MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh minh hoạ của Thuỳ Anh.

Giữa những ồn ào

Minh Bằng LDO | 17/09/2023 06:47

“10% cuộc sống được tạo nên từ những chuyện xảy ra với chính bạn, 90% còn lại được quyết định bởi cách bạn phản ứng với những điều đó”.

Câu này hẳn đang được ông Luis Rubiales - Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha thấm thía. Bởi lẽ, sau một nụ hôn, ông Chủ tịch Liên đoàn bóng đá mất chức.

Chuyện là thế này: Đội tuyển nữ Tây Ban Nha vô địch World Cup nữ, ai cũng biết. Và trong giây phút trao Cup, trước ống kính truyền hình và cả tỉ người theo dõi lễ đăng quang của những cô gái Tây Ban Nha, không hiểu động cơ nào khiến ông Luis Rubiales ôm ghì tiền đạo Jenni Hermoso và tặng cho cô một nụ hôn.

Chỉ là một nụ hôn thôi mà, đâu có gì to tát! Nhầm to. Khi Hermoso nói với truyền thông rằng, đó là một nụ hôn cưỡng ép thì dư luận sôi sục. Chuyện đi xa hơn khi người ta đẩy vấn đề lên thành làn sóng phẫn nộ chống phân biệt giới tính ở Tây Ban Nha.

Tờ The New York Times của Mỹ thì nhanh chóng vào cuộc với một điều tra mà họ gọi là “mặt tối gian trá và coi thường phụ nữ”. Tờ này phỏng vấn hơn chục phụ nữ từng góp công cho nền bóng đá Tây Ban Nha và họ đã kể về tình trạng phân biệt giới tính một cách "có hệ thống", từ những quan điểm gia trưởng và những lời nhận xét thẳng thắn cho đến cả sự lạm dụng bằng lời nói, diễn ra suốt 1 thập kỷ qua. Một số nữ cầu thủ cho biết họ bị kiểm tra giờ giấc đi ngủ và được yêu cầu phải mở cửa khách sạn vào ban đêm.

Không đợi FIFA kết thúc 90 ngày đình chỉ để tiến hành điều tra, hôm 10.9, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha (RFEF), Luis Rubiales, đã chấp nhận từ chức do áp lực quá lớn từ dư luận.

Có lẽ, việc chưa chắc đi xa đến như vậy khi ngay từ đầu ông Luis Rubiales mau chóng đưa ra lời xin lỗi chân thành, thay vào đó ông kiên quyết cho rằng, “nụ hôn đó là đồng thuận” và không từ chức bất chấp lời kêu gọi từ các cầu thủ, quan chức chính phủ. Chỉ khi chuyện không thể kiểm soát, ông mới xin lỗi thì đã quá muộn.

Những quy tắc, ràng buộc trong xã hội đặt ra yêu cầu cao hơn đối với những quan chức, đặc biệt với người nổi tiếng. Trong câu chuyện ông Luis Rubiales mất ghế chỉ 10% là do nụ hôn, còn 90% là do cách ông phản ứng với chuyện đó, với dư luận.
***
Lại nói về nụ hôn, cũng trong lĩnh vực thể thao, thế giới tuần vừa qua chứng kiến một nụ hôn đặc biệt: Nụ hôn của Novak Djokovic khi anh ghé môi xuống mặt sân giải quần vợt Mỹ mở rộng, thời khắc tay vợt người Serbia đoạt chức vô địch US Open lần thứ 4 và cũng là lần thứ 24 Djokovic lên đỉnh vinh quang tại các giải Grand Slam.

Chức vô địch ấy không đơn thuần là lời khẳng định về vị trí số 1 của Djokovic mà còn là câu chuyện về ý chí, sự vươn lên, ứng xử với thất bại như thế nào.

Trong kỷ nguyên mở của thế giới quần vợt, Federer - Nadal - Djokovic - Murray tạo thành “bộ tứ” thâu tóm hầu hết các danh hiệu. Trong đó, Federer - Nadal - Djokovic tham gia vào cuộc đua danh hiệu GOAT (Great of the time - xuất sắc nhất mọi thời đại). Ở cuộc đua ấy, dù có các chỉ số vượt trội, Djokovic vẫn chịu nhiều thiệt thòi, mỉa mai. Có lẽ, bắt nguồn từ nơi anh sinh ra - đất nước Serbia từng trải qua nhiều biến cố trong quá trình lịch sử.

Djokovic - từ đỉnh cao vinh quang, tưởng chừng như bị đẩy vào hố sâu, vực thẳm khi anh bị cấm thi đấu ở giải Úc và Mỹ mở rộng với lý do: không tiêm vaccine COVID-19. Gần như cả thế giới quay lưng, căm ghét với quyết định của Nole còn Djokovic thì chọn cách im lặng và tập luyện, rèn bản lĩnh, ý chí.

Đứng lên ngay chỗ mình ngã và lần lượt là các chức vô địch Úc, Pháp, Mỹ đến với Nole. 4 giải đấu danh giá nhất, Djokovic vào cả 4 chung kết và vô địch 3 - một kỳ tích nhất là với một tay vợt đã 36 tuổi.

Nếu nói về một vận động viên về ý chí, nghị lực, sự vươn lên khẳng định bản thân thì Djokovic là một lựa chọn hoàn hảo.
Và với rất nhiều người, thế giới thể thao hiện tại thì sự vĩ đại chỉ có hai người. Người thứ nhất là Nole trong môn quần vợt và người thứ hai, ở môn bóng đá, không ai khác ngoài cái tên Messi!

***
Báo chí, truyền thông, mạng xã hội tại Việt Nam tuần vừa rồi sôi sục cái tên Messi. Anh đến Việt Nam chăng? Không phải! Mà là một ca sĩ Việt Nam đã đến gặp Messi và không rõ vô tình hay hữu ý đã đưa vào đoạn clip MV ca nhạc của mình.

MV "Từ nơi tôi sinh ra" của ca sĩ Jack được cộng đồng mạng quan tâm vì sự xuất hiện của ngôi sao Lionel Messi. Chỉ riêng việc đó đã đủ ồn ào. Nhưng câu chuyện lại rẽ sang hướng khác khi ban đầu MV "Từ nơi tôi sinh ra" được bật nút kiếm tiền trên nền tảng YouTube. Rồi tin đồn chi 60 tỉ đồng để mời cầu thủ bóng đá nổi tiếng tham gia MV, rồi nghi hoặc về việc Jack đã xin phép Messi...

Chuyện càng ồn ào khi doanh nhân - người kết nối Jack với Messi nói bóng gió, ám chỉ anh này là “một người trí trá, ngoan cố”.

Đây không chỉ là bài học về việc sử dụng bản quyền hình ảnh người nổi tiếng mà còn là bài học về việc tạo ra thông tin mập mờ, không rõ ràng đã tạo ra sự hoang mang và tranh cãi trong cộng đồng mạng. Trong thời đại mạng xã hội, thông tin lan truyền rất nhanh và có thể tạo ra tác động lớn đối với hình ảnh và danh tiếng của người nổi tiếng như Jack.

Thêm nữa, việc Jack lựa chọn giữ im lặng, không đưa ra lời giải thích hay phản hồi chính thức khi sự việc bắt đầu lan truyền đã để lại một khoảng trống thông tin và tạo điều kiện cho các thông tin sai lệch và đồn đoán.

Một chuyên gia về xử lý khủng hoảng truyền thông đã cho rằng: "Đây là một bài học quý báu về xử lý truyền thông và quản lý thông tin đối với người nổi tiếng. Sự rõ ràng, trung thực và xử lý thông tin một cách nhanh chóng có thể giúp tránh được những hiểu lầm, tranh cãi không cần thiết".

Im lặng và hành động (như trường hợp của Djokovic) là điều tốt. Nhưng im lặng (như trường hợp ông Luis Rubiales và Jack) đôi khi cũng gây những hậu quả khó lường.

Trong cuộc sống, nhất là với những biến cố mang tính cá nhân, tránh những hiểu lầm, cũng rất cần lên tiếng đúng nơi, đúng chỗ.

***
Một nữ ca sĩ nói “cao giọng” quá, thế lại thành một làn sóng trên báo chí, mạng xã hội.

Chuyện là tại cuộc họp báo công bố thông tin liveshow cá nhân, khi một phóng viên đặt câu hỏi về khả năng hát live chưa tốt, nữa ca sĩ này có câu trả lời lạc đề thậm chí bị gọi là trịch thượng. Cụ thể cô đã “nói cho mà nghe” khi kể ra một câu chuyện không liên quan về bản thân có hai chân lành lặn, nhưng vì trời mưa nên cô bị ngã. Khi cô ngã, những người xung quanh nói cô không biết đi. Sau đó, cô hỏi ngược lại phóng viên, "Theo bạn, tôi có biết đi không?".

Câu trả lời này của nữ ca sĩ đang nhận chỉ trích dữ dội trên các diễn đàn. Theo đó, số đông ý kiến cho rằng, nữ ca sĩ đang đưa ra câu trả lời hoàn toàn lạc đề, việc đi đứng không liên quan đến khả năng hát live của nữ ca sĩ. Về những câu hỏi liên quan trực tiếp đến chuyên môn, cô nên có câu trả lời thẳng thắn, trực diện thay vì kể một câu chuyện vòng vo.

Nữ ca sĩ này có đáng trách không? Tùy cách suy nghĩ mỗi người. Nhưng rõ ràng yêu cầu, đòi hỏi về sự chuẩn mực, rõ ràng trong lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành động của người nổi tiếng cần phải cao hơn đám đông. Bởi họ là người có ảnh hưởng tới đám đông, tới công chúng.

Đòi hỏi cao là một chuyện, đáp ứng được hay không lại là chuyện khác. Những người nổi tiếng luôn phải chịu áp lực về đòi hỏi mức độ cao như vậy! Đó là cái giá của sự nổi tiếng.
Giữa những ồn ào, cách ứng xử trong vài trường hợp có thể tác động đến sự nghiệp, tương lai của những người nổi tiếng bởi áp lực vô hình nhưng rất lớn của cộng đồng, xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn