MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân tham gia hội cù ở làng An Mỹ. Ảnh: VH.

Hội cù truyền thống trăm năm tổ chức vào ngày Tết ở Quảng Trị

VIỆT HÀ LDO | 05/02/2022 13:38

Quảng Trị - Trong các lễ hội văn hóa dân gian truyền thống của tỉnh Quảng Trị được tổ chức vào dịp Tết âm lịch hàng năm, Hội cù ở làng An Mỹ (xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) có tuổi đời khoảng 500 năm.

An Mỹ là một trong 6 làng thuộc xã Gio Mỹ. Theo sách Phủ biên tạp lục của tác giả Lê Quý Đôn được soạn thảo vào năm 1776, tên làng Yên Mỹ cùng với các làng như  Nhĩ Thượng, Thủy Khê đã có trong tổng An Mỹ, là một trong 5 tổng thuộc châu Minh Linh.

Theo văn bản về truyền thống của làng và gia phả của các họ tộc, thì làng được hình thành chừng vào thế kỷ thứ 15, 16 bởi các dân binh từ vùng Thanh- Nghệ vào.  

Quả cù được gọt từ củ chuối. Ảnh: VH

Ông Dương Bá Văn ở làng An Mỹ cho biết, làng có một lễ hội đã tồn tại khoảng chừng 500 năm, đó là hội cù làng An Mỹ. Hội cù là một trò chơi mang tính cộng đồng cao, tập hợp được toàn thể người dân trong làng tham gia, đặc biệt hội chơi này diễn ra trong dịp tết Nguyên đán nên đã tạo được không khí vui tươi và tinh thần đoàn kết trong dân làng.

Hàng năm, hội cù được tổ chức vào ngày mùng 4 Tết âm lịch, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, cổ vũ. Theo quan niệm, nếu tổ chức hội chơi cù, thì mới được mùa, mọi công việc diễn ra không đạt được như mong muốn. Bởi vậy, cứ đến ngày mồng 4 Tết, dẫu mưa gió, làng vẫn tổ chức ngày hội cướp cù.

Hội cù đã trở thành ngày hội truyền thống của cộng đồng và là nét sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người dân làng Cẩm Phổ.

Rọ tre được đặt trên cây tre cao 3 mét. Đội nào ném được quả cù vào rọ thì thắng cuộc. Ảnh: VH

Hội cù được chia làm 3 hiệp với 3 quả cù được gọt từ củ chuối thành quả cù hình tròn có đường kính tầm 20cm, nặng đến 8kg khi còn tươi và nặng còn 4kg sau khi được nướng lên.

Trước khi các quả cù được trưởng làng khăn áo chỉnh tề tung lên để khai hội, thì cù được đặt lên bàn lễ cúng thần hoàng làng, sau đó mỗi quả cù sẽ được chơi trong mỗi hiệp kéo dài 10 phút.

Các trai tráng trong và ngoài làng được chia làm 2 đội cùng nhau đưa cù đến sát 2 rọ tre được đặt trên cây tre cao 3m ở hai đầu trảng cát và tung lên rọ.

Khi tiếng trống khai hội vừa dứt, ba hồi trống vang lên. Lúc này người chơi về vị trí của đội mình để chuẩn bị vào hội. Động lệnh của hội được đánh lặp lại một hồi 3 tiếng trống.

Tiếng trống thứ ba vừa dứt, quả cù được trưởng làng tung lên cao, người chơi của hai đội xông ra tranh giành cho được quả cù và chuyền cho đội mình để ném vào chiếc sọt đã quy định.

Thanh niên trai tráng ở 2 đội tranh nhau quả cù. Ảnh: VH

Nguyên tắc chơi nghe đơn giản là vậy, nhưng trên thực tế khá khó khăn. Khi quả cù được tung ra sân, không phải một người mà hàng chục, người thậm chí hàng trăm người tranh giành nhau.

Một khi người nào đó vừa ôm được quả cù, định chạy đến cột cù của đội mình thì đã có hàng chục người ùa vào vật nhào người ôm cù xuống đất để giành lại quả cù. Cứ thế, cuộc giành giật xảy ra liên tục. Trường hợp có người nào đó cướp được quả cù, xô ngã tất cả những người ngăn cản để chạy đến cột cù để ném vào sọt, thì phe đối phương sẽ chạy đến cầm cột cù đảo qua đảo lại, làm cho cái sọt không đứng yên một chỗ, có tung được cù lên chưa chắc đã vào sọt.

Và cứ như thế hội cù diễn ra theo 3 hiệp cho đến khi kết thúc trận đấu. Nhiều khi cả 3 hiệp đều trôi qua mà không có đội nào ném được quả cù vào sọt.

“Hội cù đầu xuân là dịp để dân làng rèn luyện sức khỏe, đồng thời là ngày hội cầu an, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và tinh thần cố kết cộng đồng qua bao đời” - ông Hoàng Sô (làng An Mỹ) chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn