MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hoà mình vào không khí đón Tết cổ truyền của bà con Cồn Sơn ở Cần Thơ

YẾN PHƯƠNG - MỸ LY LDO | 11/02/2024 06:00

Một lần đón Tết cổ truyền tại điểm du lịch Cồn Sơn (quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ), chúng tôi được cảm nhận rõ nét văn hoá truyền thống, tình đất tình người mộc mạc, ấm áp nơi đây.

Vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, chúng tôi gác lại mọi lo toan, tất bật của một năm đã qua, bỏ lại phía sau những ồn ào, nhộn nhịp của phố thị, tìm đến với điểm du lịch Cồn Sơn – nơi được ví như viên ngọc quý giữa đô thị sông nước Cần Thơ.

Ngôi nhà vẫn giữ nguyên nét mộc mạc, truyền thống của người Nam Bộ xưa. Ảnh: Mỹ Ly

Từ xưa đến nay, bà con nơi đây vẫn giữ nguyên nét văn hóa truyền thống của ngày Tết cổ truyền. Từ cách trang hoàng nhà cửa, trưng bày mâm cỗ, tự tay làm bánh kẹo, mứt Tết… tất cả đều mang nét xưa bình dị mà không phải nơi đâu cũng có được.

Vào buổi sáng, các thành viên trong gia đình bà Phan Thị Kim Phước (người dân tại Cồn Sơn) tất bật lau chùi, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. “Cứ mỗi dịp Tết là những người nam sẽ lau chùi lư hương, nhà cửa, còn nữ thì cắm hoa, chưng mâm ngũ quả, rồi làm bánh, mứt để chuẩn bị đãi khách”, bà Phước nói.

Trang trí bàn thờ ngày Tết để bày tỏ lòng thảo hiếu với ông bà, tổ tiên. Ảnh: Mỹ Ly

Bà Phước dạy chúng tôi cách cắm hoa, trang trí bàn thờ gia tiên. Việc làm này như để con cháu bày tỏ lòng biết ơn tới những công lao dưỡng dục của ông bà, tổ tiên, đồng thời cầu mong một năm mới tròn đầy, viên mãn.

Giữa không gian thanh bình, có những ngôi nhà gỗ đơn sơ, từng luống rau xanh ngát sau hè, vườn hoa cúc đón xuân về, rồi chiếc khăn trải bàn con công, bộ ấm trà… những chất quê ấy được lưu giữ tự bao đời, chúng tôi như được trở về với ngày Tết của “năm một nghìn chín trăm hồi đó”.

Nhà cửa được chuẩn bị tươm tất, gọn gàng để đón chào năm mới. Ảnh: Mỹ Ly

Theo bà Phước, mỗi năm cứ dịp Xuân về là bà con ở Cồn Sơn lại tổ chức nhiều hoạt động để du khách được hoà mình vào không khí đón Tết cổ truyền, mang đậm nét văn hoá của người miền Tây Nam Bộ.

“Trong đó, du khách sẽ được tự tay trải nghiệm gói bánh tét, tối đến thì quây quần bên bếp lửa hồng, kể cho nhau nghe những vui buồn của một năm đã qua”, bà Phước cười nói.

Nét đẹp gói bánh tét được lưu truyền qua bao thế hệ tại Cồn Sơn, TP Cần Thơ. Ảnh: Mỹ Ly

Là người con của mảnh đất Cồn Sơn nơi đây, chị Lê Thị Bé Bảy cho hay, nét đẹp gói bánh tét được các gia đình lưu truyền qua nhiều thế hệ. Cũng nhờ có bánh tét mà dư vị ngày Tết mang cảm xúc của đại gia đình đoàn viên.

“Để có một mẻ bánh tét ngon, người làm bánh cần trải qua nhiều công đoạn, từ việc chuẩn bị nguyên liệu, nhào bột, làm nhân, đặc biệt nhân bánh cũng có nhiều loại, nhiều vị khác nhau. Gói bánh cần có đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ… để làm sao gói được những chiếc bánh đều đặn, đẹp mắt”, chị Bé Bảy nói.

Chúng tôi ngồi xuống học cách gói bánh của chị Bé Bảy, vừa làm vừa nghe chị kể về những kỉ niệm ngày Tết quê hương, về cách làm du lịch cộng đồng của người dân Cồn Sơn. Từ một vùng quê nghèo, cũng chính bởi sự tương thân tương ái, giờ đây Cồn Sơn đã phát triển du lịch và được nhiều người biết đến.

Nồi bánh mang hương vị hồn quê trong dịp Tết. Ảnh: Mỹ Ly

Trời cũng dần chiều, chúng tôi di chuyển ra khoảng sân rộng trước nhà, mọi người quây quần bên bếp lửa hồng, nồi bánh tét nghi ngút khói, toả hương thơm thoang thoảng, cũng chính là lúc ai nấy đều cảm nhận rõ hương vị hồn quê trong dịp Tết đến Xuân về.

Từng câu chuyện tiếp nối nhau được kể lại, mang đến cho chúng tôi nhiều cung bậc cảm xúc. Có lẽ đây không chỉ là dịp để những người cao tuổi hoài niệm về ký ức xưa, mà còn là cơ hội để con, cháu - những người trẻ chúng tôi hiểu biết về phong tục, tập quán, về ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn