MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo Hà Tĩnh đang quyết tâm xoá hình ảnh vàng mã hình ngựa kích thước lớn dâng cúng, đốt ở Đền Chợ Củi (huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh). Ảnh: Trần Tuấn

Hà Tĩnh, Nghệ An quyết tâm dẹp mê tín dị đoan, trục lợi

NHÓM PV BẮC TRUNG BỘ LDO | 22/02/2024 14:51

Trong dịp Tết, các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ tăng cường công tác quản lý Nhà nước tại các di tích, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các trường hợp tổ chức hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi.

Nâng cao nếp sống văn minh tại các di tích, lễ hội

Tại Hà Tĩnh, dịp đầu năm 2024, các đền, chùa, di tích đều tấp nập khách hành hương, du xuân. Ông Trần Minh Đức - Phó Trưởng ban Quản lý Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân - Đơn vị quản lý Di tích Quốc gia Đền Chợ Củi (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân) - cho biết, bình quân mỗi ngày di tích này đón từ 3.000 - 5.000 khách, tăng khoảng 30% so với ngày thường.

“Chúng tôi kêu gọi du khách hạn chế đốt vàng mã, thắp ít hương hơn khi về di tích Đền Chợ Củi. Tuy nhiên, kích thước ngựa là vàng mã để đốt vẫn chưa thay đổi, nó còn lớn, cồng kềnh. Hương thì kêu gọi thắp một nén nhưng nhiều người thắp 3 nén. Nói chung đốt vàng mã, thắp hương có giảm nhưng chưa nhiều” - ông Đức nói.

Ngày 21.2, ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh - cho biết, đầu năm 2024 này lượng du khách đến du xuân, tham quan, hành hương, lưu trú tại Hà Tĩnh tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo ông Sáng, để chấn chỉnh tình trạng mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, ngay từ đầu mùa lễ hội năm nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã tổ chức các đoàn thanh tra đi về cơ sở kiểm tra, nhắc nhở các địa phương, các đơn vị quản lý, các cơ sở tín ngưỡng hoạt động đúng quy định.

“Từ đầu mùa lễ hội đến nay, chúng tôi chưa nhận được phản ánh, cũng chưa phát hiện được ở cơ sở nào có hoạt động mê tín dị đoan. Công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh vẫn đang được duy trì thường xuyên” - ông Sáng nói.

Vào dịp đầu năm mới, nhiều di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An thu hút lượng lớn người dân và du khách tới vãn cảnh, chiêm bái, dâng hương, cầu an như Đền Ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên), Đền Cờn (thị xã Hoàng Mai), Đền Quả Sơn (huyện Đô Lương), Đền thờ Hoàng đế Quang Trung… Tại nhiều di tích, diễn ra các hoạt động như dâng hương, dâng lễ vật, đốt vàng mã, dâng sớ cầu an.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An, hiện chưa có thông tin về tình trạng tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng hoạt động tại các di tích để trục lợi.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Trước Tết Nguyên đán, ngành Văn hóa - Thể thao tỉnh Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn số 164/UBND-VX ngày 9.1.2024 về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn có các hoạt động lễ hội tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống, thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh...

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; ngăn chặn các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để thu lợi bất chính; kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… âm thanh mở quá mức độ cho phép, tình trạng lộn xộn trong thực hành nghi lễ tại các di tích, lễ hội...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn