MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạ sĩ Ahn Yun Mo tại lễ khai mạc triển lãm “Hoá thành bươm bướm” tổ chức ở Hà Nội. Ảnh: SƠN TÙNG

“Hóa thành bươm bướm” và hành trình kết nối yêu thương

MAI CHÂU LDO | 24/08/2019 07:02

Từ ngày 21.8 đến 14.9, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc giới thiệu đến khán giả Thủ đô triển lãm “Hoá thành bươm bướm” của hoạ sĩ Ahn Yun Mo. Sự kiện đặc biệt này không chỉ gắn kết trẻ em khuyết tật, tự kỷ trên khắp thế giới mà còn gửi đi thông điệp với mong muốn xoá tan mọi rào cản về màu da, ngôn ngữ, khoảng cách, đưa con người đến gần nhau hơn.

Những cánh bướm biết nói

Tác phẩm sắp đặt của triển lãm được tạo nên từ 1.300 cánh bướm giấy của trẻ em, trong đó có các em khuyết tật và 100 tác phẩm do các học sinh khuyết tật, tự kỷ đến từ trường chuyên biệt Bình Minh (Việt Nam), cùng 20 tác phẩm hội họa của họa sĩ Ahn Yun Mo và 5 họa sĩ khuyết tật đến từ Hàn Quốc.

Giới thiệu tính chân thực của mỹ thuật xứ Kim chi, dự án “Hoá thành bươm bướm” còn là triển lãm sắp đặt khổng lồ với sự tham gia của trẻ em khuyết tật từ nhiều nước trên thế giới. Mỗi một câu chuyện mang một sắc thái, một khát khao, dù chỉ là nhỏ bé, nhưng là cả “vùng trời ước mơ” được các em gửi gắm trên từng cánh bướm, khi đó là “I can fly - Tôi có thể bay”, “We are become a Butterfly - Chúng ta trở thành cánh bướm” hay “We are same people - Chúng ta là những người giống nhau”, “Việt Nam vô địch”...

Sự hồn nhiên, khát vọng, đam mê của các em nhỏ có lẽ là động lực chính để Ahn Yun Mo khởi xướng “Hóa thành bươm bướm” từ năm 2013 và duy trì suốt nhiều năm qua. Dự án được tổ chức nhiều nơi, như trụ sở của UN tại Brussels (Bỉ), Bảo tàng mỹ thuật hiện đại New York (Mỹ) và một số bảo tàng, khu triển lãm trưng bày, địa điểm nổi tiếng tại các thành phố lớn ở nhiều quốc gia.

Trẻ khuyết tật và tự kỷ rất khó có thể giao tiếp với cộng đồng, vì vậy dự án vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ hỗ trợ, đồng hành, khuyến khích các em theo đuổi sở thích, ước mơ của riêng mình. Hoạ sĩ Ahn Yun Mo hy vọng, “Hoá thành bươm bướm” sẽ giúp cộng đồng, xã hội hiểu rõ tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ khuyết tật và tự kỷ để các em có thể được đến trường, phát triển như các bạn đồng trang lứa.

Bà Park hyejin - GĐ Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc cho biết, văn hóa và nghệ thuật là cầu vô hình kết nối những con người xa lạ lại gần với nhau vượt qua mọi rào cản hữu hình vốn có. Triển lãm lần này càng có ý nghĩa hơn bởi những cánh bướm “biết nói” của các em nhỏ khuyết tật, tự kỷ. Trung tâm hy vọng rằng, “những cánh bướm trong triển lãm này sẽ tạo nên điều diệu kỳ kết nối những trái tim đồng điệu Việt - Hàn thêm gần gũi hơn nữa”.

Hướng đến tính nhân văn

Tại Việt Nam, số trẻ khuyết tật, tự kỷ ngày càng gia tăng, trong khi số lượng trường chuyên biệt lại vô cùng hạn chế; thiếu thốn đủ đường, chúng ta chưa có môi trường tốt giúp các em nhận được sự giáo dục, hoà nhập tốt.

Hiệu trưởng trường chuyên biệt Bình Minh - bà Lưu Thị Thu Hồng - đánh giá, dù ít hay nhiều, khó khăn vẫn phải vượt qua, những cố gắng từ các bậc phụ huynh, giáo viên tại các trường chuyên biệt phần nào cũng giúp các em “mở cánh cửa” tái hoà nhập với cộng đồng. Bằng những hoạt động thiết thực và bổ ích như triển lãm “Hoá thành bươm bướm” là một ví dụ, tiếp thêm nghị lực cho các em học sinh khuyết tật, tự kỷ vượt qua mọi rào cản, trưởng thành và làm việc có ích cho xã hội.

Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam - nhìn nhận, sự quan tâm đúng lúc và đúng cách từ cơ quan quản lý hay tổ chức cá nhân đối với trẻ em khuyết tật, tự kỷ đã tạo niềm tin để các bé thể hiện bản thân, nhất là có thêm sự trải nghiệm, trực tiếp thoả sức sáng tạo thông qua bộ môn mỹ thuật... là việc làm mang đậm tính nhân văn.

Ahn Yun Mo từng tổ chức 78 triển lãm cá nhân, 80 lần tổ chức dự án trong và ngoài nước có sự tham gia của trẻ em khuyết tật, tự kỷ. Ngoài ra, họa sĩ cũng tham gia một số Hội chợ nghệ thuật và 1.350 lần triển lãm nhóm tại Hồng Kông, Singapore, New Zealand và Miami...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn