MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các thanh đồng tham gia trình diễn trang phục hầu đồng trong khuôn khổ hội thảo tại Huế. Ảnh: Ban tổ chức

Hầu đồng và chuyện cởi trói cho “trình diễn di sản”

Hào Hoa LDO | 21/08/2023 08:08

Ý kiến của Cục Di sản văn hóa về vụ việc tổ chức biểu diễn hầu đồng và trình diễn khăn áo giá đồng ở hội thảo khoa học do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức đã nhận những phản ứng, thậm chí cả sự bất bình đến từ nhiều nhà nghiên cứu khoa học, các GS.TS chuyên ngành văn hóa dân gian.

Cần có sự linh hoạt trong quản lý di sản

Cục Di sản văn hóa cho rằng, việc đưa trang phục, khăn áo hầu đồng (áo thánh) lên sân khấu sẽ làm mất đi tính thiêng của di sản văn hóa tín ngưỡng. Bên cạnh đó, việc tổ chức biểu diễn hầu đồng (do các thanh đồng thực hiện) cũng bị cho là “đưa di sản ra khỏi không gian thực hành di sản”.

Lý lẽ này của Cục Di sản văn hóa nhận phản ứng gay gắt từ nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành đã có nhiều năm nghiên cứu về di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Trả lời phóng viên Lao Động, GS.TS Bùi Quang Thanh - Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Văn học Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - cho rằng: “Quản lý về văn hóa nên nhìn vào sự chuyển động không ngừng của thời cuộc, không nên quản lý văn hóa ở dạng tĩnh. Nếu cứ áp dụng điều luật, công ước một cách máy móc sẽ khiến di sản bị khô cứng hóa”.

GS.TS Bùi Quang Thanh nằm trong danh sách những người đã theo suốt chặng hành trình nghiên cứu, lập hồ sơ di sản về Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trình UNESCO.

Theo ông, cùng với thời gian, trên tiến trình bảo tồn và phát triển, di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam đã có những biến đổi một cách sâu rộng.

“Với việc trình diễn di sản, không nên quá cứng nhắc. Thời cuộc đã có quá nhiều biến đổi, các nhà quản lý văn hóa cấp Nhà nước cũng cần có tư duy, tầm nhìn rộng mở, để di sản đến được với công chúng, bởi ngoài “giữ gìn”, chúng ta còn cần “bảo tồn” di sản. Di sản thuộc về cộng đồng, cộng đồng phải hiểu, phải yêu mới cùng nhau chung tay bảo tồn di sản từ đời này, sang đời khác” - GS.TS Bùi Quang Thanh nói.

Các nhà nghiên cứu khoa học ủng hộ những hoạt động, chương trình “trình diễn di sản”, “diễn giải di sản” được diễn ra với sự “cởi trói” hơn.

“Cục Di sản văn hóa đang viện dẫn luật một cách cực đoan” - GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nói.

Việc đưa chủ thể thực hành di sản là các thanh đồng lên thị phạm, “diễn giải di sản” trong quy mô cuộc hội thảo khoa học nhận được sự đồng tình của nhiều GS.TS và các nhà khoa học.

PGS.TS Trần Thị An - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội - cho rằng: “Các nghệ nhân thanh đồng là người am hiểu nhất về thực hành di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, chính họ sẽ biết được giới hạn của hoạt động diễn xướng để không hư cấu làm sai lệch di sản. Do đó, để các nghệ nhân thanh đồng diễn giải về di sản thờ Mẫu Tam phủ là phù hợp nhất”.

Quản lý di sản cứng nhắc cũng gây ảnh hưởng đến di sản

Tại các diễn đàn, hội thảo về Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước cũng vẫn có sự tham gia của các thanh đồng, nghệ nhân đến thị phạm, diễn giải về di sản.

Gần nhất, tháng 12.2022, tại diễn đàn “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nhân kỷ niệm 6 năm được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ở Hà Nội cũng có sự tham gia trình diễn của các thanh đồng, nghệ nhân.

Theo giới chuyên gia, nhu cầu “trình diễn di sản” là nhu cầu có thật và sẽ ngày càng cao. Cuộc sống, sự vận động của thời đại, sự biến đổi của tư tưởng cộng đồng về di sản diễn ra không ngừng nghỉ như một dòng chảy lớn, bởi vậy, theo GS.TS Bùi Quang Thanh, các nhà quản lý di sản cần có tư duy, tầm nhìn rộng hơn, bao quát hơn, cập nhật hơn để bắt kịp thời cuộc, từ đó có cách quản lý phù hợp, không cứng nhắc, máy móc.

“Nếu cứ máy móc, cứng nhắc, chính các nhà quản lý sẽ khiến di sản bị xơ cứng và đi ngược lại tinh thần của UNESCO” - GS.TS Bùi Quang Thanh nói.

Chưa kể, Cục Di sản văn hóa chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về “trình diễn, diễn giải di sản” cho từng địa phương trước khi “tuýt còi” họ, và cách xử lý lại thiếu thống nhất trong những vụ việc có tính chất tương đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn