MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học sinh tự kỷ ở Hàn bị bắt nạt vì hiệu ứng Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo

Huyền Chi LDO | 20/07/2022 16:57

Chọn khai thác một nhân vật yếu thế trong xã hội, bộ phim "Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo" vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Theo Allkpop, bộ phim truyền hình “Extraordinary Attorney Woo” (Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo) mang đến cho người xem kiến thức về chứng rối loạn phổ tự kỷ (Asperger).

Trong phim, nữ luật sư Woo Young Woo là luật sư mắc chứng tự kỷ đầu tiên của Hàn Quốc, sở hữu IQ 164 và gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội.

Tuy nhiên, truyền thông Hàn đưa tin nhiều học sinh đã sử dụng tên Woo Young Woo để bắt nạt bạn học. Một số bậc phụ huynh kể rằng học sinh cấp 2 chế giễu bạn bè ngốc nghếch, đãng trí sau khi xem "Extraordinary Attorney Woo".

Một người đàn ông chia sẻ: "Có một học sinh ở trường của vợ tôi bị rối loạn phổ tự kỷ, tình trạng nặng hơn Woo Young Woo một chút. Giờ đây, những đứa trẻ khác sẽ tìm đến học sinh đó để xem em ấy có hành động như Woo Young Woo không. Chúng còn hỏi rằng 'Woo Young Woo rất thông minh nhưng tại sao bạn lại không như vậy?'".

Nhiều người cho rằng bộ phim đã tạo nên hiệu ứng tiêu cực, khiến cho xã hội săm soi và kì vọng hơn ở những người mắc chứng Asperger (AS).

Bộ phim “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” kể về cô gái mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ và có tính cách rụt rè, kì lạ. Ảnh: ENA.
Trên thực tế, trước khi phim "Extraordinary Attorney Woo” phát sóng, trẻ em mắc AS đã phải đối mặt với tình trạng bị bắt nạt.

Theo NCBI, trong số các rối loạn phát triển thần kinh, học sinh mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ dễ bị bắt nạt hơn cả do các em thiếu khả năng giao tiếp và tương tác xã hội.

Các nghiên cứu cho thấy 67% học sinh mắc AS là nạn nhân bị bắt nạt, trong đó 29% phải chịu đựng trong thời gian dài. Nguy cơ bị bạo lực học đường ở học sinh mắc AS cao hơn học sinh phát triển thông thường hay mắc các khuyết tật khác.

3 hình thức bắt nạt phổ biến nhất là bị chế giễu, bạo lực bằng lời nói (73%), bị cô lập (51%), và bị gọi bằng những cái tên xấu xí (47%). 

Nguyên nhân được cho là do các em không thể tự bảo vệ bản thân và các vấn đề về hành vi khác biệt so với bạn bè. Mặt khác, các cá nhân khuyết tật cũng gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc.

Theo dữ liệu của Ủy ban Giáo dục Thủ đô Seoul, hiện có 18.179 camera ở các trường học tại Seoul, nhưng gần 93% trong số đó có độ phân giải thấp và không thể giúp xác định danh tính nạn nhân và kẻ bắt nạt.

Không chỉ trẻ em khiếm khuyết sức khỏe, bạo lực học đường cũng là vấn nạn bức bối ở nhóm học sinh phát triển bình thường. Theo nghiên cứu của Research Gate, 40% trẻ em tham gia vào các vụ bắt nạt học đường, trong đó 14% là nạn nhân, 17% là kẻ bắt nạt và 9% là đồng phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn