MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh phim “Những vùng đất hồi sinh” của đạo diễn Đỗ Huyền Trang ảnh do HPTLKHTƯcung cấp.

Hơi thở của cuộc sống đương đại ùa vào phim

Trần Việt LDO | 04/06/2022 08:06

Nếu như phim truyện gắn liền với sự hư cấu, trí tưởng tượng thì phim tài liệu lại nổi trội ở ưu thế phản ánh sự thật, mang tính thông tin của báo chí thông qua hình tượng nghệ thuật. Liên hoan Phim Tài liệu Châu Âu-Việt Nam lần thứ 12 sau một thời gian dài bị gián đoạn bởi COVID-19 đã trở lại với khán giả Việt Nam từ ngày 3.6 tới 12.6 tại Hãng phim Tài liệu Khoa học TƯ (465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội).

Sự đa dạng của các phim

Những bộ phim tham dự Liên hoan phim năm nay đều là những tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật tốt, mang đậm nét văn hóa của mỗi quốc gia, dấu ấn của từng đạo diễn, trong đó nhiều tác phẩm lần đầu công chiếu tại Việt Nam. Hàng loạt vấn đề nóng được đề cập như bảo vệ môi trường, đối phó với biến đổi khí hậu, tình trạng vô gia cư, nghiện ngập và cả đề tài dịch bệnh COVID-19. 

Như thông lệ, mỗi buổi chiếu vẫn là sự đối chứng song song giữa 1 phim tài liệu Việt và 1 phim nước ngoài về những vấn đề khá tương đồng để các nhà làm phim và khán giả có những so sánh, liên tưởng thú vị.  

Tối khai mạc là phim “Những vùng đất hồi sinh” của đạo diễn Đỗ Huyền Trang là câu chuyện về khắc phục hậu quả da cam, đặc biệt là xử lý những khu vực bị nhiễm chất độc hóa học Dioxin- hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học do đế quốc Mỹ thực hiện ở miền Nam Việt Nam trong những năm 1961-1971. Tiếp theo là bộ phim Pháp “Trong từng phút giây” (De Chaque Instant) của đạo diễn Nicolas Philibert về những người trẻ tuổi theo đuổi việc học điều dưỡng, trau dồi bản thân cho công việc thầm lặng chăm sóc người già. Họ phải tiếp thu và nắm vững một lượng lớn kiến thức với những trách nhiệm nặng nề, nhưng đó chính là ý nghĩa cuộc sống, đóng góp cho cộng đồng. Phim đã được tuyển chọn cho Liên hoan Phim Quốc tế Locarno - 2018 và đoạt giải César cho Phim Tài liệu xuất sắc nhất 2019.  Phim “Mẫu Liễu Hạnh” của hai đạo diễn Trần Phương Thủy, Trịnh Quang Tùng nói về Mẫu Liễu Hạnh với ý nghĩa: Mẹ là nguồn cội, là đạo lý, văn hóa, là sự che chở, yêu thương. Mẹ là biểu tượng giá trị tinh thần vốn là nền tảng xây dựng hạnh phúc, Mẹ là nguồn cảm hứng đầy xúc cảm tha thiết thăng hoa thành nghệ thuật, đầy tính bản sắc dân tộc. Sinh nở từ Mẫu mà phúc đức cũng tại Mẫu. Đây là cái lý muôn đời của dân gian đưa Mẹ thành bất tử. Trong khi đó bộ phim Anh “Vương quốc bất định” (The Uncertain Kingdom” là một tuyển tập phim ngắn đặc biệt ghi lại bức tranh hiện thực về Vương quốc Anh năm 2020 dưới góc nhìn của các nhà làm phim.

Phim “Mạn đàm Trà Việt” của đạo diễn Nguyễn Như Vũ, Nguyễn Như Nam, nói về lịch sử cây chè Việt, vùng nguyên liệu chè, cách chế biến trà, cách thưởng thức trà của người Việt xưa và lớp trẻ ngày nay. Phim Bỉ “Cậu bé Samedi” (Petit Samedi Paloma Sermon-Dai” với nhân vật chính là Damien Samedi 43 tuổi. Khi anh còn nhỏ, trong ngôi làng bên bờ sông Meuse ở Vùng Wallonie của Bỉ, mọi người vẫn gọi anh là “Cậu bé Samedi”. Với mẹ anh, bà Ysma, Damien luôn là cậu con trai bé bỏng, người con bà chưa bao giờ từ bỏ ngay cả khi anh chìm đắm trong nghiện ngập. Người con trai đã luôn tìm cách bảo vệ mẹ mình bằng mọi giá và dũng cảm đối diện với cuộc đời mình để thoát khỏi ma túy. Đây là bộ phim đã giành nhiều giải như Giải Magrittes của Điện ảnh Bỉ (2022), Phim Tài liệu xuất sắc nhất 2021 tại Liên hoan Quốc tế Phim Y tế - ImagéSanté (Liège - Bỉ): Giải thưởng Lớn của Ban Giám khảo Diagonale....

Một số phim chân dung đáng chú ý về nhà soạn nhạc Helmut Lachenmann, người định hình nền âm nhạc đương đại trên toàn thế giới trong hơn 50 năm qua - phim “Helmut Lachenmann - con đường của tôi” (Helmut Lachenmann-My way) của đạo diễn Wiebke PoPel hay phim về danh họa Nguyễn Sáng - phim “Hai bàn tay” của đạo diễn Đặng Thị Linh…

Ngoài ra những vấn đề về nông thôn mới, về di cư, về phát triển và lưu giữ truyền thống... cũng được đề cập trong nhiều phim.

Hai phim về COVID

Đặc biệt có phim “Cuộc chiến không giới hạn” về chủ đề COVID-19 của đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn - Nguyễn Ánh Ngọc.  Bộ phim dài 32 phút, bối cảnh chính tập trung vào khu Mê Linh (Vĩnh Phúc) với những câu chuyện xúc động, liên quan tới nhiều đơn vị, cả thanh niên tình nguyện… tất cả cùng vào cuộc để chống dịch COVID-19. Như đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn trả lời Báo Lao Động từng nhấn mạnh: Cái khó là phim tài liệu phải làm sao cho đúng chất tài liệu, không rơi vào kiểu đưa tin, phóng sự như báo chí, truyền hình. Vì thế phim không lời bình để hình ảnh tự nói lên ngôn ngữ của nó.

Phim Italia “Phân tử” (MOLECOL)  của đạo diễn Andrea Segre. Vào khoảng giữa tháng hai và tháng tư năm 2020, Andrea Segre, người đã nhiều năm sống ở Rome, bị kẹt lại Venice trong thời kỳ giới nghiêm: Venice, quê hương của cha ông và một phần cũng là của ông. Ông đang thực hiện hai dự án về sân khấu và điện ảnh về những tổn thương của thành phố: Du lịch và triều cường. Trong quá trình dựng phim, vi-rút đã làm đóng băng toàn bộ thành phố trước mắt ông và trả lại cho thành phố vẻ tự nhiên vốn có cùng với lịch sử. 

Liên hoan Phim Tài liệu Châu Âu-Việt Nam lần thứ 12 diễn ra trong bối cảnh toàn thế giới vừa phải đối diện với đại dịch COVID-19. Điều này càng khẳng định những nỗ lực của Ban Tổ chức gồm Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) tại Việt Nam và các nước thành viên của Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ quán Châu Âu (EUNIC).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn