MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đình Nhu Thượng là ngoi đình cổ hàng trăm năm tuổi - Ảnh TN

Hải Phòng: Ngôi đình cổ hàng trăm năm tuổi trước nguy cơ đổ sập

Tiến Nguyễn LDO | 14/08/2017 09:00
Đình làng Nhu Thượng (xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, TP. Hải Phòng) được Bộ VHTT&DL cấp bằng di tích lịch sử văn hóa từ năm 1991, nhưng chưa được quan tâm, sửa chữa, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Ngôi đình cổ hàng trăm năm tuổi

Đình Nhu Thượng là một trong những ngôi đình cổ nhất của TP. Hải Phòng, còn lưu giữ nguyên vẹn những kiến trúc cổ xưa, xây dựng từ triều đại nhà Nguyễn. Đình thờ hai chị em Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn, con vua Mai Hắc Đế, người đứng đầu chống quân đô hộ nhà Đường ở thế kỷ VIII. Năm 1991, đình được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.

Đình Nhu thượng hiện nay xuống cấp nghiêm trọng, đình ngả về phía sau 25 - 30 độ. Ảnh: TN

Theo truyền tích, do mối quan hệ bằng hữu thân thuộc với gia định họ Phạm và họ Hoàng trong làng, Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn đã giúp dân làng ruộng đất, vàng bạc, đồng thời chiêu mộ dân thôn xây dựng đồn trại, tham gia nghĩa binh, góp phần củng cố triều đại Mai Thúc Loan. Tại các thôn Văn Xá, Nhu Điều, Kiều Yên Thượng ngày nay vẫn còn các địa danh như đầm quan, địa lính... có nguồn gốc từ hai chị em họ Mai chu cấp cho dân, mỗi làng 10 mẫu đất canh tác.

Sau trận giao chiến ác liệt với quân đô hộ nhà Đường, vua Mai Hắc Đế hy sinh, quân sỹ tôn Mai Kỳ Sơn lên nối ngôi cha. Lực lượng nghĩa quân của Mai Kỳ Sơn chiếm cứ 2 vùng Đông và Nam phủ Tống Bình được hơn 2 tháng, sau đó, quân giặc mới phá được căn cứ phòng thủ của hai chị em Mai Kỳ Sơn ở Kiều Yên Thượng và Nhu Điều. 

Ngày nay, trên bờ một con trạch thoát triều cũ, chảy ra sông Lạch Tray (thuộc địa phận xã Quốc Tuấn, huyện An Dương) vẫn còn 2 ngôi miếu nhỏ, tương truyền đây là nơi xưa kia dân làng an táng 2 vị. Cũng từ đó, Lễ hội Đình Nhu Thượng được dân làng tổ chức từ ngày mồng 6 đến ngày mồng 8 tháng 3 âm lịch, để ghi nhớ trận chiến đấu oanh liệt của nghĩa quân, do hai chị em họ Mai chỉ huy.

Đình Nhu Thượng có quy mô kiến trúc bề thế, nghệ thuật chạm, khắc trên gỗ khá tinh tế, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn đầu thế kỷ XIX. Đình được dựng năm Tự Đức 14 (1861), có cấu trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung được xây dựng theo hình thức chồng diêm, nóc các, hai tầng, 8 mái cao vượt hẳn lên so với 5 gian tiền đường. Đến mùa xuân năm Tự Đức 34 (1882), dân làng dựng tiếp 5 gian tiền đường, nối với tòa hậu cung bằng cách tận dụng nguồn vật liệu gỗ, đá của ngôi đình cũ ven sông.

Xuống cấp nghiêm trọng

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, chứng kiến biết bao thay đổi, thăng trầm của lịch sử, đình làng Nhu Thượng vẫn tồn tại uy nghiêm, là nơi sinh hoạt cộng đồng của biết bao thế hệ người dân xã Quốc Tuấn nói riêng và huyện An Dương nói chung.

Hệ thống cột, kèo, mộng bị mục nát. Ảnh: TN
Theo ông Nguyễn Văn Bến - Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn (huyện An Dương), đình Nhu Thượng được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích lịch sử văn hóa ngày 14.6.1991, nhưng đến nay đã xuống cấp trầm trọng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Phần mái đình hư hỏng nặng, nắng chiếu, mưa dột khắp nơi. Các hạng mục như kèo, cột, xà, mộng bị mối mọt ăn rỗng, thông tâm, có nguy cơ đổ sập nếu gặp mưa to, gió lớn. Nghiêm trọng hơn, mái đình đã ngả về phía sau khoảng 25 - 30 độ, một góc đầu hồi phía tây bắc đã bị sạt.

“Nhiều năm nay, chính quyền địa phương và nhân dân đã dùng cây, cột chống khắp trong và ngoài đình để tránh đổ sập. Các hoạt động trong làng trước đây thường được tổ chức ở đình nhưng nay vì an toàn cho nhân dân nên chúng tôi đã yêu cầu không được tổ chức trong đình nữa, người dân rất hoang mang vì không biết có giữ được ngôi đình cổ nhất nhì thành phố này không”, ông Bến cho biết.

Ông Nguyễn Mạnh Đằng - trưởng thôn Kiều Thượng (xã Quốc Tuấn, huyện An Dương) - cho biết: "Chúng tôi đã nhiều lần báo cáo các cấp, các ngành về sự xuống cấp của đình Nhu Thượng nhưng đến nay công trình vẫn chưa được quan tâm, sửa chữa. Nhân dân thôn Kiều Thượng chủ yếu sống bằng nghề nông, kinh phí hạn chế. Bên cạnh đó, đình Nhu Thượng là di tích lịch sử văn hóa được Bộ VHTT&DL công nhận, chúng tôi không có quyền làm thay đổi kết cấu của đình. Rất mong các cấp, các ngành quan tâm, bảo tồn di tích, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc".

Đình Nhu Thượng là công trình có giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật. Để bảo tồn, giữ gìn những giá tri đó, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành TƯ và địa phương.

Dưới đây là một số hình ảnh xuống cấp của đình Nhu Thượng:











Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn