MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng Biên tập Báo Thanh Niên.

Gỡ “nút thắt” visa và kích thích tăng chi tiêu của du khách

Mỹ Linh (tổng hợp) LDO | 11/03/2023 11:33

Hội thảo “Mở visa, phục hồi du lịch” do Báo Thanh Niên tổ chức diễn ra sáng 10.3 với sự tham dự của đại diện nhiều Bộ, ngành nhằm đưa ra những giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch hiện nay. Hội thảo ghi nhận một số ý kiến.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng Biên tập Báo Thanh Niên: Mong góp thêm một tiếng nói để các nút thắt được tháo gỡ

Sự vắng bóng của du khách quốc tế, đối tượng khách chiếm tỉ trọng lớn trong doanh thu của ngành du lịch, đã khiến các hãng hàng không, dịch vụ, lưu trú, các hãng tàu... không thể vực lên nổi dù lượng khách nội địa năm qua tăng vọt. Vì thế, có thể khẳng định khách quốc tế chính là cứu cánh để phục hồi ngành du lịch, vực dậy kinh tế.

Số lượng các quốc gia được miễn thị thực khi du lịch đến Việt Nam còn ít (24 quốc gia), thời gian được miễn thị thực rất ngắn (15 - 30 ngày). Các phương án thay thế như cấp visa điện tử hay cấp visa tại cửa khẩu chưa phát huy được do thủ tục thực hiện còn phức tạp, thiếu nhân lực, công nghệ… So sánh với Thái Lan, quốc gia này miễn thị thực cho 65 quốc gia đồng thời miễn visa du lịch với thời hạn lên tới 45 ngày. Chỉ riêng về chính sách xuất nhập cảnh, Việt Nam đang gặp bất lợi trong cuộc tranh đua thu hút du khách từ Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Úc. Đây là những thị trường tiềm năng, có mức thu nhập cao, nhu cầu du lịch lớn, thời gian lưu trú dài ngày, được kỳ vọng bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn khách Trung Quốc.

Tôi rất mong chúng ta sẽ cùng phân tích sâu hơn, cùng thảo luận, từ đó đề xuất các giải pháp về visa, về quảng bá, xúc tiến du lịch... để góp thêm một tiếng nói để các nút thắt được tháo gỡ, để ngành du lịch Việt Nam phục hồi, phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

TS Lương Hoài Nam: Cần tăng số nước miễn visa đơn phương

Năm 2022, khách du lịch quốc tế vào Việt Nam bằng 1/5 so với năm 2019. Trước đại dịch, Việt Nam đón khách du lịch quốc tế chỉ bằng 1/5 của Thái Lan. Đó là một sự so sánh đáng buồn khi chúng ta có nhiều tiềm năng, lợi thế du lịch rất lớn. Đặc biệt là nguồn di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử phong phú. Thế nhưng, năm qua, khách quốc tế vào Việt Nam lại tụt xuống chỉ còn bằng 1/3 so với Thái Lan. Năm nay, nếu không cẩn thận, có nguy cơ còn tụt sâu hơn nữa. 

Cần tăng số nước miễn visa đơn phương, Thái Lan đang miễn visa cho 68 quốc gia, Việt Nam có thể mở ngang Thái Lan, nâng thời gian lưu trú từ 15 ngày lên 30 - 45 ngày. Đặc biệt, cho du khách vào ra nhiều lần. Hiện khách ở tại Việt Nam, qua Singapore quay lại không được, vậy họ đi luôn. Nếu không có chính sách này, sân bay Long Thành trong tương lai khó thực hiện việc trung chuyển. Hay toàn bộ khách từ các nước thành viên EU miễn hết visa cho họ. Đây là đối tượng khách an toàn, văn minh thân thiện. Kéo dài thời hạn các chương trình miễn thị thực đơn phương lên 5 năm để doanh nghiệp yên tâm tiếp thị, xây dựng sản phẩm, giới thiệu, phát triển…

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG): Cần các chính sách để phát triển mô hình du lịch

Trong các loại hình du lịch, Việt Nam đã và đang phát triển phổ biến nhất là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch trải nghiệm, chủ yếu nhờ vào tính sẵn có, ưu đãi về điều kiện tự nhiên và đa dạng văn hóa. Đối với 2 loại hình là xu hướng mới về du lịch gồm du lịch sức khỏe và du lịch mua sắm - giải trí thì Việt Nam còn rất hạn chế.

Trong khi đó, tiềm năng 2 loại hình du lịch trên là rất lớn. Đây cũng chính là “nút thắt” cho việc tăng chi tiêu du khách. Trên thực tế, sau khi du khách quốc tế tới Việt Nam, vẫn còn nhiều ý kiến về việc thiếu và không có những sản phẩm giá trị và đa dạng để du khách mua sắm, không có địa điểm mua sắm phù hợp để du khách tiêu tiền.

Bên cạnh việc mở chính sách về cấp/miễn visa, nâng cao năng lực hạ tầng vận chuyển, Việt Nam cần các chính sách để phát triển mô hình du lịch sức khỏe và phát triển các tổ hợp mua sắm, vui chơi, giải trí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn