MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã tạm dừng đón khách trong những ngày dịch bệnh. Ảnh: NAM NGUYỄN

Hỗ trợ để văn hóa - nghệ thuật hồi sức sau dịch bệnh

MAI HƯƠNG LDO | 06/05/2020 08:14

Trước ảnh hưởng sâu rộng và những hệ lụy của dịch COVID-19, UNESCO đã tổ chức họp bàn với 129 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, để tìm cách đưa ra những chính sách giải cứu văn hóa - nghệ thuật.

Bàn cách cứu

Do dịch bệnh COVID-19, nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật - giải trí phải “đóng băng” một thời gian dài. Các nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, các hoạt động, sự kiện văn hóa - nghệ thuật… phải tạm thời dừng lại. Cùng với đó, nhiều nghệ sĩ  phải đối mặt với khó khăn khi các show diễn bị hủy bỏ, hoạt động nghệ thuật trì hoãn. Có thể thấy, nếu tình trạng dịch bệnh tiếp tục kéo dài, văn hóa - nghệ thuật thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đi đến thoái trào.

Trước thực trạng này, ngày 22.4, 129 nước là quốc gia thành viên của UNESCO đã họp bàn online (đại diện dự họp phần lớn là Bộ trưởng Văn hóa)  về việc cần có chính sách giải cứu văn hóa. Tại cuộc họp, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nêu vấn đề: “Văn hóa đưa chúng ta đến với nhau. Chính vì thế, đây là lĩnh vực chịu những ảnh hưởng nặng nề từ các quyết định phong tỏa trong những tuần gần đây”. Mỗi quốc gia có 3 phút để trình bày tóm tắt báo cáo về hiện trạng văn hóa - nghệ thuật đã ảnh hưởng ra sao và đề xuất chính sách hỗ trợ nghệ sĩ. 

Về hoạt động giải cứu văn hóa của UNESCO, ngày 4.5, trao đổi với Lao Động, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (VICAS) Bùi Hoài Sơn cho biết, trong giải cứu văn hóa, tăng cường khả năng tiếp cận văn hóa và hỗ trợ các nghệ sĩ thực sự là điều quan trọng. Khi người dân tiếp cận nhiều hơn với các hoạt động văn hóa nghệ thuật, có nghĩa là chúng ta tạo thêm điều kiện cho họ hiểu và yêu hơn lĩnh vực quan trọng này. Chính từ sự hiểu và yêu văn hóa nghệ thuật, người dân sẽ mong muốn tham gia tích cực và chủ động hơn trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, nghệ sĩ chính là những người tạo ra các tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Bằng tài năng, các tác phẩm văn hóa nghệ thuật truyền cảm hứng cho toàn xã hội về cái đẹp, tình yêu nước, sự đoàn kết, lòng trắc ẩn đối với đồng loại, từ đó tạo nên động lực sống, cống hiến... Đây là những yếu tố bền vững cho phát triển văn hóa nói riêng, đất nước nói chung.

Chính vì thế, những hành động cụ thể của UNESCO thông qua các diễn đàn, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến quốc tế để các quốc gia có thêm những lựa chọn, giải pháp phù hợp với hoàn cảnh, thực sự mang lại hiệu quả, thể hiện được vai trò dẫn dắt của tổ chức văn hoá lớn nhất thế giới.

Hồi sức sau dịch bệnh

Tới thời điểm hiện tại, một câu hỏi đặt ra, khi dịch bệnh qua đi, khả năng “hồi sức” của văn hóa - nghệ thuật sẽ như thế nào?

Canada là một trong những quốc gia sớm nhất ban hành gói cứu trợ khẩn cấp cho lĩnh vực nghệ thuật. Hội đồng Nghệ thuật quốc gia nước này công bố khoản tài trợ trước 60 triệu USD để giúp 1.100 đơn vị nghệ thuật cốt lõi, nhằm giải quyết các khoản thanh toán cơ bản cho nghệ sĩ và người lao động đang hoạt động trong lĩnh vực này.

So với các nước, việc hỗ trợ văn hóa - nghệ thuật ở Việt Nam, theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, nằm trong 2 gói hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đưa ra: Gói 62.000 tỉ đồng hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người lao động tự do, buôn bán nhỏ lẻ, người làm thuê không có hợp đồng lao động… và gói 180.000 tỉ đồng (khoảng 7,8 tỉ USD) gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất doanh nghiệp, gia đình, cá nhân kinh doanh... Các tổ chức văn hóa nghệ thuật trong các ngành sáng tác, nghệ thuật và giải trí, thư viện lưu trữ, bảo tàng, khởi nghiệp sáng tạo... có thể nhận được sự hỗ trợ dưới 2 hình thức: trợ cấp thất nghiệp, mất thu nhập, giảm thu nhập... trực tiếp và trợ cấp qua gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Ngoài ra, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng có những đề xuất riêng của Bộ với Chính phủ Việt Nam về gói cứu trợ cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật - sáng tạo.

Ông Bùi Hoài Sơn cho biết, thêm, các nước trên thế giới đều đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam trong việc đối phó với dịch bệnh. Những con số ấn tượng Việt Nam chỉ ra cho thế giới cho thấy những ưu điểm, không chỉ trong cách vận hành chống dịch mà còn trong cả văn hóa của người Việt Nam. Trên bối cảnh chung như vậy, các hoạt động văn hóa nghệ thuật có nhiều cơ hội phục hồi trở lại sau dịch bệnh.

“Qua đánh giá sơ bộ ban đầu, chúng tôi thấy rằng, gần 47.000 tổ chức văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam, phần lớn là có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, không có nguồn lực tài chính lớn, chủ yếu thuê nhà đất/văn phòng/nhà xưởng từ tư nhân… rất cần có sự trợ giúp từ phía Nhà nước cũng như các tổ chức, cá nhân khác. Hiện giờ, các tổ chức văn hóa, nghệ thuật có thể nhận được sự hỗ trợ dưới 2 hình thức trợ cấp thất nghiệp, mất thu nhập, giảm thu nhập… trực tiếp và trợ cấp qua gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của Chính phủ trên cơ sở của Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh và Nghị định số 41/2020/CP. Dù vậy, chúng ta cũng cần có thêm những giải pháp hỗ trợ khác để có thể giúp vực dậy các hoạt động văn hóa nghệ thuật”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn