MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giúp đồng bào phía Bắc gìn giữ văn hóa truyền thống trên quê hương Đắk Nông

Phan Tuấn LDO | 31/01/2023 07:15

Khi đến với quê hương thứ hai của mình ở Đắk Nông, nhiều bà con người Tày, Nùng, Thái, Mông... luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương giúp gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Từ nguồn kinh phí do địa phương hỗ trợ, bà con người Thái đã giữ gìn được văn hóa đánh cồng chiêng, khua luống của dân tộc mình. Ảnh: Bảo Trọng

Xa quê nhưng không mất bản sắc

Xã Cư Knia, ở huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông hiện có trên 3.200 hộ gia đình với gần 80% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, ngoài đồng bào Thái, Tày, Nùng, xã Cư Knia còn có số lượng lớn người dân tộc Mông sinh sống.

Đều đặn vào ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần Nhà văn hóa cộng đồng ở thôn 5, xã Cư Knia, ở huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông lại nhộn nhịp hơn hẳn. Những âm thanh trầm bổng của tiếng chiêng hay những âm điệu rộn ràng của tiếng khua luống ngân vang khắp nơi.

Ông Hà Văn Tân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng ở xã Cư Knia cho biết, để góp phần hỗ trợ người dân gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã hỗ trợ kinh phí mua một bộ cồng chiêng và một bộ khua luống với tổng kinh phí 30 triệu đồng.

Theo ông Tân, việc này đã giúp người dân phía Bắc có cơ hội cùng nhau tập luyện những bài cồng chiêng, khua luống của người Thái. Thông qua hoạt động này đã góp phần giữ gìn và truyền dạy nét đẹp văn hóa cho các tầng lớp con cháu sau này.

Đối với người dân tộc Mông, thời gian qua, cấp uỷ chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể vận động người dân gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc mình như: Duy trì chợ phiên, điệu múa khèn, gìn giữ trang phục và các món ăn truyền thống...

Mặt khác, hàng năm, xã Cư Knia cũng chú trọng bố trí kinh phí để hỗ trợ đồng bào dân tộc Mông duy trì, phục dựng các nét văn hóa truyền thống trong dịp lễ, Tết.

Đặc biệt, xã Xư Knia đã chỉ đạo tổ chức đoàn thể phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân duy trì nghề may trang phục truyền thống.

Hiện nay, việc duy trì nghề may trang phục không chỉ giúp người dân nơi đây bảo tồn nghề truyền thống mà còn có thể kiếm thêm thu nhập.

Giúp bà con giữ gìn văn hóa truyền thống

Hiện nay, các cấp chính quyền ở huyện Cư Jút đang tập trung bảo tồn gìn giữ nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII của Đảng. 

Ông Lê Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã Cư Knia cho hay, những năm qua, để gìn giữ bảo tồn các giá trị văn hoá của dân tộc thiểu số cấp uỷ, chính quyền xã Cư Knia đã xây dựng kế hoạch, huy động nguồn kinh phí để khôi phục các giá trị văn hoá của người dân tộc thiểu số. 

Việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của đồng bào không chỉ góp phần duy trì tốt cuộc sống vật chất và tinh thần mà còn rất có ý nghĩa trong việc định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo Quốc phòng an ninh ở xã Cư Knia nói riêng và huyện CưJút nói chung. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn