MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NSND Trần Nhượng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hạnh phúc vỡ òa vẫn còn đó...

SONG MAI LDO | 03/05/2020 07:32

45 năm đã trôi qua, kể từ ngày đất nước thống nhất, những ký ức của thời khắc lịch sử vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí  nhiều nghệ sĩ Việt. Họ chia sẻ cảm xúc cùng phóng viên báo Lao Động.

NSND Trần Nhượng: Hạnh phúc vỡ òa sau quá trình gian khổ của dân tộc

45 năm qua đi, nhưng mỗi khi nhắc lại Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, NSND Trần Nhượng vẫn không giấu được cảm xúc khó tả bởi không khí giải phóng miền Nam năm ấy dồn dập, háo hức và cả cảm giác không thể tin được. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta quá dài, gian khổ, vất vả,  nên 30.4.1975 là một ngày hạnh phúc vỡ òa.

“Tôi đang công tác ở đoàn ca múa kịch Hải Dương, phải chuẩn bị chương trình biểu diễn để chào đón ngày giải phóng miền Nam. Cảm xúc trào dâng, xúc động và khi nhận được tin chiến thắng, tất cả nghệ sĩ trong đoàn đã ôm nhau khóc trong hạnh phúc. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn rưng rưng”, ông chia sẻ. 

Cho đến hiện tại, khi xem TV thấy các chương trình tư liệu, nghe những ca khúc như “Tiến về Sài Gòn”, những ca khúc về Trường Sơn, về ngày giải phóng miền Nam, NSND Trần Nhượng lại cảm thấy rạo rực, như được quay trở về ngày lịch sử năm 1975.

Nhạc sĩ - nhà văn Phạm Việt Long: Nhớ da diết những đồng đội
 
 Thời điểm trước 30.4.1975, nhà văn Phạm Việt Long hoạt động tại chiến trường Trung bộ, được chứng kiến nhiều thắng lợi của quân Giải phóng trên chiến trường dẫn đến toàn thắng 30.4.1975. Đặc biệt, Phạm Việt Long trực tiếp đi viết tin về các sự kiện giải phóng Tiên Phước, Tam Kỳ (Quảng Nam) và Đà Nẵng nên có những trải nghiệm, hồi ức không thể quên. Rất ngẫu nhiên và như là “có hẹn”, ngày nhạc sĩ - nhà văn Phạm Việt Long cất bước đi vào chiến trường, sau 7 năm cũng đúng là ngày toàn thắng của dân tộc.

“Sáng 1.5.1975, Khu và Thành phố Đà Nẵng tổ chức mít tinh mừng chiến thắng tại sân vận động Chi Lăng, có diễu binh và diễu hành quần chúng. Đứng trên khán đài nhìn xuống những đội quân hùng dũng diễu qua, tôi chợt nhớ da diết những người đồng chí đã hy sinh. Rồi nước mắt cứ trào ra, nhoè hết mọi hình ảnh hiện tại, đưa tôi về quá khứ...”. Việt Long chia sẻ. Chính vì được trực tiếp chứng kiến những giờ phút vinh quang đó của dân tộc, ông đã viết được một số bài báo kịp thời tuyên truyền, cổ vũ tinh thần quân dân ta, như “Tiên Phước những ngày sôi động”, “Phường Nam Phước giành chính quyền  về tay nhân dân”, “Một ngày chủ nhật ở Đà Nẵng”…

Nhà văn Văn Lê: “Niềm vui còn đó nhưng nỗi buồn... chưa nguôi”
 
 Đối với nhà văn Văn Lê, gần nửa thế kỷ sau thời khắc chứng kiến thời điểm lịch sử, đất nước non xanh liền một dải, ông vẫn nhớ như in niềm hạnh phúc hiện rõ trên từng khuôn mặt của người dân khi hay tin chiến thắng.

“Những người lính liên tiếp xả từng đợt súng trời như một cách giã từ cuộc chiến quá khốc liệt, quá nhiều mất mát để rồi sau đó, từng người lặng lẽ tìm một góc khuất để khóc trong niềm vui chiến thắng. Họ khóc thương cho cả những đồng đội đã mãi mãi không còn trở về. Tất cả điều đó vẫn mãi nằm trong ký ức của tôi, lúc ấy là cậu thanh niên ở tuổi 26”, nhà văn Văn Lê bùi ngùi nhớ lại. Và trong hồi ức của nhà văn Văn Lê có những nỗi đau vẫn chưa thể nào nguôi, những điều còn canh cánh trong lòng, khi cho đến giờ vẫn có khoảng 800 nghìn liệt sĩ - những chiến sĩ anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc chưa tìm thấy được hài cốt, còn đang lưu lạc ở đâu đó. 

Kỷ niệm 30.4 - 1.5 hằng năm, nhà văn Văn Lê cùng nhiều đồng đội cũ vẫn cố gắng gặp nhau để ôn lại kỷ niệm xưa. Trải qua nhiều cảm xúc theo năm tháng, Văn Lê đã sáng tác rất nhiều bài thơ như đánh dấu về từng dấu mốc kỷ niệm như “Trên tuyến lòng quân phía Tây” hay “Hướng chúng tôi vào trận đánh cuối cùng”.

Bài thơ “Làm lại giấy tờ ở UBND” (1976) lại là tác phẩm ông thích nhất bởi vần thơ đơn giản nhưng mang ý nghĩa vô cùng rõ nét về Ngày Giải phóng miền Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn