MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hồ Xuân Hương không thể là "biểu tượng" của lẳng lơ, dâm tục

Mi Lan LDO | 26/07/2022 15:27

Nếu gõ cụm từ “Hồ Xuân Hương” tìm kiếm trên phần hình ảnh của Google sẽ cho ra 2 kiểu kết quả, hoặc hình ảnh về hồ nước nổi tiếng mang tên nữ sĩ ở Đà Lạt, hoặc hình ảnh những phụ nữ ăn mặc hở hang, sexy được phác họa.

Năm 2022, UNESCO cùng Việt Nam sẽ kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822).

Được biết, UBND tỉnh Nghệ An đã và đang lên kế hoạch tổ chức loạt sự kiện cho lễ kỷ niệm này nhằm tri ân tài năng thơ ca được xếp vào bậc hiếm có của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Dục tính và tai tiếng

Hồ Xuân Hương sinh thời giữa bối cảnh xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Thời điểm đó, chế độ phong kiến đang bước vào giai đoạn suy tàn, triều đình, quan lại bóc lột dân lành, kinh tế đất nước suy thoái, nhân dân lầm than. Chế độ phong kiến “trọng nam khinh nữ” với những lễ giáo hà khắc còn bóp nghẹt mọi quyền sống, khát khao, ham muốn của phụ nữ.

Giữa bối cảnh ấy, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã xuất hiện với những bài thơ “không giống ai”. Thơ ca của một nữ sĩ thời phong kiến cho đến tận bây giờ vẫn khiến hậu thế chưa thôi kinh ngạc.

Rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu, các nhà phê bình văn học vẫn tìm cách lý giải tại sao trong bối cảnh xã hội phụ nữ bị kìm kẹp đến ngạt thở như thế, Hồ Xuân Hương – một phụ nữ - lại có thể sáng tác thi ca táo bạo, thậm chí bị coi là dâm tục, đề cao dục tính như thế?

Có lẽ, Hồ Xuân Hương đã phải chịu nhiều tai tiếng kể từ khi thơ ca của bà bắt đầu xuất hiện, nói lên tiếng nói khát khao của phụ nữ.

Thơ ca của “Bà Chúa thơ Nôm” tràn ngập hình ảnh đề cao dục tính con người. Qua góc nhìn của Hồ Xuân Hương, những sự vật đơn giản, gần gũi, “vô tư”, trong sáng  nhất cũng có thể phủ lên màu sắc dục tính đậm đặc, từ bánh trôi nước, con ốc, cái quạt, quả mít... Đọc thơ Hồ Xuân Hương, người ta hay đỏ mặt, dù bà chỉ miêu tả con ốc, quả mít, hay cái quạt.

Triển lãm tranh về Hồ Xuân Hương bị chỉ trích vì phản cảm, dung tục. Ảnh: LĐO

Ví như bài thơ về “Quả mít”. “Thân em như quả mít trên cây/Vỏ nó xù xì da nó dày/Quân tử có thương thì đóng cọc/Xin đường mân mó nhựa ra tay”. Hay bài thơ có tựa đề “Ốc nhồi”, “Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi/Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi/Quân tử có thương thì bóc yếm/Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi”...

Ai đọc cũng thấy, Hồ Xuân Hương không tả thực quả mít như vốn có, cũng giống như khi tả cái quạt, tả con ốc, tả bánh trôi, tả thiếu nữ ngủ ngày... nữ sĩ đều muốn nhắc đến một câu chuyện khác, bà “gợi tình và phồn thực hóa” tất cả những vật dụng nhìn thấy.

Chính bản năng và dục tính trong thơ ca khiến Hồ Xuân Hương luôn hiện lên trong tâm tưởng của nhiều thế hệ độc giả như một phụ nữ lẳng lơ, đam mê sắc dục. Nhiều độc giả hậu thế mê Hồ Xuân Hương và ám ảnh về sự lẳng lơ, dâm tục đến mức, bỏ quên mất chiều sâu tư tưởng về nữ quyền và khả năng ngôn ngữ thần sầu của nữ sĩ.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái minh họa cho hai bài thơ "Tự tình" (trái) và "Giếng nước" của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: CMH

Tài năng độc bản

Hồ Xuân Hương là một độc bản kỳ lạ bậc nhất của thi ca Việt Nam. Người có khả năng sử dụng ngôn ngữ thần sầu khi “tả vậy mà không phải vậy”, tả vật này để gợi nhắc vật khác, tả chuyện A để nói chuyện B, bà khai thác được tận cùng lớp lớp của ngôn ngữ.

Bà được ví là nữ sĩ đặc dị khi thơ ca “thanh mà tục”, “tục mà thanh”. Mỗi người mang một trạng thái cảm xúc khi đọc thơ Hồ Xuân Hương, có người nhăn mặt khó chịu cho đó là ngôn ngữ dâm tục, có người đỏ mặt nể phục, có người đọc xong cười lên sảng khoái...

Và dù mang trạng thái cảm xúc nào cũng không thể phủ nhận tài năng của bà. Cách sử dụng ngôn ngữ trong thơ ca của Hồ Xuân Hương như trò ảo thuật dị thường, đòi hỏi cao ở khả năng đọc hiểu từ độc giả.

Người nhìn phần tục sẽ chỉ thấy một Hồ Xuân Hương phồn thực, lẳng lơ, người nhìn phần thanh, nhìn khả năng sử dụng ngôn ngữ đặc sắc – sẽ thấy một Hồ Xuân Hương mạnh mẽ, thông minh, có nét phá cách, tinh nghịch, hóm hỉnh, hài hước.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là tài năng thơ phú độc bản của thi ca Việt Nam. Ảnh: MH

Cho đến bây giờ, Hồ Xuân Hương và khả năng sử dụng ngôn ngữ sinh động, độc đáo của bà vẫn là trường hợp vô tiền khoáng hậu trong thi ca Việt Nam. Đằng sau lớp vỏ ngôn ngữ đặc dị ấy, là tiếng nói nữ quyền mạnh mẽ, là lời kêu than đau khổ cho số phận nữ nhi dưới thời phong kiến kìm kẹp. Đằng sau lớp vỏ ngôn ngữ không giống ai là một Hồ Hương Xuân với tư tưởng vượt thời hiếm có.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn