MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hải Triều “Bão Ngầm” được yêu thích vì phim Việt hiếm đàn ông nam tính?

Lan Anh LDO | 09/06/2022 11:32

Màn ảnh Việt vốn gây tranh cãi vì thiếu bóng dáng những nhân vật nam có sự mạnh mẽ, nam tính, gai góc.

Hình ảnh đàn ông vũ phu, nhu nhược liên tục gây bão

Khi dòng phim gia đình lên ngôi, nhiều câu chuyện về hôn nhân với nhiều góc tối được đưa lên màn ảnh. Giữ vị trí trung tâm trong các mối quan hệ vợ chồng không hạnh phúc thường là những người đàn ông gia trưởng, cục cằn, bội bạc.

Nhiều dự án thuộc dòng phim gia đình đã gây bão màn ảnh khi đề cập đến góc khuất hôn nhân, từ “Sống chung với mẹ chồng”, “Về nhà đi con”, “Hoa hồng trên ngực trái”... Và gần nhất là 2 phần phim, “Thương ngày nắng về”.

“Sống chung với mẹ chồng” (đạo diễn Vũ Trường Khoa) được ví là “bom tấn” truyền hình, đánh dấu bước ngoặt lớn khi dòng phim gia đình bứt phá và gây bão dư luận. Phim có rating kỷ lục vào thời điểm phát sóng năm 2017, được đông đảo khán giả đón xem và bàn luận.

 “Sống chung với mẹ chồng” xoay xung quanh mâu thuẫn đỉnh điểm giữa mẹ chồng là bà Phương (NSND Lan Hương) và con dâu Minh Vân (Bảo Thanh). Mấu chốt trong mâu thuẫn này thuộc về nhân vật nam trung tâm là Thanh (Anh Dũng). Thanh được tái hiện là người đàn ông nhu nhược, mẹ bảo gì nghe nấy, không bảo vệ được vợ... và cuối cùng dẫn đến hôn nhân đổ vỡ.

Nhân vật Thanh (Anh Dũng) đã khơi mào cho loạt hình ảnh đàn ông nhu nhược, “vật vã” vì hôn nhân của dòng phim gia đình. Ảnh: ĐPCC

Sau thành công vang dội của “Sống chung với mẹ chồng”, dòng phim gia đình bùng nổ trên màn ảnh nhỏ. Ở dự án nào, nhân vật đàn ông giữ vai trò trung tâm của câu chuyện cũng mang tính cách phản diện, hoặc nhu nhược.

Trong đó, Thái – nam chính của “Hoa hồng trên ngực trái” là kẻ gia trưởng, ngoại tình, đánh đập, coi thường vợ. Vai nam thứ chính trong phim của diễn viên Hồng Quang cũng được xây dựng là kẻ hèn nhát, nhu nhược, nhắm mắt làm ngơ trước những mâu thuẫn của mẹ và vợ.

Vũ – nam chính của “Về nhà đi con” có tính cách trăng hoa, thiếu chín chắn, không quyết đoán. Trong phim còn có nhân vật Khải (chồng cũ của Huệ) được xây dựng là kẻ ham chơi, lười làm, tính tình cục súc. Khải đáng ghét tới mức, diễn viên Trọng Hùng đóng vai này bị ném đá dữ dội, anh còn bị khán giả nhắn tin hăm dọa, dọa đánh nếu gặp ngoài đời.

Gần nhất, với sự “thừa thắng xông lên” của dòng phim gia đình, hai phần phim “Thương ngày nắng về” nối nhau lên sóng. Nhân vật Đức được đánh giá là vai nam đáng chú ý nhất nhờ diễn xuất sinh động của Hồng Đăng. Tuy nhiên, Đức vẫn thuộc mô típ ham chơi, trẻ con, nhu nhược – người góp phần đẩy Vân Khánh (Lan Phương) vào chồng chất bi kịch.

Khải của “Về nhà đi con” từng bị khán giả dọa đánh. Ảnh: ĐPCC

Khi dòng phim gia đình, tâm lý xã hội lên ngôi, hình ảnh những người đàn ông bước ra từ màn ảnh được xây dựng gắn với chất liệu đời sống. Yếu tố chân thật, “dễ bắt gặp, dễ thấy” được đề cao.

Mặt trái của việc này lại khiến màn ảnh thiếu đi những vai nam chính được hình tượng hóa với tố chất mạnh mẽ, gai góc, nam tính. Hình tượng những nam chính được “anh hùng hóa”, “thần tượng hóa” có sức truyền cảm hứng trở nên thiếu vắng.

Thiếu hình tượng nam chính có sức truyền cảm hứng

Khi “Hạ cánh nơi anh” của Hàn Quốc lên sóng đã tạo ra cơn bão khắp màn ảnh Châu Á, trong đó hình tượng Hyun Bin trong vai đại úy Bắc Hàn Ri Jung Hyuk được chia sẻ, phủ ngập mạng xã hội. Nhân vật của Hyun Bin với sự lạnh lùng, nam tính, vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng, vừa bắn súng đánh võ giỏi vừa chơi piano điêu luyện... đã làm tan chảy hàng triệu trái tim khán giả nữ.

Người Hàn luôn có thế mạnh trong việc xây dựng hình tượng những nam chính làm “đổ gục” khán giả. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng để thấy, với màn ảnh nhỏ - những vai nam chính được hình tượng hóa cũng có sức gây bão mạnh mẽ, theo một cách riêng, đầy tích cực.

Hải Triều của “Bão Ngầm” đã xuất hiện giữa bối cảnh màn ảnh nhỏ đang thiếu những nam chính có cá tính mạnh mẽ, gai góc và nam tính. Tuy nhân vật vẫn đầy thiếu sót, dễ dàng ngã vào vòng tay Yến, nhưng những cảnh hành động, trình diễn võ thuật, với sự mạnh mẽ, can trường của một trinh sát hình sự, Hải Triều vẫn được đông đảo khán giả đón nhận.

Hải Triều và lực lượng trinh sát trong phim hình sự “Bão Ngầm” đã mang đến làn gió mới mẻ hơn khi phim gia đình, tâm lý xã hội đang lên ngôi. Ảnh: ĐPCC

Dòng phim hình sự phá án cũng đang trở nên “lép vế” thấy rõ trên sóng truyền hình với nhiều lý do. Phim hình sự vốn vẫn được xếp vào dòng phim khó sản xuất, thiếu kịch bản, đầu tư lớn, chưa kể, việc kể chuyện những chuyên án phải hấp dẫn, thuyết phục.

Bởi vậy, dù vướng nhiều tranh cãi, thậm chí bị chê, nhưng “Bão Ngầm” đã có được sức hút mạnh mẽ với số đông khán giả. Và hình tượng trinh sát Hải Triều mạnh mẽ, gai góc đã mang đến làn gió mới mẻ cho khán giả giữa “hằng hà sa số” những anh chồng đang vật vã trong hôn nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn