MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Họa sĩ quê Quảng Bình đam mê vẽ tranh cổ động chống dịch COVID-19

LÊ THỊ KIM SƠN LDO | 01/04/2020 18:29
Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) đã tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động phòng chống dịch bệnh COVID-19. Với thời gian khá gấp gáp, chỉ từ ngày 10 đến hết ngày 15.3.2020, nhưng Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 103 tác phẩm dự thi của các họa sĩ trên mọi miền đất nước, với nhiều phong cách đa dạng.

Hội đồng nghệ thuật chấm giải thưởng đã chọn ra 14 tác phẩm xuất sắc nhất để phục vụ công tác in ấn và tuyên truyền, đây là những tác phẩm có tính tuyên truyền và mang những thông điệp ý nghĩa về phòng, chống ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Và họa sĩ Lê Thuận Long (Hội VHNT Quảng Bình) đã có đến 2 tác phẩm lọt vào vòng tuyển chọn hết sức gắt gao này, đó là tác phẩm: Không tụ tập đông người để tránh nguy cơ lây nhiễm, Sử dụng khẩu trang thường xuyên và rửa tay đúng cách để phòng, chống dịch COVID-19.

Tác phẩm lọt vào vòng 14 tác phẩm xuất sắc nhất cuộc thi vẽ tranh cổ động phòng chống dịch COVID - 19 của họa sĩ Lê Thuận Long. Ảnh: K.S

Họa sĩ Lê Thuận Long hiện đang công tác tạị Trường tiểu học Tân Thủy (xã Tân Thủy, huyện Lệ thủy, Quảng Bình). Anh chia sẻ: “ Mặc dầu thời gian của cuộc thi chỉ có 5 ngày, nhưng tôi cũng đã cố gắng sáng tác được 2 tác phẩm để dự thi, và thật bất ngờ là cả 2 tác phẩm đều được chọn. Tác phẩm “Không tụ tập nơi đông người để tránh nguy cơ lây nhiễm” lấy ý tưởng từ chính những câu lệnh tuyên truyền để người dân dễ nhận biết được sự nguy hiểm và cấp thiết của dịch bệnh COVID-19. Bởi vì tôi nhận thấy nhiều người dân vẫn chủ quan, coi thường dịch bệnh và thường xuyên tụ tập nhóm đông người mặc những cảnh báo của loa đài. Thế nên, khi tác phẩm được lựa chọn và nhanh chóng triển khai in ấn để đưa vào tuyên truyền ở nhiều tình thành trong cả nước, tôi rất vui mừng, mong rằng mọi người sẽ chú ý đến cảnh báo nguy hiểm thông qua những hình ảnh trong tác phẩm tôi đã truyền tải. Còn với tác phẩm  “Sử dụng khẩu trang thường xuyên và rửa tay đúng cách để phòng, chống dịch COVID-19” tôi muốn nhắc nhở mọi người từ những việc nhỏ như rửa tay, hay sử dụng khẩu trang nơi công cộng giờ đây đã là một việc làm thường xuyên và bắt buộc. Đó không chỉ là giữ vệ sinh cho bản thân mỗi người mà còn là việc làm vì sức khỏe cộng đồng, dịch COVID-19 rất dễ lây lan, chỉ cần mỗi người thận trọng trong từng việc làm nhỏ nhưng kết quả đạt được lại rất lớn.”.

Được biết, cũng ngay trong tháng 3 này, họa sĩ  Lê Thuận Long cũng nhận được niềm vui khi nhận được chứng nhận tác phẩm “Bố ơi! Con tự hào về bố” được trưng bày trong cuộc thi triển lãm tranh cổ động tuyên truyền chào mừng 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019)  và 30 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân. 

Mặc dầu tuổi đời của họa sĩ Lê Thuận Long còn khá trẻ, nhưng anh đã là hội viên của Hội Mĩ thuật Việt Nam từ năm 2016 và có một bề dày sáng tác khá tốt từ ngay khi còn ngồi trên ghế của trường Đại học Huế, với một triển lãm cá nhân, tham dự nhiều triển lãm khu vực, triển lãm tranh cổ động toàn quốc và gặt hái về nhiều giải thưởng cá nhân. Dường như Lê Thuận Long rất thích thử sức với nhiều loại chất liệu từ  giấy bổi dó, khắc gỗ, sơn dầu, lụa, sơn mài… với nhiều đề tài phong phú nhưng nếu quan sát kĩ hơn, dường như Long đam mê với tranh cổ động. Khi hỏi Long điều này, anh cười rất tươi, tâm sự: “Mỗi chất liệu đều mang đến cho mình nhiều thành công và giải thưởng. Thật ra, mình rất đam mê mĩ thuật, muốn đeo đuổi đến cùng nên ngay từ khi bước chân vào Đại học Huế mình đã tham gia rất nhiều triển lãm sinh viên, triển lãm khu vực, trong nước và quốc tế. Nhưng mình nhận ra, đam mê của mình đang dần ngả về mảng tranh cổ động, vì ngày nay giới trẻ ít quan tâm sáng tác còn thế hệ trước thì hầu như đã già yếu.

Trong 103 tác phẩm gửi về dự thi, họa sĩ Lê Thuận Long có 2/14 tác phẩm xuất sắc nhất. Ảnh: K.S
Cái quan niệm tranh cổ động chỉ là tranh treo treo ngoài đường, ít được để ý khiến mình muốn theo đuổi và thay đổi quan niệm của mọi người. Bởi tranh cổ động cũng có một đời sống riêng, phục vụ theo nhu cầu của đất nước, thế nên mình vẫn muốn có thêm nhiều tác phẩm tranh cổ động để không chỉ làm đẹp phố phường mà còn góp phần tuyên truyền các chính sách, các khẩu hiệu hành động một cách dễ hiểu, nhanh chóng và gần gũi với mỗi người dân hơn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn