MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam miệt mài và dành nhiều tâm huyết với nghề. Ảnh: VNOB

Hỗ trợ 1.800.000 đồng/tháng cho nghệ sĩ gặp khó khăn

THANH HƯƠNG LDO | 23/06/2021 06:15
Trước ảnh hưởng, khó khăn từ đại dịch COVID-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội những đề xuất chính sách hỗ trợ hết sức thiết thực đối với 2 lĩnh vực nghệ thuật và du lịch.

Văn bản do Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Tạ Quang Đông ký ngày 18-6, đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ bổ sung hai đối tượng nghệ sĩ và hướng dẫn viên du lịch vào đối tượng được hỗ trợ trong dự thảo nghị quyết về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19...

Tiếp sức cho giới nghệ sĩ biểu diễn

Kể từ đầu năm 2020, các nghệ sĩ trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật biểu diễn gần như không thể hoạt động do đại dịch COVID-19; nhằm tháo gỡ khó khăn, Bộ VHTTDL đề nghị Bộ LĐTBXH một số giải pháp như: Bổ sung vào mục II dự thảo Nghị quyết đối tượng và nội dung hỗ trợ đội ngũ nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật hạng IV, diễn viên hạng IV, họa sĩ hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Đây là nhóm nghệ sĩ có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, mức hỗ trợ là 1.800.000 đồng/tháng, trong 3 tháng và được chi trả một lần.

Bộ VHTTDL nêu rõ, lao động nghệ thuật biểu diễn là loại lao động mang tính đặc thù riêng. Đội ngũ nghệ sĩ phải có năng khiếu, tài năng và phải đào tạo từ lúc nhỏ (từ 7-8 tuổi), thời gian kéo dài và chỉ đạt đến trình độ trung cấp, cao đẳng mới ra nghề. Trong khi đó, thời gian hoạt động biểu diễn nghệ thuật rất ngắn, bình quân khoảng từ 15 đến 20 năm, đến độ tuổi từ 30 đến 40 (đối với nữ) và 40 đến 45 (đối với nam) khả năng biểu diễn suy giảm, không thể đáp ứng được đòi hỏi về chuyên môn của nghệ thuật biểu diễn.

NSƯT Trần Ly Ly - GĐ Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam từng thẳng thắn bày tỏ, điều dễ nhìn thấy nhất là hiện còn rất nhiều nghệ sĩ chưa sống được bằng nghề, nhất là với những người gắn bó với các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, kịch… hay nghệ thuật hàn lâm như opera, giao hưởng, ballet…

Ngoài ra, Bộ VHTTDL cũng nêu một thực tế khác rằng, theo thang bảng lương Nhà nước, mặc dù có tài năng hay năng khiếu được đào tạo công phu nhưng khi tuyển dụng vào viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập, đội ngũ nghệ sĩ được xếp lương giống như đối với các ngành nghề khác sẽ khó đi hết các bậc lương trong ngạch khi tuổi nghề quá ngắn.

Nói về đề xuất hỗ trợ của Bộ VHTTDL, ngày 22.6, trao đổi với PV Lao Động, nghệ sĩ Nguyễn Quang Long - nhóm Xẩm Hà Thành cho hay: “Những đề xuất kịp thời của Bộ VHTTDL sẽ giúp cho nghệ sĩ vững tâm hơn và có động lực đi tiếp với nghề. Dịch bệnh ảnh hưởng đến tất cả, trong đó có giới nghệ sĩ. Điều quan trọng dưới sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, anh em nghệ sĩ giảm bớt nỗi lo thường ngày, có thêm động lực để sống trọn với đam mê nghệ thuật, cống hiến những tác phẩm mang tính sáng tạo và chất lượng nhất”.

Và trợ lực cho nhân lực ngành du lịch

Là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19, các hướng dẫn viên du lịch (HDVDL) trải qua 2 năm khổ sở khi mọi hoạt động đóng băng. Theo thống kê, tổng số HDVDL đã được cấp thẻ trên toàn quốc hiện hơn 26.721 người với 16.965 HDVDL quốc tế, 8.743 HDVDL nội địa và 1.013 HDVDL tại điểm. Đây cũng được xem là đội ngũ có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành du lịch, mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ người lao động đã được ban hành nhưng chưa chỉ rõ đối tượng du lịch, vì vậy HDVDL không bất cứ sự hỗ trợ nào của Chính phủ.

Ông Lại Văn Quân - một hướng dẫn viên thâm niên, trong cuộc trao đổi với PV Lao Động sáng 22.6, thừa nhận, bản thân ông đã gặp không ít vất vả trong cuộc sống thường ngày, khi ngành du lịch liên tục đóng cửa. Ông đặt niềm tin và mong chờ vào những chính sách của cơ quan chức năng, sớm đưa ra những gói hỗ trợ hợp lý giúp HDVDL “vượt khó” trong giai đoạn trước mắt. Trong đó, đề xuất từ Bộ VHTTDL nên bổ sung vào mục II dự thảo Nghị quyết đối tượng và nội dung hỗ trợ người lao động là HDVDL bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mức hỗ trợ là 1.800.000 đồng/tháng, trong 3 tháng và được chi trả một lần.

Ông Đặng Thanh Tùng - GĐ Cty CP Du lịch Tân Thế giới (New World Travel) khẳng định, việc hỗ trợ cho người lao động, cụ thể là HDDLV là một việc làm hết sức cấp thiết. Một thời gian dài nghỉ dịch và không nhận được sự hỗ trợ, rất nhiều HDVDL vững tay nghề buộc phải xoay chuyển sang một lĩnh vực khác để duy trì và đảm bảo cuộc sống. Nguy cơ thiếu nhân lực trong tương lai là hiển hiện, khi dịch bệnh được kiểm soát và du lịch hoạt động trở lại. Ngoài ra, ông Tùng cũng nhấn mạnh thêm, nên nghiên cứu thủ tục đơn giản hóa giúp cho HDVDL không gặp khó khăn khi tiếp cận việc nhận hỗ trợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn