MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Xốc tới”: Các chiến sĩ Đại đội 11 (Sư đoàn 324) truy kích địch tại mặt trận Đường 9. Ảnh do BTC cung cấp

Liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng với những bức ảnh nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh

VIỆT VĂN LDO | 30/08/2018 09:25
Triển lãm các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước năm 2016 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 30.8 đến 8.9 là một sự kiện chào mừng ngày Quốc khánh năm nay.

Trong 13 tác giả được vinh danh, Giải thưởng Hồ Chí Minh dành cho hai tác phẩm mỹ thuật của tác giả Nhà điêu khắc Tạ Quảng Bạo và cụm tác phẩm nhiếp ảnh của tác giả, nhà báo Lương Nghĩa Dũng. 

Tố chất của nhà nhiếp ảnh

Khác với các phóng viên chiến trường phương Tây được trang bị máy móc tối tân và huấn luyện về kỹ năng tác nghiệp, các phóng viên chiến tranh Việt Nam “vào trận” với trang bị thô sơ và không được huấn luyện để tự bảo vệ mình trong bom đạn.

Nhà báo, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng cũng không được đào tạo bài bản về nhiếp ảnh báo chí mà chỉ qua một khóa đào tạo cấp tốc cùng với Vũ Tạo, Hứa Kiểm… nhưng có con mắt, tố chất nhạy cảm và lòng dũng cảm, bất chấp hiểm nguy chỉ để phản ảnh chân thực sự khốc liệt của chiến tranh. Nghĩa Dũng với bút danh Nghĩa Mạnh đã có mặt tại nhiều điểm nóng, nhất là các trận địa pháo cao xạ khốc liệt nhất và được gọi là nhà nhiếp ảnh của Trường Sơn vì tất cả các chiến dịch lớn như Khe Sanh 1967 - 1968, Cánh đồng Chum - Mường Xủi (Lào) 1970 - 1971, Đường 9 Nam Lào 1971 - 1972 và giải phóng Quảng Trị 1972 đều có mặt và ghi dấu ấn bằng những bức ảnh tường thuật mạnh mẽ với phong cách riêng.

Phóng sự ảnh “Những cô gái giữ biển giữ làng” chụp đại đội dân quân nữ pháo binh Ngư Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) với những khẩu pháo hạng nặng đánh trả tàu chiến, tàu biệt kích Mỹ, hay loạt ảnh trên các nẻo đường Trường Sơn về các chiến sĩ vận tải, công binh mở đường, thông xe cho tiền tuyến... gây ấn tượng mạnh.

Vì sao ảnh Lương Nghĩa Dũng ấn tượng?

Vì chất anh hùng ca trong ảnh, vì ông không chỉ mô tả sự khốc liệt, mất mát, hy sinh của cuộc chiến mà chú ý đến những khoảnh khắc đời thường, thể hiện tinh thần lạc quan, như các chiến sĩ đảo Bạch Long Vĩ cắt tóc cho nhau, hay nghe thông tin từ đất liền qua Đài Tiếng nói Việt Nam... Và đặc biệt, trời phú cho ông khả năng tạo hình đặc sắc. Những cú bấm máy nhanh của Nghĩa Dũng mạnh mẽ về bố cục, mang tính thẩm mỹ và không ít trong số đó đã trở thành tác phẩm nghệ thuật.

Điều thú vị nữa ở ông là chỉ với chiếc máy ảnh Exakta, Pratica (Đông Đức - cũ) chụp từng kiểu phim một với ống kính tiêu chuẩn, Lương Nghĩa Dũng đã chụp được nhiều bức ảnh đen trắng tuyệt vời.

Lần này, ông được chọn để trao Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm 5 tác phẩm “Lửa vây máy bay Mỹ”, “Nữ pháo binh Ngư Thủy”, “Đưa xe tăng vào trận”, “Xốc tới” và “Đánh chiếm cứ điểm 365”. Những bức ảnh thể hiện rõ sự dấn thân của nhà nhiếp ảnh, có nhịp điệu, chất anh hùng ca và lên được không khí ác liệt của chiến tranh.

Liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng sinh năm 1935 và hy sinh năm 1972 tại chiến trường Quảng Trị, là một trong những phóng viên ảnh VN nổi tiếng có 16 bức ảnh trong cuốn sách “Requiem” (Hồi niệm) do hai nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Horst Faas và Tim Page làm chủ biên.

Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành (nguyên Trưởng ban Biên tập ảnh TTXVN, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam) đã từng viết về đồng đội Lương Nghĩa Dũng: “Anh đã lăn lộn những nơi máu lửa, ngẩng cao đầu giữa làn bom đạn của hai phía mà chụp ảnh. Chỉ có anh và những người như anh mới dám nhìn thẳng vào họng súng và cột khói bom, thu vào ống kính những ánh chớp, những quầng lửa hào hùng và bi tráng của cuộc chiến mà từ đó bừng sáng lên những tư thế hiên ngang, những gương mặt cương nghị, sắt đá phi thường của người lính quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn