MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bức sơn dầu “Monalisa - Viet Nam War” trong bộ “Monalisa” được cách tân từ tượng Rối Việt, kích thước 120 x180cm. Ảnh do họa sĩ cung cấp

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm: Khai thác tính dân tộc, phả vào hơi thở đương đại

VIỆT VĂN LDO | 02/06/2018 09:48
Thương hiệu cá nhân của họa sĩ Bùi Thanh Tâm bắt đầu có từ năm 2013 khi anh bán được một bức tranh với giá 11.000USD tại triển lãm nghệ thuật đương đại Châu Á (Asian Contemporary Art Show) tại Hồng Kông (Trung Quốc). 

Và từ đó, sự nghiệp của Tâm cất cánh, khi tranh của anh thường xuyên xuất hiện tại các hội chợ, triển lãm quốc tế uy tín và bán khá đều cho một số nhà sưu tập ở trong, ngoài nước, với giá cao nhất là 35.000USD, còn thấp nhất là 12.000USD.

Phong cách riêng

Bùi Thanh Tâm tự tin và đúng giờ, quần bò áo sơmi, lịch sự. Tâm là một họa sĩ rất chuyên nghiệp, chỉ bắt đầu vẽ sau buổi trưa và khi đó, khó ai làm phiền anh bằng tin nhắn hay điện thoại. Với một nghệ sĩ thì định hình phong cách sáng tạo là điều quan trọng nhất, nói cách khác xem tranh, người xem phải “ngửi” thấy “mùi riêng” của họa sĩ đó ngay. Với Bùi Thanh Tâm, con đường xác lập một phong cách riêng, không dễ.

Tâm kể: “Lúc đầu tôi tìm hiểu phong cách của các hoạ sĩ bậc thầy trên thế giới để học hỏi họ. Tôi thấy rất nhiều các hoạ sĩ khai thác cách tân từ văn hóa vốn cổ như tranh tượng truyền thống. Danh họa Picasso thì cách tân từ tượng thổ dân Châu Phi, trong nước thì có cụ Nguyễn Tư Nghiêm khai thác vốn cổ dân tộc sáng tác.

Còn tôi, từ bé đã thích nghe hát chèo và xem múa rối nước nên nảy ra ý sáng tác một bộ tranh được cách tân từ những chú tễu, những nhân vật rối trong hơi thở đề tài đương đại. Và triển lãm đầu tiên của tôi có tên là Monalisa bày ở Việt Art Centrel năm 2010 khá thành công, được các nhà sưu tập trong và ngoài nước đón nhận.

Sau đó, tôi tiếp tục khai thác hình tượng vốn cổ, lần này từ tượng Tố nữ thế kỷ XVII-XVIII và tượng La Hán cho vào bộ tranh “Những kẻ điên”. Bộ tranh này đã tạo ra cho tôi một phong cách riêng biệt và thành công.

Ban đầu tôi nghĩ, tôi sẽ vừa khai thác các yếu tố truyền thống và vừa làm mới ngược lại với những chi tiết truyền thống. Bộ tranh này đã khá khác biệt với bộ tranh trước, được giới sưu tập quốc tế đón nhận từ các hội chợ nghệ thuật ở Hồng Kông, Mỹ và Hà Lan”.

Một thách thức lớn với nghệ sĩ là làm sao duy trì cảm hứng sáng tạo. Bởi ai cũng có lúc rơi vào trạng thái cạn kiệt ý tưởng.Câu trả lời của Bùi Thanh Tâm là liên tục đi các hội chợ nghệ thuật quốc tế hằng năm.

Từ 2013 đến nay năm nào, anh cũng qua Art Basel HongKong, hội chợ nghệ thuật lớn nhất Châu Á. Với anh, mỗi lần đi và tham quan hội chợ luôn mang lại những trải nghiệm mới mẻ và đó là cách tiếp cận trực tiếp, nhanh nhất giữa bản thân nghệ sĩ và nghệ thuật đương đại thế giới.

Bởi Tâm nhận thức rõ “trong thế giới hiện đại, mọi thứ luôn thay đổi rất nhanh chóng và nghệ thuật cũng nằm chung với quy luật đó, nghệ sĩ phải luôn cập nhật thông tin và hiểu rõ xu hướng nghệ thuật của thế giới. Từ đó, nghệ sĩ mới có thể sáng tác, hoà chung bắt kịp với thời đại. Qua hội chợ nghệ thuật tôi cảm thấy tự tin, thêm động lực sáng tạo, và phá bỏ được những rào cản sáng tác mình đang bị giới hạn để đạt tới một tầm cao mới trong nghệ thuật”.

Người thầy và đại lộ

Nghe hỏi: “Ai là nghệ sĩ tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới con đường hội họa?” - Bùi Thanh Tâm trả lời ngay: Thầy Lê Huy Tiếp.

“Thầy từng nói với tôi: Cậu không cần phải học tôi hay bất kỳ ai ở Việt Nam ta. Hãy học tất cả các bậc thầy hội hoạ trên thế giới. Họ 10 phần chúng ta chỉ học được 2, 3 phần cũng là điều tuyệt vời lắm rồi.

Tôi nghĩ tôi có rất nhiều những bậc thầy hội hoạ trên thế giới mà tất cả họ đều có ảnh hưởng đến con đường nghệ thuật của tôi từ Leonardo da Vinci, Vermer, Goya, Van Gogh, Picasso, Bacon, Freud...”.

Tâm bảo, thầy Lê Huy Tiếp dạy cho mình rất nhiều kiến thức về sơn dầu và các kỹ thuật làm đồ hoạ và hơn thế là tinh thần đam mê làm một nghệ sĩ sáng tác. Tốt nghiệp đại học, Tâm đã đăng ký học cao học nhưng cả hoạ sĩ Lê Huy Tiếp và hoạ sĩ Đỗ Phấn đều khuyên nên từ bỏ việc học và ở nhà làm hoạ sĩ sáng tác. Đó chính là điểm bước ngoặt cho thành công của Tâm sau này.

Những bộ tranh ám ảnh

Điều đặc biệt ở Tâm là ý tưởng rạch ròi, sâu sắc và mạch lạc. Anh thường thực hiện những bộ tranh ẩn chứa những thông điệp xã hội mạnh mẽ.

Khi được đề nghị kể tên 3 bức tranh mang đậm “vân tay” của anh nhất, Tâm đã nói về 3 tác phẩm trong 3 bộ tranh lớn của mình. Bức thứ nhất trong bộ 3 bức “Nói về chiến tranh Việt Nam” gồm “Thời của những chiến binh”, “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và “Monalisa - Việt Nam War”.

Bức thứ hai trong bộ “Những kẻ điên” - Model love - nói về sự giả dối trong tình yêu của con người với con người ở thế giới hiện đại. Bức thứ ba thuộc về bộ “Thiên đường bỏ ta đi” mang tên “Chân dung cô gái Việt trẻ” nói về những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc đang từng ngày bị mai một và mất đi.

Khiêm tốn và luôn cầu tiến, Bùi Thanh Tâm hiểu rõ để một tác phẩm hội họa Việt Nam có thể bán được tranh trên thị trường quốc tế, cần rất nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là sự độc đáo, mới lạ cả về nội dung và kỹ thuật thể hiện, mang lại cảm xúc mạnh và hơn thế phải hoà trộn tinh tế được tính dân tộc và hơi thở nghệ thuật đương đại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn