MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BTS trở thành niềm tự hào của âm nhạc Hàn Quốc ở khắp thế giới. Ảnh: Xinhua

Hàn Quốc tạo ra "nhóm nhạc siêu lợi nhuận" BTS như thế nào?

Mi Lan LDO | 11/04/2022 07:02
Sau khi trắng tay lần hai tại Grammy, BTS mới đây nhận 7 đề cử tại Giải thưởng âm nhạc Billboard 2022. Đây là số lượng đề cử cao nhất cho một nhóm nhạc/cặp song ca tại lễ trao giải.

Với “Butter” và “Permission to Dance”, nhóm BTS tiếp tục được đề cử hai hạng mục Bài hát bán chạy nhất và Nghệ sĩ có ca khúc bán chạy nhất. Một năm trước, nhóm được đề cử 4 hạng mục và thắng cả 4 giải.  

Nói như một chuyên gia văn hóa, “một nhóm nhạc Kpop có thể nộp thuế ngang bằng một hãng xe hơi, với riêng BTS lại là một đẳng cấp khác, đó là nhóm nhạc siêu lợi nhuận”. Rõ ràng, BTS đang mang đến danh tiếng, tiền bạc cho Hàn Quốc, mà không một nhóm nhạc ở bất kỳ quốc gia nào làm được ở thời điểm hiện tại. 

BTS đang được gọi với đủ danh xưng, với đủ mỹ từ như “nhóm nhạc bảo vật”, “nhóm nhạc toàn cầu”. Câu hỏi đặt ra, nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc đã tạo ra BTS như thế nào?

 Ngành công nghiệp giải trí hà khắc

Theo Vox, Kpop ra đời năm 1992 sau khi bộ ba Seo Taiji and Boys biểu diễn trên sóng truyền hình Hàn Quốc. Đây là những nhóm nhạc đổi mới, phá vỡ quy chuẩn thông thường của thị trường âm nhạc. 

BTS được tạo ra với công thức khác biệt so với những nhóm thần tượng khác. Ảnh: Xinhua

Những năm 1990, các studio âm nhạc quyền lực bắt đầu phát triển “nhóm nhạc thần tượng”. Từ đó, các lò đào tạo thần tượng ra đời, tạo ra các buổi thử giọng khắc nghiệt với quy chuẩn khắt khe về ngoại hình, vũ đạo, giọng hát.

Cuối cùng, các nhóm nhạc thần tượng được trau chuốt đến mức hoàn hảo. Họ chính là những người tạo ra tiêu chuẩn cao nhất về sắc đẹp, vũ đạo và âm nhạc tại Hàn Quốc. 

Sau nhiều năm, Kpop gần như “lập đỉnh” với những tên tuổi nổi đình đám như Big Bang, SNSD, 2NE1, Wonder Girls… Họ được xem là những ngôi sao có tiềm năng vươn tầm quốc tế, đưa làn sóng Hallyu nổi tiếng toàn cầu. 

Tuy nhiên, việc “sản xuất” ra những thần tượng âm nhạc theo quy chuẩn hoàn hảo, chuẩn mực với công thức hà khắc có sẵn đã khiến Kpop lộ ra nhiều bóng tối. Theo Vox, đằng sau ánh sáng hào nhoáng của Kpop là những lò luyện ca sĩ như những cỗ máy biết nhảy, biết hát, đầy lao lực, bị cấm đoán ăn uống, hẹn hò đến hà khắc, trong đó có cả chuyện bị lạm dụng.

Trong thập kỷ qua, chính phủ Hàn Quốc yêu cầu chấm dứt khai thác quá mức sức lao động của thần tượng. Những vụ ồn ào chủ yếu xảy ra ở ba tập đoàn là YG, JYP và SM Entertainment - ba thế lực tạo dựng ra nhiều nhóm nhạc nổi tiếng toàn cầu. 

“Những bê bối khiến các công ty hạn chế sản xuất thần tượng, điều đó dần dẫn đến sự thụt lùi của Kpop sau Gen2” - Vox bình luận. 

BTS ra đời sau sự xuống dốc của Gen2

Trong bối cảnh đó, người đàn ông tên Bang Si Hyuk âm thầm xây dựng studio khác mang tên Big Hit (hiện tại là HYPE Entertainment). Ông từng làm việc cho JYP, vì thế nắm được quy trình đào tạo thần tượng, đồng thời có định hướng mới để làm nên thành công cho BTS như hôm nay.

BTS vừa có màn trình diễn không thể xuất sắc hơn ở lễ trao giải âm nhạc Grammy. Ảnh: AFP

Năm 2010, Bang Si Hyuk tập trung nhóm thanh thiếu niên với tên gọi “Hướng đạo sinh chống đạn” - nghĩa là nhóm những chàng trai chống lại được bất công xã hội, áp lực thế giới. 

Cái tên cùng định hướng ban đầu của ông cho nhóm BTS là rèn giũa ca sĩ thần tượng giúp họ có khả năng chịu áp lực cao. Ông đồng thời muốn ban nhạc phải chân thành và liêm chính.

Bang Si Hyuk không đào tạo ra những thần tượng thuần khiết, những “ma nơ canh” làm việc theo guồng hay những cỗ máy biết nhảy. Cái Si Hyuk cần là những chàng trai chia sẻ tính cách, tinh thần yêu cuộc sống và tài năng đích thực của họ đến thế giới.

Trong cuộc phỏng vấn của Joong Ang Daily, Bang Si Hyuk nói ông phá vỡ nguyên tắc đào tạo thần tượng thông thường. BTS không có hợp đồng nghiêm ngặt hoặc lệnh giới nghiêm. Ông muốn tạo cho nhóm sự cởi mở và giúp họ vừa thành công trong âm nhạc, vừa xuất hiện tự nhiên nhất có thể.

Năm 2013, BTS ra mắt. Thời gian đầu, nhóm đi theo hình tượng trẻ trung, cá tính giống với đa phần thần tượng Kpop. Nhưng dần dần, 7 chàng trai lột xác thành hình tượng gangster kiểu cũ với đĩa đơn đầu tiên là “No More Dream”.

BTS vươn ra toàn cầu, càn quét giải thưởng ở khắp các giải âm nhạc. Ảnh: AllKpop

Ngay từ đầu ra mắt, nhóm không tập trung vào chủ đề tình cảm. Việc bám vào kim chỉ nam phản ánh áp lực cuộc sống của thanh thiếu niên hiện đại ở Hàn Quốc, cùng với phong cách đậm chất riêng giúp BTS trở thành nhóm nhạc toàn cầu như hiện nay. 

“Chúng tôi có chung niềm đam mê là viết, nhảy và sản xuất âm nhạc. Sản phẩm của chúng tôi phản ánh sự chấp nhận, mặt dễ tổn thương của tuổi trẻ và thành công. Điều đó theo chúng tôi đến ngày nay và những năm sau nữa”, RM, trưởng nhóm BTS trả lời phỏng vấn Time.

Thêm một lý do để BTS có được thành công vượt xa mong đợi là họ tập hợp được những thành viên thực sự tài năng, có khả năng truyền cảm hứng, và hừng hực sức trẻ. 7 chàng trai trẻ của BTS luôn đầy năng lượng, có chất riêng, biết sáng tác, biết hát, biết nhảy... Họ đã cùng nhau thực hiện giấc mơ âm nhạc, dù với 7 cá tính, 7 màu sắc, 7 thế mạnh khác nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn