MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh trong bộ phim “Oppenheimer”. Tác phẩm vừa đoạt 7 giải Oscar, trong đó có Phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Góc nhìn khác về thế chiến làm nên tầm vóc cho siêu phẩm Oscar “Oppenheimer”

Mi Lan LDO | 12/03/2024 09:10

Siêu phẩm “Oppenheimer” vừa đoạt 7 giải Oscar, trong đó có những giải quan trọng nhất như: Đạo diễn xuất sắc (Christopher Nolan), Nam diễn viên chính xuất sắc, Nam diễn viên phụ xuất sắc... và Phim xuất sắc. “Oppenheimer” được ví là tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất năm 2023 trước khi càn quét khắp các lễ trao giải nhà nghề.

“Oppenheimer” là phim tiểu sử về một nhân vật lịch sử đặt trong bối cảnh Thế chiến 2. Phim xoay quanh quá trình nhà khoa học Robert Oppenheimer cùng các cộng sự được giao phát triển bom nguyên tử trong dự án Manhattan. Hai quả bom nguyên tử được chế tạo từ dự án này, sau đó đã được thả xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật vào tháng 8.1945 với mức độ thương vong khủng khiếp.

Cho đến bây giờ, việc Mỹ thả bom nguyên tử xuống 2 thành phố của Nhật vẫn là đề tài gây tranh cãi gay gắt trong lịch sử thế giới.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, ngay cả khi không có 2 quả bom nguyên tử, Nhật cũng sẽ vẫn đầu hàng, bởi họ đã kiệt quệ ở giai đoạn cuối thế chiến. Với số lượng thương vong khủng khiếp từ bom nguyên tử, sự kiện này luôn là nỗi đau lớn trong lịch sử thế giới.

Giữa muôn chiều tranh cãi, siêu phẩm “Oppenheimer” của đạo diễn Christopher Nolan được sản xuất với sự công phu, kỳ công và tầm vóc. Kịch bản chi tiết, khối lượng thông tin lịch sử đồ sộ, những cuộc gặp lớn, những nhân vật làm thay đổi thế giới... lần lượt xuất hiện ở “Oppenheimer” khiến người xem “choáng ngợp”.

Thế nhưng, phân cảnh cảm xúc nhất, gây ấn tượng bậc nhất trong suốt 3 giờ phim, có lẽ là hình ảnh Robert Oppenheimer choáng váng, sây xẩm khi nghe tin về số lượng nạn nhân thương vong ở Nhật - do 2 quả bom nguyên tử mà ông góp sức chế tạo - đã gây ra.

Con số thương vong ở Nhật là đòn giáng mạnh mẽ vào “cha đẻ của bom nguyên tử” Robert Oppenheimer. Phân cảnh hội thoại giữa Oppenheimer và Tổng thống Mỹ đương nhiệm lúc bấy giờ là Harry S. Truman trở nên đầy sức nặng.

“Cha đẻ của bom nguyên tử” nói với Tổng thống Mỹ, ông cảm thấy bàn tay mình vấy máu.

Tổng thống Mỹ suy nghĩ rồi nói: “Sẽ không ai ở Nhật quan tâm đến cha đẻ của bom nguyên tử là ai, họ chỉ quan tâm, ai là người thả bom. Và tôi là người làm điều đó”.

Cuộc trò chuyện kết thúc khi Robert rời đi, ra đến cửa phòng, ông nghe thấy lời Tổng thống Mỹ dặn nhân viên Nhà Trắng: “Đừng bao giờ cho tên mít ướt ấy trở lại đây”.

“Oppenheimer” là góc nhìn chân thực và giản dị vào cuộc thế chiến, là sự tiếp cận mang tính “con người nhất” với các nhân vật lịch sử. Ở đó, khán giả có thể thấy được sự đối lập trong cách nhìn nhận, đánh giá về cuộc chiến giữa giới chính trị và các nhà khoa học, giữa các phe tham chiến, giữa nhân tính và sự máu lạnh trong một quyết định sống còn.

Trước “Oppenheimer”, đã có vô số những bộ phim lấy đề tài về thế chiến 2. Cuộc chiến đẫm máu đã trở thành chất liệu cho nhiều tác phẩm điện ảnh tiếp cận, nhưng không phải tác phẩm nào cũng được đánh giá cao về giá trị, thông điệp lịch sử.

“Trân Châu cảng” - một tác phẩm chiến tranh ra mắt năm 2001 từng bị đánh giá là bộ phim tệ hại khi tô hồng quá đà lực lượng không quân Mỹ.

Trận Trân Châu cảng được nhắc lại trong siêu phẩm “Oppenheimer”, trận thua của hải quân Mỹ năm 1941 ở Hawaii trở thành một trong những cái cớ để Mỹ quyết định thả bom nguyên tử xuống Nhật năm 1945.

Điện ảnh Mỹ, ở 2 giai đoạn thế chiến, đều có các tác phẩm, trong đó, nếu “Trân Châu cảng” bị chê, “Oppenheimer” lại trở thành siêu phẩm đầy cảm xúc. “Trân Châu cảng” tô hồng cuộc chiến, “Oppenheimer” lại chọn cách kể về “cha đẻ của bom nguyên tử” với những day dứt, đau khổ của một người gián tiếp gây ra tội ác chiến tranh ở Nhật.

Với phim lấy đề tài lịch sử, cách tiếp cận câu chuyện luôn đóng vai trò then chốt, quyết định thành công.

Ở Việt Nam, những tranh cãi xoay xung quanh những dự án phim chiến tranh, lịch sử luôn là đề tài nóng. Sau “Đất rừng phương Nam”, “Đào, phở và piano”... giới làm phim, các nhà phê bình, khán giả vẫn đang tiếp tục tranh cãi bất tận quanh cách tiếp cận lịch sử như thế nào để giản dị, gần gũi, để không khô cứng, hô hào, để mỗi câu chuyện đều thấm đẫm thân phận con người giữa bối cảnh lịch sử đầy cảm xúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn