MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Họa sĩ 9X đam mê di sản kết nối tương lai

Việt Văn LDO | 21/12/2022 09:03
Hiếm có họa sĩ 9X nào như Trần Quốc Đức khi đưa luồng gió mới vào dòng tranh dân gian độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người dân Kinh kỳ xưa, là vốn quý di sản văn hóa dân tộc như tranh Kim Hoàng, tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống để dần xác lập phong cách tranh dân gian đương đại. Đức còn truyền dạy tình yêu di sản cho các bé để luôn tự hào với vốn cổ dân tộc. 

Từ hồi còn học khoa lý luận trong trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trần Quốc Đức (sinh năm 1991) đã đam mê mỹ thuật cổ từ thày là TS Trần Hậu Yên Thế và PGS, TS Trang Thanh Hiền dìu dắt. Niềm đam mê của cậu xuất phát từ những buổi điền dã, xem chạm khắc đình làng, dập bia… rồi mọi thứ đến thật tự nhiên. Đức từng nhận giải trong cuộc thi ở trường với đề tài nghiên cứu: So sánh nghệ thuật tạo hình bia thời Lê sơ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) với các bia cùng thời ở Lam Kinh (Thanh Hóa).

Lấy mực.
Lăn trên mộc bản.
Căn giấy để in từ mộc bản ra.
Thành quả.
Chấm mắt hổ.
Đức là họa sĩ trẻ hiếm hoi theo đuổi cả ba dòng tranh Hàng Trống, Kim Hoàng và Đông Hồ.
Thời gian rỗi, Đức tìm hiểu thêm về tranh dân gian qua những cuốn sách.
Ký họa Rồng thời Lê tại Hoàng thành Thăng Long.

Lý do khiến Đức chọn 3 dòng tranh này rất tình cờ khi cậu làm bài tập nghiên cứu tranh dân gian Việt Nam ở Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cũng là thời điểm đang vẽ tranh Kim Hoàng. Đức nhận thấy từ những bức tranh dân gian, người xưa đã gửi rất nhiều tâm tư tình cảm, mong ước, cũng như các kỹ thuật vẽ điêu luyện vào trong tranh. Điều đó khiến cậu khao khát được học hỏi vận dụng những chất liệu sẵn có của dân tộc mình để tạo ra những tác phẩm mang hơi thở của thời đại mình đang sống dựa trên cái gốc dân gian.

Màu sắc trong tranh dân gian thường có 5 màu chủ đạo: màu đỏ lấy từ gạch non, vàng từ hoa hòe, đen từ than lá tre, xanh từ lá tràm, trắng từ vỏ sò điệp. Tranh dân gian Băc Bộ có ba loại: tranh thờ, tranh chúc tung (tranh Tết) và tranh sinh hoạt. Tranh thờ công phu nhất bức Ngũ Hổ- dòng tranh Hàng Trống, kết hợp nhiều kỹ thuật bút như kỹ thuật vờn màu, kỹ thuật tạo hình…

Say mê sáng tạo.
Chú mèo trong tranh dân gian Đông Hồ “Đám cưới chuột” được Đức chuyển thành chú mèo máy Doremon để gắn với cuộc sống ngày nay.
Mặt trăng trong tranh dân gian Hàng Trống “Lý ngư vọng nguyệt” (Cá chép trông trăng) được Đức thêm màu vàng nhũ.
Đức và tác phẩm mới đang sáng tác mang tên “Cuộc gọi” với sự kết hợp của tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống trên nền đỏ của tranh Kim Hoàng và hơi thở của cuộc sống đương đại.

Cái khó nhất khi theo đuổi dòng tranh dân gian là tư liệu về nhiều bức tranh xưa giờ đã thất truyền và khó ở cách làm mộc bản và sử dụng màu. Các cụ xưa dùng màu theo sự thuận mắt, với kỹ thuật sử dụng bút lông kiểu chữ Nho, kết hợp tranh thủy mặc Trung Quốc. Là một người trẻ không dừng lại ở việc bảo tồn vốn cổ, Đức tìm cách phối màu theo một cách mới, cầu kỳ, công phu và đưa thêm ý tưởng mới vào. Như kết hợp hình tượng hổ và mèo trong tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống cộng với Cuốn thư của Huế, và hình tượng của em bé để tạo nên tác phẩm độc đáo, kết hợp hài hòa truyền thống và hiện đại.

Hàng ngày trong tuần Đức đều đến dạy các bé học vẽ ở trung tâm Ocean Harmony.
Dạy bé lăn trên mộc bản.
Dạy các bé về vẻ đẹp và ý nghĩa của tranh dân gian

Bảo tồn vốn cổ di sản kết nối với tương lai, Đức còn dành thời gian và tâm huyết giảng dạy hàng tuần cho các em thiếu nhi ở trung tâm Ocean Harmony và tham gia dự án “Cùng bé sáng tạo " do PGS,TS Trang Thanh Hiền tổ chức  cho trẻ em in tranh dân gian, như một cách để luôn gìn giữ và trao truyền tình yêu di sản.

Trò chuyện cùng Đức, luôn thấy ở người hoạ sĩ trẻ 9X này một ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết trong việc bảo tồn và lan toả vốn quý nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam, đưa những dòng tranh này "sống" , hòa mình trong đời sống văn hoá nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn