MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án sân vận động mới ở TPHCM sẽ có mái che, sức chứa 50.000 chỗ ngồi. Trong ảnh, sân vận động Thống Nhất hiện tại chỉ có sức chứa 15.000 chỗ ngồi. Ảnh: Thanh Vũ

Gỡ nút thắt đầu tư PPP lĩnh vực văn hóa thể thao nhìn từ câu chuyện TPHCM

Anh Tuấn LDO | 27/05/2024 05:41

TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước được Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm Cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án trong lĩnh vực văn hóa thể thao. Nhưng quá trình thực hiện thời gian qua vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Thế khó khi triển khai PPP tại TPHCM

Sân vận động Thủ Đức, Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật Lao động, Nhà hát Gia Định, Trung tâm Văn hóa TPHCM... là những cái tên trong danh mục 23 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa thể thao được Hội đồng Nhân dân TPHCM thông qua chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, sân vận động Thủ Đức (sức chứa 50.000 người) được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt hạ tầng thể thao thành phố. 17 dự án khác đang trong quá trình nghiên cứu.

Đây là những dự án thí điểm đang được TPHCM triển khai sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 cho phép “TPHCM áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án trong lĩnh vực văn hóa và thể thao”. TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước được phép áp dụng cơ chế này trong lĩnh vực văn hóa thể thao (trước đó Luật PPP chỉ được áp dụng cho 5 lĩnh vực: Giao thông vận tải, điện lực, thủy lợi, y tế - giáo dục đào tạo, hạ tầng công nghệ thông tin).

Tuy nhiên, từ khi công bố danh mục hồi tháng 12.2023, TPHCM vẫn gặp khó khi kêu gọi tư nhân tham gia cùng Nhà nước trong các dự án PPP.

Thiếu hút các công trình văn hóa thể thao là hiện trạng lâu nay của TPHCM. Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 2.500 công trình từ nguồn vốn tư nhân (không tính các trung tâm thể dục thể thao nằm trong các khách sạn, chung cao cấp…).

Nhưng theo ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, số lượng các công trình như vậy vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu người dân (mật độ khoảng 1,5 công trình/10.000 dân); tỉ lệ xây dựng thiết chế văn hóa chưa đạt kế hoạch, đặc biệt là cấp xã, phường.

“Hầu hết cơ sở vật chất của ngành chưa đủ sức hội nhập quốc tế, chưa được nâng cấp, mở rộng đúng quy chuẩn... Quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao là 2.826ha, mới chỉ đạt 1,35% quỹ đất của thành phố” - ông Dương Anh Đức phát biểu tại Hội thảo “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” do Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức.

Nhiều vướng mắc, rào cản

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như thủ tục các bước thực hiện dự án phải tuân theo đúng quy định của Luật PPP và các quy định pháp luật có liên quan. Trong đó, tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP (tham chiếu sang lĩnh vực giáo dục đào tạo và y tế) là từ 100 tỉ đồng trở lên.

“Con số này còn cao, gây khó khăn cho thành phố trong kêu gọi đầu tư các dự án PPP” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nói.

Ngoài ra, thủ tục đầu tư nhiều bước (tối thiểu 5 giai đoạn); thời gian thực hiện kéo dài (tối thiểu khoảng 3 năm) cũng là yếu tố ảnh hưởng đến khuyến khích kêu gọi đầu tư.

Tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc

Theo Tiến sĩ Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cần “tách bạch lĩnh vực, hoạt động có khả năng thực hiện PPP hoặc phải sử dụng nguồn lực công hay theo mô hình hỗn hợp/kết hợp”.

“Đối với những hoạt động không thể hoặc khó thu hút PPP phải xem xét đề xuất sử dụng nguồn lực công một cách phù hợp, có thể bố trí nguồn lực trực tiếp hoặc theo hình thức gián tiếp, đặt hàng. Việc phân loại để xác định công-tư không nên cứng nhắc theo lĩnh vực mà có thể tách riêng thành các hoạt động để có thể phối hợp khai thác tối ưu nguồn lực từ khu vực tư, từ xã hội hoá và từ đầu tư công” - TS Lê Minh Nam nói.

Đại diện Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng đề xuất áp dụng linh hoạt tổng mức đầu tư tối thiểu để tăng cơ hội cho nhà đầu tư đối với lĩnh vực văn hóa thể thao, ví dụ tính theo dải từ 30-100 tỏ đồng tùy hoạt động cụ thể. Cần nghiên cứu đề xuất áp dụng PPP ở phạm vi rộng hơn cho lĩnh vực văn hóa thể thao hoặc đề xuất thí điểm PPP tại các dự án do các đơn vị sự nghiệp thể thao thuộc các Bộ, ngành quản lý (hiện mới thí điểm tại địa phương).

TS Lê Minh Nam cũng cho rằng, các đơn vị “không nên trông chờ, ỷ lại mà cần chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn cho cơ quan, đơn vị mình”.

“Tại mỗi đơn vị sự nghiệp thể thao cần xem xét để áp dụng PPP và các quy định liên quan phù hợp” - TS Lê Minh Nam phân tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn