MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ma nhai trên lối vào động Tàng Chơn, danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng: Ảnh: Tư liệu

Hai hồ sơ di sản của Việt Nam được công nhận Di sản tư liệu Ký ức Thế giới

An Thượng LDO | 26/11/2022 19:35

Cả 2 hồ sơ của Việt Nam đăng ký là Ma nhai (văn tự khắc lên vách núi đá) tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) của tỉnh Hà Tĩnh đều được vinh danh là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.Đà Nẵng, ông Phạm Tấn Xử cho biết, lúc 12h20 ngày 26.11 (theo giờ Hàn Quốc), tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (gọi tắt là MOWCAP - diễn ra từ ngày 23.11 đến ngày 26.11.2022 tại Andong, tỉnh Gyeongsang Bắc, Hàn Quốc), “Ma nhai" tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) của tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam chính thức được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo ông Xử, hội nghị MOWCAP lần này đã xem xét và bỏ phiếu cho 13 hồ sơ của 7 nước thành viên đệ trình công nhận Di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương; trong đó: Hàn Quốc, Indonesia, mỗi nước có 3 hồ sơ; Trung Quốc, Việt Nam, mỗi nước có 2 hồ sơ; Singapore, Iran, Bangladesh mỗi nước có 1 hồ sơ.

Cả 2 hồ sơ của Việt Nam đăng ký là "Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn" và "Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)" của tỉnh Hà Tĩnh đều được vinh danh.

“Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn" là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm) được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn, với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.

Theo nhận định của các chuyên gia, đây là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm bởi những giá trị nhiều mặt về lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục.

Trong đó, ma nhai “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” lưu giữ những “ký ức” về mối giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội giữa Việt Nam với các nước trên con đường hàng hải xuyên khu vực cũng như vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong hôn nhân quốc tế vào thế kỷ 17.

Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn được các thành viên của MOWCAP đánh giá cao, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà UNESCO đưa ra như: tính xác thực và vẹn toàn; ý nghĩa khu vực; ý nghĩa về giới; có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị bền vững và khoa học.

Với những giá trị nổi bật đó, ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được Hội đồng MOWCAP đánh giá cao và công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là di sản được công nhận ở tầm khu vực đầu tiên của thành phố Đà Nẵng.

Hồ sơ của tỉnh Hà Tĩnh đề cử tại phiên họp toàn thể MOWCAP lần thứ 9 lần này là một bộ sưu tập 48 tư liệu được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm của 3 dòng họ tại làng Trường Lưu, bao gồm 26 tư liệu là các sắc phong thời kỳ nhà Lê và nhà Nguyễn (1689-1943) trong tôn vinh - ban thần, ban mỹ tự - trong ban tước, phong chức; 19 văn bản hành chính do chính quyền địa phương gửi cho người dân thuộc xã Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh dưới thời Nguyễn (1803-1943) và 3 bức trướng có kích thước 97x197 cm, 121x177cm và 70x127cm tặng cho các cá nhân nhân dịp mừng thọ, đỗ đạt (cho bà Phan Thị Trừu nhân dịp mừng thọ bà 80 tuổi, khen Nguyễn Huy Quýnh đỗ tiến sỹ và mừng thọ 70 tuổi Nguyễn Huy Cầu, (1939).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn