MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS Thái Kim Lan tại bảo tàng Gốm cổ sông Hương. Ảnh: PTH

Gốm cổ sông Hương - Bảo tàng tư nhân thứ 3 ở Huế được phép hoạt động

Tường Minh LDO | 11/12/2021 16:03

Bảo tàng Gốm cổ sông Hương của GS Thái Kim Lan vừa được tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép hoạt động. Đây là bảo tàng tư nhân thứ 3 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được cấp phép trong thời gian qua.

Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương ở địa chỉ 120 Nguyễn Phúc Nguyên, thành phố Huế. Đây cũng là nhà thờ tộc của GS Thái Kim Lan.

Bảo tàng có khoảng 5.000 hiện vật gốm cổ, có niên đại từ thời tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt… phần lớn được trục vớt từ sông Hương, được GS Thái Kim Lan và anh trai mình là cố hoạ sĩ Thái Nguyên Bá sưu tầm trong suốt hơn 30 năm qua.

Khi thành lập bảo tàng Gốm cổ sông Hương, GS Thái Kim Lan có tham vọng biến nơi này trở thành không gian văn hoá kể câu chuyện về sông Hương.

Và đây sẽ là một điểm tham quan lý thú, một điểm check in không thể bỏ qua đối với mọi du khách chọn tuyến du lịch phía tây Huế, dọc theo tả ngạn dòng Hương Giang thơ mộng.

Trước đó, Hội đồng chuyên môn của Sở Văn hóa và Thể thao đã có buổi làm việc thẩm định đề án thành lập Bảo tàng Gốm Sông Hương của GS.TS. Thái Kim Lan và thống nhất thông qua đề án thành lập bảo tàng; đồng thời hoàn tất các thủ tục để trình UBND tỉnh ra quyết định thành lập.

Đây bảo tàng tư nhân (ngoài công lập) thứ 3 ở Huế được thành lập và cấp phép hoạt động. Trước đó là Bảo tàng tranh thêu XQ và Bảo tàng đố sứ ký kiểu của nhà sưu tập cổ vật Trần Đình Sơn.

Sinh ra tại Huế, theo học ngành triết học và Đức ngữ tại Việt Nam và Đức, GS Thái Kim Lan tốt nghiệp Đại học Ludwig-Maximilian tại Munich năm 1976. Bà sống và làm việc tại Munich tới năm 2007 với tư cách giảng viên môn triết học đối chiếu. Từ năm 1994, GS Thái Kim Lan còn giảng dạy về triết học và Phật học tại TP. Hồ Chí Minh và Huế.

GS Thái Kim Lan còn là người đồng sáng lập Tổ chức Hữu nghị Đức-Việt thứ 2. Ngoài các ấn phẩm về triết học, bà còn viết sách, sáng tác thơ và dịch một số tác phẩm của các nhà văn và nhà thơ Đức sang tiếng Việt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn