MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho

Lê Thanh Phong LDO | 18/02/2018 07:30
Tuấn Mạnh đàn bằng những ngón tay, bằng đôi mắt, bằng mái tóc, bằng bờ vai và cả thân thể. Mỗi lần trình diễn, anh là kẻ nhập đồng búng ra từng nốt nhạc hồn vía, thiết tha dâng hiến đến tận cùng cảm xúc như được chơi đàn lần cuối cùng.

Hãy tìm thì sẽ gặp

Tuấn Mạnh vào Nhạc viện TPHCM lúc 8 tuổi, học văn hoá lớp ba, học không được giỏi, ba mẹ, thầy cô đều không hài lòng. Nhiều lúc, Tuấn Mạnh suy nghĩ, tại sao phải ngồi vào đàn giống như mọi người, tại sao phải học để có điểm cao cho ba mẹ vui, cho thầy đừng trách mắng.

Tuấn Mạnh từng muốn bỏ học piano, nhưng ba không đồng ý. Lại phải ngồi vào đàn, gò vào cái khuôn đúc của nhạc viện. Có lúc, Tuấn Mạnh nghĩ, mình không muốn là một viên tiên đơn như mọi viên tiên đơn được luyện ra từ lò bát quái. Tuấn Mạnh phải là viên tiên đơn khác, nhưng không biết bắt đầu từ đâu.

Một ngày, Tuấn Mạnh xem một nghệ sĩ biểu diễn piano trên ti vi, bản Sonata cung đô trưởng của Joseph Haydn quen thuộc nhưng bỗng dưng khác lạ. Anh chàng trên màn hình cứ cuốn hút cậu, phong cách đàn không như Tuấn Mạnh từng thấy ở nhiều người trước đây, không rập khuôn cứng nhắc. Người nghệ sĩ đàn trong mơ mộng, mắt long lanh nhìn lên trần nhà, miệng cười nụ, rồi cười sảng khoái.

Tuấn Mạnh bị thôi miên, âm thanh như thấm sâu vào từng tế bào, từng nốt nhạc trong trẻo rơi vào tim mình. Tuấn Mạnh chợt rùng mình vì đã tìm được nguồn cảm hứng, đã nghe được âm thanh vọng ra từ trong chính tâm hồn mình. Người nghệ sĩ đó là Lang Lang (Trung Quốc), trong một chuyến biểu diễn tại Việt Nam năm 2004.

Năm 2008, Tuấn Mạnh có cơ hội tham gia chương trình Piano Recital tại Thụy Điển, và trong chuyến đi này, anh đã tìm được cảnh giới của âm thanh.

Trong một căn nhà gỗ ở khu rừng ngoại ô Stockholms, yên tĩnh và thinh lặng như một tu viện, chỉ có tiếng đàn piano, Tuấn Mạnh chuyên cần luyện tập, luyện kỹ thuật để chuẩn bị cho chương trình biểu diễn. Axelsson Diệp, một nữ giáo viên piano nói với Tuấn Mạnh: “Con ơi, con đàn quá nhiều. Sao con không lắng nghe từng nốt nhạc, như từng hạt mưa rơi, như từng tiếng thủy tinh vỡ và thổn thức với âm thanh đó”.

Và cô Axelsson Diệp kể cho Tuấn Mạnh nghe câu chuyện, có lần một nghệ sĩ piano nổi tiếng đến ở lại căn nhà gỗ này. Cô đã kín đáo xem nghệ sĩ lớn luyện đàn như thế nào và cô hình dung sẽ là những ngón nghề điêu luyện, kỹ thuật trác tuyệt. Nhưng không, người nghệ sĩ ấy thong thả ngồi xuống, gõ một nốt nhạc thôi, chỉ nốt đó thôi, gõ nhiều lần. Âm thanh vang lên, rung lên, ngân lên. Cứ như thế, gõ xuống, ngân lên, duy nhất âm thanh của một nốt nhạc.

Nghe Axelsson Diệp kể, Tuấn Mạnh ngộ ra, điều quan trọng là tìm cho được chất lượng của âm thanh, không phải là số lượng nốt nhạc. Cảnh giới cao nhất của âm nhạc không phải là kỹ thuật điêu luyện, mà sáng tạo âm thanh, âm thanh đó thoát ra từ trái tim người nghệ sĩ và phím đàn chỉ là phương tiện chuyển tải.

Tuấn Mạnh hình dung người nghệ sĩ ngồi bên cây đàn, chỉ gõ từng nốt nhạc và lắng nghe, rung cảm theo, một bí kíp anh chưa bao giờ được biết đến, được dạy, được học. Cơ duyên đã đến với Tuấn Mạnh trong một chuyến đi xa, ngơ ngác giữa khu rừng xanh Thụy Điển và lĩnh hội được một điều có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời nghệ sĩ của anh về sau. Tuấn Mạnh đã đi tìm âm thanh cho chính mình và đã tìm thấy.

Hãy gõ cửa thì sẽ mở cho

Mùa thu năm 2009, nhạc trưởng Yoshikazu Fukumura người Nhật Bản đến trình diễn tại Nhạc viện TPHCM. Tuấn Mạnh choáng ngợp trước một tên tuổi quá lớn, nhất là sau khi thưởng thức xong đêm nhạc do ông điều khiển. Ngay lúc đó, có một tiếng nói thôi thúc bên tai Tuấn Mạnh, “hãy đến gặp ông ấy đi”. “Không, không thể gặp được, ông ấy là nghệ sĩ lớn, làm sao có thể tiếp mình được”, Tuấn Mạnh tự trả lời như thế, nhưng tiếng nói bên tai cứ thúc giục.

Ở cánh gà sân khấu, Tuấn Mạnh bước đến bên tượng đài Fukumura: “Tôi là nghệ sĩ piano Tuấn Mạnh, ông có thể dành thời gian cho tôi được đánh đàn cho ông nghe không”. Và thật bất ngờ, nhạc trưởng Fukumura trả lời: “Trưa mai, cậu gặp tôi”. Tuấn Mạnh đi ra khỏi nhạc viện mà như đang bay, “mình đã gặp được Fukumura, sẽ đánh đàn cho ông ấy nghe”.

Đúng hẹn, trong một căn phòng của Nhạc viện TPHCM, nhạc trưởng Fukumura nói khi Tuấn Mạnh ngồi vào đàn: “Cậu cứ đánh bài nào cậu thích”. Bài thứ nhất, ông không có lời nhận xét, vẻ mặt không bày tỏ cảm xúc. Từng giây trôi qua trong im lặng. Bài thứ hai, ông cũng không bày tỏ cảm xúc. Rồi ông nói: “Có bài nào êm dịu hơn không?”. Tuấn Mạnh quyết định chơi thật thoải mái, bài mình thích, Nocturne cung đô thăng thứ của Chopin. Tiếng đàn dứt, Fukumura vỗ tay thật nhẹ, từng tiếng, rồi nhanh dần, lớn dần lên: “Tôi chọn cậu biểu diễn độc tấu piano cho Dàn nhạc Đông Nam Á”.

Đúng hẹn, trong một căn phòng của Nhạc viện TPHCM, nhạc trưởng Fukumura nói khi Tuấn Mạnh ngồi vào đàn: “Cậu cứ đánh bài nào cậu thích”. Bài thứ nhất, ông không có lời nhận xét, vẻ mặt không bày tỏ cảm xúc. Từng giây trôi qua trong im lặng. Bài thứ hai, ông cũng không bày tỏ cảm xúc. Rồi ông nói: “Có bài nào êm dịu hơn không?”. Tuấn Mạnh quyết định chơi thật thoải mái, bài mình thích, Nocturne cung đô thăng thứ của Chopin. Tiếng đàn dứt, Fukumura vỗ tay thật nhẹ, từng tiếng, rồi nhanh dần, lớn dần lên: “Tôi chọn cậu biểu diễn độc tấu piano cho Dàn nhạc Đông Nam Á”.

Và sau đó là những ngày luyện tập căng thẳng của Tuấn Mạnh, để chơi được piano trong Dàn nhạc Đông Nam Á gồm những nghệ sĩ tên tuổi đến từ nhiều nước là điều không dễ dàng. Nhà Tuấn Mạnh nghèo, không có tiền mua đàn, đi xe buýt, không có tiền may áo veston, phải mặc áo của ba. Nhưng niềm đam mê âm nhạc đã nuôi dưỡng Tuấn Mạnh.

Có những lúc khổ luyện, Tuấn Mạnh ôm đầu, bứt tóc cả nắm. Anh như bị cuồng với âm nhạc. Rồi để tránh thói quen bứt tóc, Tuấn Mạnh cạo trọc đầu, dành hết cảm xúc long lanh cho từng nốt nhạc mà anh đã tìm thấy trong rừng Thụy Điển. Và anh đã không phụ lòng tin của nhạc trưởng Fukumura. Năm 2010, Tuấn Mạnh là nghệ sĩ độc tấu piano cùng Dàn nhạc Đông Nam Á do chính nhạc trưởng Fukumura chỉ huy.

Một cánh cửa nữa đã mở ra, khi sau một buổi trình diễn của Tuấn Mạnh, Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đến gặp anh chúc mừng và ông nói: “Đây là danh thiếp của thầy. Tuần sau, con gọi thầy để sắp xếp gặp, tư vấn và giới thiệu con xin học bổng đi học ở Mỹ”.

GS Nguyễn Thuyết Phong giới thiệu với Tuấn Mạnh những nhạc viện ở Mỹ mà ông có quan hệ, ông đã chỉ cánh cửa, còn gõ và mở được hay không là việc của chàng trai trẻ. Tuấn Mạnh đã nộp đơn xin học bổng, vượt qua các vòng thi chuyên môn và tiếng Anh, được nhận học bổng toàn phần cho chương trình học thạc sĩ chuyên ngành biểu diễn piano tại Trường Illinois State University, USA năm 2013. Tuấn Mạnh đã trưởng thành rất nhiều sau hai năm học ở Mỹ.

Tuấn Mạnh đã đi tìm âm thanh cho chính mình và đã tìm thấy, đã gõ cửa và được mở. Kinh thánh Tân Ước có câu: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì bất cứ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho” (Matthew 7, 7-12).

Chính vì vậy, Tuấn Mạnh luôn tự nhủ rằng, có được đôi tay biết đàn và tâm hồn của người nghệ sĩ là do thượng đế ban tặng, hãy nối dài sự sáng tạo của thượng đế bằng những âm thanh đẹp, hãy đàn bằng tất cả cảm xúc của tâm hồn mình để trao tặng cho cuộc đời.

Nghệ sĩ piano NGUYỄN TUẤN MẠNH, sinh năm 1986, tốt nghiệp Cao học Biểu diễn piano tại Trường Illinois State University, USA, năm 2013

 

Các giải thưởng đạt được: Giải Nhất cuộc thi Đàn phím Toàn quốc năm 1995, Giải Nhì cuộc thi Piano Toàn quốc năm 2007, Giải Nhất toàn bang Illinois, USA năm 2012, Top 30 Người ảnh hưởng nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes bình chọn năm 2016

Các chương trình biểu diễn để lại dấu ấn: Piano Recital ở Nauy năm 2007, Piano Recital ở Thuỵ Điển năm 2008, Soloist của Dàn nhạc Đông Nam Á năm 2010 - Concert tour ở Pháp, năm 2015

Hiện, ngoài công việc biểu diễn piano, anh giảng dạy tại Piano Performing Art Studio (19 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TPHCM) do chính anh thành lập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn