MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mai Đại Lưu tại studio cá nhân. Ảnh: NVCC

Họa sĩ Mai Đại Lưu: Tôi để nghệ thuật dẫn lối và đưa tôi đến những miền cảm xúc

Việt Văn (thực hiện) LDO | 18/03/2022 11:23

Nếu không có gì thay đổi, ngày 14.4.2022, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm cá nhân lần thứ 2 của họa sĩ Mai Đại Lưu sẽ diễn ra. Sau  khởi đầu của “Tôi là Mai Đại Lưu” vào tháng 7.2020, lần này là “Trong rừng sâu” với một cách tiếp cận khác. 

“Trong rừng sâu” sẽ là một sự đoạn tuyệt với “Tôi là Mai Đại Lưu” hay là tiếp nối một “cái tôi” vẫn đang mải miết kiếm tìm?

- Triển lãm cá nhân lần 2 của tôi “Trong rừng sâu” vẫn là sự tiếp nối từ “Tôi là Mai Đại Lưu” (I am Mai Đại Lưu) nhưng có sự chuyển biến rõ nét về tư duy nghệ thuật cũng như ngôn ngữ tạo hình. Nó là bước chuyển giúp tôi nhìn rõ con đường nghệ thuật của mình. Thực hành nghệ thuật là một hành trình đi vào thế giới riêng của bản thân. Là tư duy đưa thế giới riêng đến với mọi người thông qua ngôn ngữ nghệ thuật. Khi đi sâu vào khám phá thế giới tâm tưởng siêu hình, nghệ thuật đã vượt ra khỏi vũ trụ, nó không còn là cái ta nhìn hay cảm thấy mà nó là thế giới ảo mộng.

 Sự tồn tại của mỗi cá nhân chỉ là một sứ mệnh ta phải làm công việc được giao phó bởi đấng siêu hình. Nghệ thuật của tôi dẫn người đối diện với nó bước vào không gian ảo mộng và tận hưởng những cái thế giới bên ngoài không tồn tại. Tôi không đi tìm  bản thân, tôi muốn mọi người đặt câu hỏi tôi là ai, thế giới ảo mộng mọi người đang nhìn thấy trong tôi là gì và như thế nào? Nghệ thuật giúp bạn trả lời câu hỏi đó. Trạng thái cảm xúc của ngôn ngữ nghệ thuật như một sự ảo tưởng về giá trị bản thân.

Anh sở trường với những bức tranh khổ lớn, để thỏa mãn khát vọng sáng tạo trên tấm toan rộng. Việc làm chủ không gian là hết sức quan trọng, có khi nào anh bị mất đi lý trí để quên hết phác thảo nhỏ ban đầu mà để mạch cảm xúc dẫn dắt anh đi mà không kháng cự lại?

- Tôi luôn nghĩ rằng nghệ thuật không nằm ở chất liệu, kích thước tranh to hay nhỏ. Mà bạn sẽ vẽ gì lên trên đó. Sau một quá trình làm việc, thực hành nghệ thuật trên mọi chất liệu và nhiều kích thước khác nhau tôi thấy mình khá hợp với những bức tranh có kích thước lớn một chút vì nó giúp tôi được sống với đúng nghệ thuật của tôi hơn. 

Vì sao con người phải chạy trốn vào “Trong rừng sâu”? Và cuộc chạy trốn này có giúp họ tìm kiếm được sự thanh thản, bình an hay chỉ là chuyển từ trạng thái “tâm lăng xăng”này sang “tâm lăng xăng” khác?

- Khi thế giới phát triển đồng nghĩa với những thảm họa do con người tạo ra sẽ xảy đến trong một tương lai gần. Con người như muốn chạy trốn khỏi thế giới văn minh về vật chất tìm đến với thế giới riêng trong tâm hồn mộng tưởng để tìm sự bình yên. Nhưng sự bình yên có thực sự đến con người bằng cách trốn chạy hay không? Hay sự bình yên chỉ đến từ đến từ tâm hồn. Chúng ta muốn quay trở lại về với khởi nguồn của loài người là thế giới nguyên thủy nơi nghệ thuật được hình thành và lưu giữ trong những hang đá và  những hình xăm trên thân thể con người.

Anh mang tinh thần của một đứa trẻ vẽ tranh hay là một anh chàng 8X?

- Nếu nói nghệ thuật của tôi mang tinh thần ngây thơ của một đứa trẻ cũng đúng vì ở đó có sự hồn nhiên trong trẻo của một tâm hồn đẹp, đẹp trong cách sử dụng màu sắc lẫn cách đặt bố cục. Nhưng nó là nghệ thuật ngây thơ của một anh chàng 8X với lối tư duy về một thế giới tâm tưởng ảo mộng riêng, mà ở đó con người và thiên nhiên hòa hợp làm một.

Dịch bệnh COVID-19 đã tạo ra khoảng cách cho xã hội, giữa con người với con người. Anh nghĩ gì về khoảng cách này?

- Hai năm vừa qua là một khoảng thời gian khá dài đối với chúng ta. Dịch bệnh đã tạo ra một khoảng cách nhất định giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với gia đình và giữa cá nhân với xã hội. Đồng nghĩa với nó là một quãng thời gian lùi giúp chúng ta nhìn nhận lại thế giới với những điều ta đã làm một cách sâu sắc. Từ đó con người biết sống và ý thức đối xử với trái đất, thiên nhiên, môi trường sống có trách nhiệm hơn.

Thị trường mỹ thuật Việt nở rộ mấy năm gần đây, nhiều tranh của các họa sĩ trẻ bán được giá cao. Việc định giá này theo anh đã theo những quy chuẩn chưa hay nó chỉ ở bề mặt còn phía sau là thỏa thuận ngầm hai bên, để họa sĩ và nhà sưu tập đều có lợi?

- Đây là một câu hỏi khá nhạy cảm với cá nhân tôi. Đến bây giờ, tôi cũng chưa bao giờ hỏi bạn đồng nghiệp của tôi có bán được tranh không hay giá bán bao nhiêu cho một tác phẩm. Đúng là mấy năm trở lại đây thị trường nghệ thuật trong nước phát triển khá sôi động và một điều đáng mừng là số lượng họa sĩ trẻ sau khi tốt nghiệp và sống được bằng nghề chiếm tỉ lệ khá cao. Việc định giá cho một tác phẩm ở Việt Nam hiện nay khá mới. 

Với một họa sĩ thì việc mở triển lãm cá nhân có ý nghĩa như thế nào? Gần đây anh có ấn tượng với một tác giả nào không?

- Với cá nhân một người họa sĩ làm và thực hành nghệ thuật thì việc mở triển lãm cá nhân có ý nghĩa rất quan trọng. Nó đánh dấu một quá trình làm việc và giới thiệu với công chúng thưởng lãm những tác phẩm mới nhất trong bộ sưu tập của cá nhân họa sĩ.

Thời gian gần đây tôi ấn tượng với một số nghệ sĩ đương đại như Tuấn MaMi, Phương Linh, Hà Mạnh Thắng (Hà Nội), Phạm Thành Toàn (Sài Gòn)… và một số bạn trẻ thuộc thế hệ đầu 2000. Họ là những người thực hành nghệ thuật một cách nghiêm cẩn nhất và luôn sáng tạo đi tìm cái mới so với chính họ.

- Cảm ơn Mai Đại Lưu và đón chờ “Trong rừng sâu” của anh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn