MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huế có những thư viện lớn của nhà nước và những thư phòng tư nhân. Ảnh: Tường Minh

Giữ gìn sách cổ, sách quý ở Huế

Tường Minh LDO | 23/03/2023 07:38

Huế được gọi là “thành phố sách” bởi nơi đây, bắt đầu từ triều Nguyễn đã có những thư viện rất lớn của nhà nước, cùng với đó là những thư phòng tư nhân...

6 thư viện của triều Nguyễn

So với những triều đại trước ở Việt Nam, nhà Nguyễn đã có được một số lượng văn khố phong phú và đa dạng hơn nhiều.

Lúc bấy giờ Huế giữ vai trò là kinh đô, cho nên triều đình đã thiết lập tại đây khá nhiều văn khố (kho lưu trữ hay thư viện) nhằm tập trung lưu trữ mọi thông tin trong cả nước, trước tiên là để xử lý các vấn đề liên quan đến việc điều hành đất nước, tiếp đến là để làm tư liệu viết sử sách cho triều đại.

Vào năm Gia Long thứ 10 (1811), nhà vua đã ban hành ba chiếu chỉ cho các dinh trấn trong Nam ngoài Bắc nói về việc sưu tầm các sách sử cũ.

Trong một tờ chiếu có đoạn viết: “Tuy sau binh biến, kho sách không còn bằng chứng nhưng những học giả uẩn súc chắc còn ghi chép. Nay đất nước đã thống nhất cần phải tìm xét rộng rãi. Phàm dân chúng các ngươi như có điển xưa việc cũ hoặc do kho nhà nước để lại, hoặc được ở nhà riêng ghi chép, hết thảy điển chương điều lệ, cho phép do quan địa phương sở tại dâng lên. Nếu có điều gì quan hệ đến chính thể, trẫm sẽ tự xét chọn, đều có nêu thưởng... Từ đấy những sách cất giữ ở nhà dân dần dần được đem ra”.

Vào năm 1820, vua Minh Mệnh cũng xuống chiếu tìm sách cũ, thậm chí cả sách cũ của triều Tây Sơn mà triều Nguyễn coi là “nguỵ”.

Nhờ chính sách sưu tầm trên, nên vào thời Gia Long (1802-1819) và Minh Mệnh (1820-1840), triều đình đã tìm được nhiều tài liệu quý.

Dưới thời các vua kế nghiệp nhất là các Vua Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883), các hoạt động văn hóa ngày càng phát triển, số lượng tư liệu tích lũy tại Huế ngày càng phong phú hơn.

Thơ văn ngự chế, tác phẩm của các tao nhân mặc khách trong nước, các loại văn kiện hành chính của triều đình, các văn bản ngoại giao, sách vở do các phái bộ mua ở nước ngoài về, sử sách do Quốc Sử Quán, Nội Các, hoặc các học giả tư nhân biên soạn... tất cả làm cho Huế trở thành một trung tâm tư liệu dồi dào.

Do đó triều Nguyễn đã thiết lập tại đây những văn khố dưới các dạng khác nhau để lưu trữ bảo quản và khai thác vốn tài liệu.

Những tư liệu, hình ảnh và di tích để lại cho thấy triều Nguyễn đã thiết lập ở kinh đô Huế 6 thư viện hoặc văn khố được ghi theo thứ tự thời điểm hình thành sau đây: Thư viện Sử Quán, thành lập năm 1821; Tàng Thư Lâu, xây dựng năm 1825; Thư viện Nội Các, thành lập năm 1826; Thư viện Tụ Khuê, thành lập năm 1852; Tân Thư Viện, thành lập năm 1909; Thư viện Bảo Đại, thành lập năm 1923.

Các thư viện tôn giáo và tư nhân

Cùng với hệ thống thư viện của triều Nguyễn và sau này là thư viện tỉnh, thư viện của hệ thống đại học, Huế còn có các thư viện rất lớn của Phật giáo và Thiên chúa giáo, lưu trữ rất nhiều kinh sách, tư liệu độc bản; các đầu sách liên quan đến triết học, văn học, Phật học, Thần học cũng như các ngành liên quan đến xã hội nhân văn... cho đến ngày nay vẫn còn vẹn nguyên.

Ngoài hệ thống thư viện nhà nước và tôn giáo, ở Huế có thể nói là đếm không hết những thư viện tư nhân - tủ sách gia đình được truyền đời và gìn giữ cẩn thận với những đầu sách có giá trị và quý hiếm.

Điển hình là tủ sách của gia đình nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan (đường Nguyễn Huệ, thành phố Huế) với hơn 10.000 cuốn được gây dựng từ thời cụ thân sinh là kỹ sư Nguyễn Hữu Đính và về sau do ông tiếp tục gom góp, sưu tầm.

Trong gia sản sách vở do cụ thân sinh ông để lại, được xem rất quý giá và đầy đủ là khoảng 100 bộ từ điển, trong đó có những bộ rất quý như trọn bộ Bách khoa từ điển về cây ở Đông Dương xuất bản liên tục tại Paris từ năm 1908-1942, bộ cá, bộ chim ở Đông Dương, xuất bản tại Pháp đầu thế kỷ XX. Có ba cuốn hồi ký của các vị linh mục bằng tiếng Pháp, một cuốn xuất bản vào thế kỷ XVII, hai cuốn xuất bản thế kỷ XVIII và rất nhiều cuốn sách xuất bản vào thế kỷ XIX. 

Đặc biệt là bộ sưu tập với rất nhiều văn bản, hồ sơ về địa bạ, văn bản trao đổi, sang nhượng đất dưới triều Nguyễn, cổ nhất trong số đó là những văn bản dưới thời Tự Đức (1847-1883) mà dấu điểm chỉ được thể hiện bằng cách đo dấu đốt lóng tay trỏ cho đến cách dùng dấu điểm chỉ bằng dấu vân tay thời Bảo Đại...

Tủ sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan đã đoạt giải nhất cuộc thi tủ sách gia đình lần 2 do Nhà xuất bản Văn Nghệ tổ chức vào tháng 3.2008.

Tủ sách có đủ các danh mục từ lâm học, khoa học nhân văn, mỹ thuật, nhất là nhiều bộ sách quý về Huế với nhiều thứ tiếng. Một phần nhờ tủ sách này mà tạp chí “Nghiên cứu Huế” do ông Châu Phan làm chủ bút đã được xuất bản, tồn tại qua 10 số liên tiếp trong gần 20 năm qua.

Tủ sách của cố nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan lại phần lớn là hàng độc như những cổ bản bằng chữ Hán được in trên giấy bổi, hoặc những sách xuất bản trước năm 1975, thậm chí trước năm 1945 và trong thế kỷ XIX do những nhà xuất bản nổi tiếng nước ngoài xuất bản lần thứ nhất, nhì, ba...  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn