong. Ảnh: Bùi Hào

Làm gì để bảo tồn nghệ thuật biểu diễn cho mai sau?

Nghệ thuật biểu diễn dân gian của các dân tộc thiểu số ở Nghệ An khá đa dạng, chủ yếu là các loại hình dân ca, dân vũ. Ở người Thái có hát lăm, nhôn, xuối, khấp, mo, hát ru, múa lượn, múa sạp, xăng khan, tăng bu, cồng chiêng, lăm vông...; người Thổ có các làn điệu như đu đu điềng điềng, tập tính tập tang, hát ru con, hát giao duyên, hát cuối, múa xúc cá, múa giã gạo, múa khắc luống, múa cồng chiêng...; người Mông có các điệu dân ca như vàng hủa, xằng lề, hát ru con, hát giao duyên, múa khèn, thổi sáo...; người Khơ Mú có hát tơm, hát ru, hát kưn chơ, thổi sáo, thổi khèn bè, múa ong eo, múa cá lượn, múa khăn...

Hiện nay, các loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian đang bị mai một nhanh chóng nên việc bảo tồn trở thành một vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, để làm sống lại các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, trước hết cần phải nhận thức rõ về nguyên nhân. Sở dĩ nghệ thuật biểu diễn tồn tại bền vững trong suốt lịch sử của các dân tộc vì nó được truyền dạy qua các thế hệ khác nhau. Những điệu múa, điệu hát, vì vậy mà được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác để đáp ứng nhu cầu của con người.

Nhưng hiện nay, sự trao truyền đó đang bị đứt quãng. Những người già vẫn còn thích các điệu múa, điệu hát của dân tộc mình và mong muốn truyền dạy lại cho con cháu. Nhưng những người trẻ lại khác, hoặc họ bận rộn với công cuộc tìm kiếm sinh kế trong xã hội hiện đại, hoặc tìm đến các loại hình nghệ thuật khác mà ít quan tâm đến nghệ thuật biểu diễn truyền thống của dân tộc mình. Vì vậy mà gây ra sự thất truyền của nghệ thuật biểu diễn.

Trong bối cảnh hiện nay, muốn nghệ thuật biểu diễn của các dân tộc không bị thất truyền, quan trọng là phải để người dân bản địa giữ vai trò chủ đạo, quyết định việc khôi phục nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Cần giúp họ chủ động trong việc lựa chọn, định hướng và thực hiện bởi họ là những người thực hành văn hóa đó. Nhà nước có thể giúp đỡ người dân bằng những biện pháp gián tiếp như nâng cao đời sống, tuyên truyền các giá trị của văn hóa truyền thống để người dân hiểu và lấy lại tâm lý tự tin, qua đó làm cho họ có điều kiện, năng lực để phục dựng, phát huy giá trị nghệ thuật biểu diễn truyền thống của mình.

Bên cạnh đó, một việc quan trọng cũng cần được gấp rút thực hiện là số hóa nghệ thuật biểu diễn của các cộng đồng dân tộc thiểu số. Phải xác định việc xây dựng cơ sở dữ liệu về nghệ thuật biểu diễn truyền thống các dân tộc thiểu số bằng kỹ thuật số hiện đại là vấn đề quan trọng cần làm ngay bởi chậm một ngày, lại có thêm những loại hình di sản bị mai một. Cơ sở dữ liệu này vừa là hệ thống tư liệu cho quá trình nghiên cứu, vừa là nền tảng cho việc lựa chọn khôi phục loại hình nghệ thuật biểu diễn. Có như vậy mới khơi dậy nguồn sống cho nghệ thuật biểu diễn của các cộng đồng thiểu số hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn