MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường hoa Tết ở Việt Nam ngày càng thêm nhiều loại hoa ngoại nhập. Ảnh: Huyền Chi

Hoa Tết đã thay đổi theo thời gian

Huyền Chi LDO | 19/01/2024 08:44

Từ xa xưa, người Việt đã có thú chơi hoa Tết, vừa kỳ công, vừa mang theo rất nhiều cảm xúc và kỳ vọng vào may mắn từ thú chơi hoa trong dịp đầu năm mới.

Nét đẹp văn hóa

Mỗi độ Tết đến Xuân về, trong gia đình người Việt dù ở nông thôn hay thành thị, nhà nào cũng chuẩn bị một hoặc nhiều loại hoa khác nhau để chơi Tết. Ở miền Bắc, “thấy hoa đào là thấy Tết”, còn miền Nam có hoa mai, cùng với đó còn là cúc, lay ơn, đồng tiền, cát tường, quất… đại diện cho điềm may, phúc lộc đầu năm mới.

Người Việt quan niệm, hoa càng tươi, càng nhiều lộc lá, càng ra hoa rực rỡ sẽ càng mang theo may mắn vào nhà.

Hoa đào, hoa mai thường được đặt ở nơi đẹp nhất trong ngôi nhà, trên đó người ta trang trí thêm những phong bao lì xì, đồng tiền, thỏi vàng, đèn lồng, pháo giấy, câu đối nhỏ, thiệp chúc mừng. Chậu mai còn được nhiều người dùng giấy đỏ để cuốn lại trang trí, trông giống như những gói quà, với mong muốn phúc lộc và phát tài.

Có gia đình thích cắm cúc trong ngày Xuân vì cúc tượng trưng cho tính khiêm tốn, thanh khiết. Trà mi, hải đường cánh to và dày có mùi hương nhẹ nhàng, kín đáo biểu tượng của phúc hậu, gia đình nề nếp.

Trong “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi chép: “Vào dịp gần Tết, triều đình cho mở chợ hoa ở chợ cầu Đông”.

Ở Hà Nội, nhiều chợ hoa như Ngọc Hà, Thăng Long, Nhật Tân có lịch sử lâu đời, trở thành nơi vui chơi thanh lịch và lưu giữ văn hóa truyền thống. Thời xưa, chợ bán nhiều loại hoa nhưng nhiều nhất vẫn là hoa đào, nhộn nhịp nhất vào những ngày 27 đến 30 Tết.

Người anh hùng áo vải Quang Trung sau khi đập tan quân Thanh, giải phóng thành Thăng Long ngày 5 Tết Kỷ Dậu (1789) đã cho quân ăn Tết lại, đồng thời cho trung thần phi ngựa mang cành đào vào Phú Xuân như món quà Tết về cho vợ là Ngọc Hân, người con gái Thăng Long. Câu chuyện trong lịch sử ấy cho thấy hoa đào có ý nghĩa như một biểu tượng đẹp như thế nào đối với Thăng Long - Hà Nội.

Muôn sắc hoa làm nên không khí Tết

Ngày nay, chợ hoa Tết Hàng Lược vẫn là nơi người dân ghé qua mỗi dịp Tết, mở từ ngày 23 tháng Chạp cho đến gần Giao thừa mới tan. Theo ghi nhận của phóng viên, các hàng hoa đã được bày từ sớm, bắt đầu chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết Nguyên đán.

Chị Đinh Hà - một tiểu thương ở đầu phố Hàng Lược chia sẻ: “Năm nay kinh tế khó khăn, cung ít hơn hẳn so với năm ngoái, nhưng đến gần Tết, người dân sẽ đi xem hoa, mua hoa nhiều hơn. Không chỉ chơi đào trước Tết, nhiều người Hà Nội còn có thú chơi đào muộn. Ra Giêng hoa đã nở hết nhưng nhiều cây đào vẫn còn nụ, chưa ra hoa nên người ta mua về cắm để tận hưởng nốt những ngày xuân”.

Những năm gần đây, hoa Tết vô cùng phong phú với nhiều loại nhập từ nước ngoài, giúp người yêu hoa có thêm nhiều lựa chọn. Ngoài chơi hoa theo thẩm mỹ truyền thống, thú chơi hoa Tết của người dân cũng đa dạng hơn. Nhiều loại hoa nhập ngoại tràn vào thị trường hoa Tết ở Việt Nam những năm gần đây như thanh liễu, mẫu đơn, đào đông, mai Mỹ, đào Nhật, tulip... giá không hề rẻ nhưng vì hoa tươi, bền lâu, vẻ đẹp lạ nên rất nhiều người hỏi thăm.

Mỗi loài hoa có ngôn ngữ riêng, vì thế tùy theo sở thích, nếp nhà và điều kiện kinh tế mà mỗi gia đình lại tìm một loài hoa phù hợp. Đối với những người cầu kỳ, có khi đi tìm hàng tuần, thậm chí cả tháng từ trước Tết mới được cây đào, cây mai ưng ý mang về trưng trong nhà.

Nếu như hoa đào tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, phát tài phát lộc; hoa mai biểu trưng cho sức sống mãnh liệt, mạnh mẽ và thuần khiết thì hoa cúc gắn với sự trường tồn, hiếu thảo và lòng cao thượng; cây quất được quan niệm mang lại sự xum xuê, đông con nhiều cháu, nhiều phúc lộc và bình an…

Thú chơi hoa không chỉ là thú vui tinh thần mà còn thể hiện quan điểm thẩm mỹ, văn hóa của người Việt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn