MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hàng loạt địa danh biến mất ở TPHCM: Bị phá vì chưa phải là di tích?

Đình Trường LDO | 17/02/2020 19:19

Chỉ khi được công nhận là di tích lịch sử và được xếp hạng, các địa danh mới có cơ chế để bảo vệ. Trong khi đó, hàng loạt địa danh nổi tiếng, có tuổi đời hàng trăm năm của TPHCM đã biến mất trước khi kịp "viết đơn xin công nhận di tích". 

Chiều 17.2, trao đổi với PV Báo Lao Động về công tác bảo tồn các địa danh lâu đời, ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao TPHCM cho biết: "Cần phải xem lại địa danh đó là di tích hay di sản văn hoá. Đồng thời, xem nó có thuộc thẩm quyền Sở Văn hoá quản lý hay không. Bởi có một số địa danh thuộc về kiến trúc của thành phố thì nó không thuộc thẩm quyền của Sở". 

Trong khi đó, trao đổi nhanh qua điện thoại, ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho biết, quan điểm của đơn vị này là "khi đã được công nhận là di tích, di sản thì không thể đánh mất". 

Liên quan đến vấn đề này, TS. KTS Hoàng Đạo Cương - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết, với một địa danh lịch sử quan trọng, đảm bảo các tiêu chí thì nó có thể được công nhận là di tích lịch sử văn hoá hoặc di tích kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng. 

Nhà đèn Chợ Quán, địa danh được coi là một biểu tượng của kỹ nghệ nhiệt điện Pháp, công trình tân tiến của nền công nghiệp phương Tây ở xứ sở Đông Dương nay đã không còn. (Ảnh tư liệu)

Theo tìm hiểu của PV, khi chưa kịp có những sự công nhận kể trên, hàng loạt các địa danh nổi tiếng, có tuổi đời cả trăm năm đã "mất tích" ở TPHCM như: Thương xá Tax, nhà đèn Chợ Quán, cầu ba cẳng ở quận 6, công viên Chi Lăng... Và khi chưa được công nhận thì không có cơ chế hay quy định để bảo vệ những địa danh này trước sự xâm hại hay phá huỷ. 

Trước đó, trong cuộc trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Nguyễn Minh Hoà - thành viên Hội đồng kiến trúc - quy hoạch TPHCM nói: "Luật di sản của mình hiện nay chưa hoàn thiện. Bởi có những công trình đẹp kiệt tác nhưng lại không được công nhận do vướng phải chuyện chủ sở hữu phải làm đơn, nên không ai người ta làm". 

Theo ông Hoà, việc công nhận này nên là sự chủ động từ phía cơ quan chức năng để bảo vệ những địa danh lịch sử.

Thương xá Tax - công trình từng gắn bó hơn 130 năm thăng trầm với TPHCM nay đã bị phá bỏ.

Trái ngược lại, khi bày tỏ quan điểm về vấn đề này, KTS Hoàng Đạo Cương - Viện trưởng Viện bảo tồn di tích nói: "Việc làm đơn chỉ là một thủ tục hành chính thôi. Tất cả những di tích được xếp hạng đều được đánh giá, thẩm định bởi các cơ quan chuyên môn chứ không chỉ mỗi cái đơn là xong".

Trước đó, như Báo Lao Động đã phản ánh, trong quá trình xây dựng và phát triển TPHCM, nhiều địa danh lịch sử đã biến mất không còn dấu vết. TS Nguyễn Minh Hoà - thành viên Hội đồng quy hoạch kiến trúc đã tổng kết một bản danh sách gồm 18 địa danh nổi tiếng đã bị "mất trắng".

"Điều đáng tiếc ở chỗ, không phải hậu quả chiến tranh hay xung đột, một loạt các di sản lịch sử - kiến trúc bị biến mất lại diễn ra vào thời kỳ đô thị hoá nhanh từ sau năm 1990" - TS Hoà cho biết. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn