MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng ngàn người dân dự lễ rước Nghinh ông hay còn gọi là lễ rước ông Châu Xương ở núi Sam (phường Núi Sam, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang). Ảnh: HN

Hàng ngàn người dự lễ rước Nghinh ông, cúng tống tà ma độc đáo ngày Rằm

HUYÊN NGUYỄN LDO | 09/02/2020 08:12
Ngày Rằm tháng Giêng, hàng ngàn du khách, người địa phương đã có mặt tại chân núi Sam dự lễ rước Nghinh ông và cúng tống độc đáo.

Lễ rước Nghinh ông hay còn gọi là lễ rước ông Châu Xương ở núi Sam (phường Núi Sam, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang) luôn thu hút rất đông du khách vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm bởi bề dày lịch sử và những nét độc đáo của lễ hội này.

Châu Xương là nhân vật xuất hiện trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của nhà văn La Quán Trung, được miêu tả là người có hình dáng uy dũng, “mặt đen râu xồm”, đại diện cho tính cách khí khái, trượng nghĩa. Ông là cận tướng trung thành của Quan Công.

Ngưới dân vây kín đoàn xe rước.

Theo tục lệ, một người dân uy tín tại địa phương sẽ được chọn để hóa thân thành nhân vật Châu Xương, cùng hai người khác hoá thân thành Quan Công và Quan Bình thực hiện nghi lễ từ lúc 12 giờ trưa.

Sau đó, đoàn xe rước 3 vị và tùy tùng gồm đội trống kèn, quân lính hộ tống Quan Công, Quan Bình và ông Châu Xương đi vòng quanh núi Sam để ban phước cho người dân.

Trên đường đi, Quan Công, Quan Bình, ông Châu Xương ngồi trên kiệu để sờ đầu trẻ nhỏ, người lớn nhằm xua đuổi bệnh tật, cho sức khỏe và trí tuệ. 

Đoàn xe rước 3 vị Quan Công, Quan Bình và ông Châu Xương đi vòng quanh núi Sam để ban phước cho người dân.

Ngoài ra, một nghi lễ khác là “ban nước thiêng” cũng được thực hiện. Người tham gia lễ hội sẽ chuẩn bị sẵn những chai nước để Quan Công, Quan Bình, ông Châu Xương sờ vào xem như ban phép màu nhiệm.

Trong quá trình đi vòng quanh núi Sam, ông Châu Xương và đoàn tùy tùng sẽ làm nghi thức “dẹp ma quỷ”. Sau một loạt nghi thức và rước vòng quanh các con đường, ngõ xóm, đoàn rước chỉ kết thúc vào giữa đêm.

Trên đường về, ông Châu Xương sẽ ghé qua miếu Bà Chúa Xứ núi Sam để làm lễ. Hoạt động “dẹp ma quỷ” trong lễ rước Nghinh ông phản ánh mong ước của người xưa trong quá trình chinh phục vùng đất quanh núi Sam.

Ngoài tục rước Nghinh ông, người dân quanh núi Sam còn tổ chức cúng tống vào ngày Rằm tháng Giêng.

 Lễ cúng tống được các gia đình thực hiện vào ngày Rằm tháng Giêng.

Trước cửa mỗi nhà người dân đều có đặt bàn hương án và chất rơm, lá khô, bìa các-tông thành đống để đốt lên sáng rực. Các gia chủ vừa cúng lạy vừa rắc muối, gạo, rượu vào lửa.

Rơm được chuyển bị thành đống, rắc thêm gạo, muối.

Người dân nơi đây tin rằng lễ cúng tống sẽ tống tiễn, xua đuổi những tà khí, những điều xui rủi, tiễn biệt các cô hồn lang thang và dịch bệnh gây ra cho con người, rước cái may mắn vào nhà.

 Người dân thực hiện nghi thức nhảy qua lửa để xả xui, đốt đi những điều xui xẻo.

Lễ rước Nghinh ông ở núi Sam, tục cúng tống với các hoạt động vừa mang tính tín ngưỡng, vừa mang nét đẹp văn hóa địa phương hằng năm đều thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Lễ cúng tống được người dân tin rằng tống tiễn, xua đuổi những tà khí, những điều xui rủi, tiễn biệt các cô hồn lang thang và dịch bệnh gây ra cho con người, rước cái may mắn vào nhà.

Tuy lễ cúng tống là một tục lệ độc đáo của người dân nhưng cần chú ý tới an toàn cháy nổ và bảo vệ môi trường. Điều này cũng đã được chính quyền địa phương và lực lượng công an nhắc nhở các hộ gia đình trong suốt thời gian diễn ra lễ cúng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn