MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng tập thể cán bộ, biên tập viên, phóng viên báo Văn Nghệ nhân kỷ niệm 75 năm ngày ra số báo đầu tiên. Ảnh: Báo Văn Nghệ

Hành trình 75 năm đầy dấu ấn và cảm xúc của báo Văn nghệ

Mi Lan LDO | 26/10/2023 16:07

Sáng 26.10, báo Văn nghệ đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 75 năm ra số báo đầu tiên kể từ năm 1948. Suốt hành trình 75 năm, báo Văn nghệ luôn đi tiên phong, nêu cao tinh thần yêu nước trong sáng tác và sáng tạo.

Lễ kỷ niệm 75 ngày báo Văn nghệ ra số đầu tiên diễn ra ấm cúng với sự tham gia của đông đảo thế hệ các nhà văn, nhà thơ, biên tập viên, phóng viên... các thời kỳ.

75 năm đánh dấu chặng đường dài với nhiều thay đổi, biến cố, với những thăng trầm, nhưng cũng đầy dấu ấn và cảm xúc của các thế hệ đã từng góp sức, chung tay làm nên sự phát triển của báo Văn nghệ.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng biên tập báo Văn nghệ - nhà văn Khuất Quang Thụy - ôn lại hành trình từ những ngày đầu thành lập báo giữa bối cảnh đất nước còn trong giai đoạn chiến tranh cam go.

Theo đó, tháng 2.1943, từ bản Đề cương Văn hoá do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được Ban Chấp hành Trung ương thông qua, văn hóa - văn nghệ trở thành vũ khí, trở thành mặt trận tư tưởng trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm. Trên mặt trận ấy, mỗi nhà báo, mỗi nhà văn, nhà thơ là một chiến sĩ.

Với bản Đề cương Văn hoá làm ngọn đuốc soi đường, tháng 3.1948, Hội Nghị Văn nghệ kháng chiến được triệu tập tại chiến khu Phú Thọ với quyết định thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Để tạo diễn đàn cho Văn nghệ kháng chiến, tờ Tạp chí Văn nghệ đã được ra đời với một Ban biên tập gồm nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng từ khắp nơi trong cả nước hội tụ về do đồng chí Tố Hữu, một cán bộ văn hoá tư tưởng quan trọng được Trung ương Đảng chỉ định làm người lãnh đạo đầu tiên của tờ tạp chí Văn nghệ kháng chiến này.

Trên chặng đường xây dựng và phát triển, tờ tạp chí đã được chuyển hình thức xuất bản thành một tờ tuần báo, một thời gian dài do Hội Văn nghệ Việt Nam rồi Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam là cơ quan chủ quản.

Đến năm 1957, sau khi Hội Nhà văn Việt Nam ra đời, tờ báo được chuyển về trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng dù tồn tại dưới hình thức tạp chí hay tuần báo, dù thay đổi cơ quan chủ quản nhưng tôn chỉ mục đích cơ bản của tờ báo vẫn không hề thay đổi, vẫn là diễn đàn quan trọng hàng đầu của văn hoá, văn học cách mạng, luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng đất nước.

Báo Văn nghệ kỷ niệm 75 năm ngày ra số báo đầu tiên. Ảnh: Báo Văn nghệ

Trải qua hành trình 75 năm đầy cảm xúc, tờ báo Văn nghệ đã hội tụ những tên tuổi sáng tác hàng đầu của văn chương Việt Nam, cho ra đời những tác phẩm lớn, bám sát tình hình đất nước, những chuyển biến trong đời sống nhân dân qua từng thời kỳ.

75 năm là hành trình đầy tự hào của các thế hệ nhà văn, nhà thơ, nhà báo đã gắn bó với báo Văn nghệ (trước đó là tạp chí Văn nghệ).

Chia sẻ tại buổi lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nói: “Báo Văn nghệ đã đi một hành trình dài, kể từ khi cách mạng còn non trẻ, khi văn hóa văn nghệ là vũ khí trong công cuộc giải phóng dân tộc. Thế hệ chúng tôi lớn lên với rất nhiều tác phẩm hay đã in trên Văn Nghệ, ví dụ như Cái đêm hôm ấy đêm gì...”. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, cùng với sự biến đổi của thời cuộc, báo Văn nghệ đang bước vào thời kỳ số, thời kỳ công nghệ hiện đại, cũng sẽ phải có những biến đổi lớn, đối diện với thách thức lớn.

“Đổi mới nhưng vẫn phải cho độc giả thấy được sự huy hoàng mà báo Văn nghệ đã có. Chúng ta số hóa nhưng sẽ vẫn dành để tôn vinh những giá trị lịch sử nằm trên những số báo Văn nghệ trước đây, ghi dấu ấn một thời kỳ lịch sử của cả đất nước” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.

Cũng tại lễ kỷ niệm 75 năm ngày báo Văn nghệ ra số đầu tiên, Ban biên tập báo đã cho ra mắt giao diện báo Văn nghệ điện tử và Văn nghệ trẻ điện tử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn